Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo và sản xuất giống lúa chất lượng cao làm tiền đề để xây dựng thương hiệu gạo.

Kỳ 4: Muộn còn hơn không

Hạt gạo làng ta
Dành cả cuộc đời với cánh đồng, ruộng lúa với mong ước nghiên cứu, chọn tạo ra những giống lúa cho năng suất cao để góp phần giúp nông dân có “của ăn, của để”. Khi đã thành công về xây dựng thương hiệu giống lúa, ông Trần Mạnh Báo lại nghiên cứu, chọn tạo, đi tìm giống lúa để xây dựng thương hiệu gạo cho Thái Bình. Muốn có thương hiệu trước hết phải có chất lượng sản phẩm tốt, trong khi đó ThaiBinh Seed đã có nhiều giống lúa bản quyền chất lượng cao, song vẫn chưa đủ yếu tố để cho ra sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, năm 2014 ThaiBinh Seed đã đầu tư nhà máy chế biến gạo trị giá 5,5 triệu USD, với công suất 40.000 tấn gạo/năm. Đây là một trong những nhà máy chế biến gạo chất lượng cao, hiện đại nhất Việt Nam. 

Với gần 14 năm đi tìm giống lúa để xây dựng thương hiệu gạo, cuối cùng ông Báo cùng cộng sự đã nghiên cứu, chọn tạo thành công giống lúa để đưa vào sản xuất tạo ra thương hiệu gạo Niêu vàng (ra mắt thương gạo Niêu vàng đầu năm 2017). Như vậy, với quy trình sản xuất khép kín từ khâu chọn tạo giống đến liên kết sản xuất với bà con nông dân và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói thành phẩm  và bán đến tay người tiêu dùng, gạo Niêu vàng đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Điều đặc biệt của gạo Niêu vàng là vẫn giữ nguyên hương vị của “hạt gạo làng ta” do những nông dân gieo cấy, không có hóa chất bảo quản, chống mọt, chống nấm, tẩy trắng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật mà hoàn toàn tự nhiên với hương thơm nhẹ, cơm đậm đà, trắng trong, dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao. 

Bên cạnh đó, ThaiBinh Seed còn có sản phẩm gạo nếp A Sào, chỉ nghe tên người tiêu dùng đã liên tưởng tới một vùng đất (làng A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) với bao dấu tích lịch sử oai hùng về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Những ai đã từng sống ở nông thôn xưa kia thì những ký ức về một nhà nấu xôi cả làng đều biết vì mùi thơm tỏa ra. Ngày nay, gạo A Sào do ThaiBinh Seed chọn tạo và phát triển từ nguồn giống nếp A Sào trước kia vẫn giữ được hương thơm của “hạt gạo làng ta”, với hạt gạo nhỏ, tròn, trắng sữa có vị ngọt, dẻo, ăn một lần sẽ nhớ mãi. 

Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ: Để xây dựng thương hiệu gạo, ThaiBinh Seed đã liên kết với các địa phương chọn những vùng đất giàu dinh dưỡng, môi trường trong sạch để gieo cấy các giống lúa bản quyền và bảo đảm quy trình khép kín đến tay người tiêu dùng nên gạo đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng, hương vị, màu sắc…


Chung tay xây dựng, giữ vững thương hiệu gạo
Là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn/ha (năm 1966) và là một trong những tỉnh trong cả nước luôn dẫn đầu về năng suất lúa nhưng thương hiệu gạo lại đi sau một số tỉnh. Không phải gạo của Thái Bình không ngon mà do nhiều nguyên nhân nên thương hiệu gạo chưa đủ mạnh để vươn ra thị trường lớn (nguyên nhân đã nêu ở kỳ 2, kỳ 3). Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình muộn còn hơn không. Và điều này không chỉ có ThaiBinh Seed đã nỗ lực thực hiện gần 14 năm qua mà các cấp, ngành, địa phương cũng đã có những động thái tích cực để xây dựng thương hiệu gạo cho tỉnh. Với