Thực tiễn Nghị quyết 10 năm 1988 đã cho thấy sự vươn lên xây dựng cuộc sống mới của nông dân Việt Nam chỉ bằng một cơ chế “giao ruộng cho nông dân”.

Thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và chương trình xây dựng NTM đã cho thấy, đây thực sự là một cuộc cách mạng mới ở nông thôn được mọi cấp, mọi ngành, mọi giới và mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

tong-ket-10-nm-thuc-hien-chuong-trinh-mtqg-xy-dung-nong-thon-moi1552021766103859480
Đường giao thông nông thôn phong quang, sạch đẹp.

Kết quả là bộ mặt nông thôn Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ trong mười năm qua. Nếu chúng ta đi suốt chiều dài đất nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi sẽ thấy nông thôn thay đổi thế nào. Nhiều người đi công tác, học tập xa quê chục năm về quê đã lạc đường. Nếu chúng ta đã đến những nơi xây dựng NTM tiêu biểu như huyện Hải Hậu (Nam Định), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)… thì sẽ thấy nông thôn Việt Nam không thua kém nông thôn Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philipinnes và cả Trung Quốc.

Ước mong của Bác Hồ: “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” thì bây giờ ở nông thôn Việt Nam đã có điều đó, và còn hơn thế nữa. Ở nông thôn đã có những biệt thự, những trang trại hiện đại và có nơi 100% người dân được dùng nước sạch như ở tỉnh Thái Bình. Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một video clip ghi lại một dinh thự mà ai xem cũng giật mình. PGS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhắn tin hỏi tôi: “Nhà này của ai ở Thái Bình mà kinh thế anh?”.

Tôi nhờ người tìm hiểu thì hóa ra đó là biệt thự của một nông dân chuyên nuôi ngao ở huyện ven biển Tiền Hải, rất may đó không phải là nhà một quan chức nào. Nhớ lại ngày xưa khi tôi còn nhỏ, nghỉ hè ra biển đào cả buổi được vài bơ ngao con. Thậm chí, người đẻ mới được ăn canh ngao nấu rau ngót. Bây giờ thu hoạch ngao bằng máy. Tàu chở ngao đi xuất khẩu nhộn nhịp. Cả vùng Tiền Hải giàu lên từ con ngao. Đấy chẳng là thực tiễn thay đổi sống động ở các vùng nông thôn sao?

Có một thực tế là, ngày nay người nông dân vẫn ở làng quê, nhưng không còn thiết tha với đồng ruộng và con trâu, cái cày nữa. Bốn ngày trước, tôi gặp nguyên Tổng Biên tập một tờ báo lớn. Anh hỏi tôi: Sao giờ nông dân bỏ ruộng nhiều thế, quan điểm anh thế nào? Tôi trả lời: Đó là điều đáng mừng anh ạ. Anh có vẻ suy tư sau câu trả lời của tôi.

Hiểu ý anh, tôi giải thích cặn kẽ: Nông dân bỏ ruộng, điều đó chứng tỏ đời sống nông dân đã thay đổi, đã tốt hơn, họ không phải lo nồi cơm đầy hay nồi cơm vơi nữa. Đó là tất yếu của sự phát triển xã hội ở nông thôn. Hiện nay, kinh tế nông thôn đã thay đổi về bản chất. Làng quê đã có nhiều xí nghiệp, công xưởng, làng nghề, trang trại sử dụng công nghệ và kỹ thuật cao, những hình ảnh này tôi đã nhìn thấy ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc những năm trước.

Một thực tế nữa, là trong 10 năm qua hệ thống SX nông nghiệp đã thay đổi. DN nông nghiệp đang phát triển, HTX nông nghiệp hoạt động theo quy Luật HTX kiểu mới được thành lập. Cơ giới hóa thay thế thủ công. Nhiều khâu như làm đất, thu hoạch có nơi đã cơ giới hóa 100%. KH- CN được áp dụng, chuyển giao rộng rãi, và điều đặc biệt là người nông dân đã chủ động tìm kiếm, áp dụng KH- CN vào SX. Hệ thống SX liên kết giữa DN với nông dân đang phát triển, mang lại kết quả rõ rệt.

Sự nghiệp xây dựng NTM đã huy động được nguồn lực khổng lồ từ xã hội và người dân đóng góp. Nhiều địa phương sau khi được công nhận NTM mà không nợ đọng xây dựng cơ bản như xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy (Thai Bình) từng được Tổng Bí thư về thăm.

 

Cứ ở đâu có sự lãnh đạo đúng đắn, cụ thể của cấp ủy Đảng, chỉ đạo điều hành ráo riết, minh bạch của chính quyền và được người dân đồng thuận thì công cuộc xây dựng NTM nhanh chóng hoàn thành.

Từ những kết quả thực tế không thể tranh cãi, chúng ta có quyền tin tưởng sự nghiệp xây dựng NTM đã khởi động thành công và con tàu sẽ sớm về đích. Tuy nhiên chúng ta cũng phải dọn đi những vật cản trên con đường đi tới. Đó là những tồn tại mà ai cũng nhìn thấy.

Cần phải khẳng định, NTM mới là giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chứ chưa phải đã hoàn chỉnh. Những kết quả đạt được mới là bước đầu. Nhưng một số nơi coi việc công nhận đạt chuẩn NTM là đã xong. Vì vậy, kết quả xây dựng NTM không phát huy được hiệu quả. Cơ sở hạ tầng mới xây dựng đã để xuống cấp, thiếu ngân sách bảo trì, duy tu...

Vẫn còn hiện tượng bài ca thành tích trong xây dựng NTM nên một số nơi mượn, nợ tiêu chí. Việc công nhận hoàn thành NTM mang tính hình thức và không hiệu quả sẽ dẫn đến nợ công phát sinh, khó có nguồn thanh toán. Nhiều nơi đất nông nghiệp bị xâm phạm, lợi dụng, bỏ quên và sử dụng không hiệu quả, dẫn đến sản xuất kém bền vững và gây bức xúc ở nông thôn.

Môi trường sống ô nhiễm do sản xuất không bài bản, tự phát; tệ nạn xã hội và an ninh một số nơi bị buông lỏng. Đời sống văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một và biến dạng. Sản xuất hàng hóa chưa thật sự phát triển và có biểu hiện chạy theo phong trào, cái gì cũng phải có mà chưa khai thác thế mạnh địa kinh tế, sản phẩm truyền thống mang bản sắc địa phương. Việc liên kết giữa DN và nông dân chưa chặt chẽ, thiếu chế tài quản lý, ràng buộc nên hiệu quả chưa cao.

Kinh tế nông thôn phát triển không bền vững dẫn đến đời sống nông dân không được cải thiện sau công nhận NTM. Do vậy đời sống văn hóa tinh thần không phát triển và môi trường sống, môi trường văn hóa và an ninh bị đe dọa, thậm chí nhiều nơi có nguy cơ "rụng" tiêu chí NTM. Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa xứng tầm nên chênh lệch về đời sống giữa thành thị và nông thôn đang doãng rộng ra.

Vì vậy, tôi xin kiến nghị một số giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt lợi ích sự nghiệp xây dựng NTM để mọi người dân, nhất là nông dân hiểu và nhận thức đúng đắn về xây dựng NTM là trách nhiệm của mọi người, vì lợi ích của nông dân và đất nước. Xây dựng NTM bắt đầu từ chủ trương. Nhưng khi thực hiện phải bắt đầu từ quy hoạch và kiên trì thực hiện theo quy hoạch lâu dài, làm đến đâu chắc đến đó, minh bạch, chất lượng và hiệu quả.

Đồng thời tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hai hướng. Nơi nào có điều kiện thì cho tích tụ đất đai quy mô lớn sản xuất tập trung, ứng dựng cơ giới hóa và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hạ giá thành như các nước Mỹ, Nga, châu Âu... Nơi nào không có điều kiện tích tụ đất thì tổ chức SX nông hộ nhưng có sự hướng dẫn và tích hợp lại thành tổ chức sản xuất cùng quy trình công nghệ, thương hiệu, đồng nhất về chất lượng để tiêu thụ thuận lợi hoặc làm vệ tinh cho DN như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Xây dựng đội ngũ DN nông nghiệp, HTX vững mạnh, coi đây là nền tảng của hệ thống sản xuất nông nghiệp mới trong tương lai. Thực hiện doanh nghiệp hóa nông thôn, doanh nhân hóa nông dân. Khuyến khích và có chính sách ứng dụng KH- CN vào SX nông nghiệp mà trước hết là các DN, HTX, trang trại và hộ nông dân lớn… Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hơn nữa, ngang tầm với yêu cầu và vị trí, nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn. Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp bao gồm cán bộ quản lý, doanh nhân, cán bộ kỹ thuật và nông dân…

Các Mác nói: Lý luận đi liền với thực tiễn. Lý luận nếu được tổng kết từ thực tiễn khi trở lại áp dụng vào thực tiễn thì chính nó là lực lượng vật chất chứ không chỉ là lý luận. Vì vậy việc nghiên cứu lý luận và tổng kết từ thực tiễn trong và ngoài nước cùng những kinh nghiệm của các nước, các địa phương đi trước để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng NTM mà chủ đề hội thảo đưa ra là một sáng kiến giá trị.

Chúng ta hãy ủng hộ, cổ vũ những địa phương, những cá nhân dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung. Hãy để nông dân tự mình xây dựng NTM dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền và xin đừng can thiệp thô bạo vào sự sáng tạo của nông dân mà hãy giúp họ thực hiện sự nghiệp cao đẹp này.

TRẦN MẠNH BÁO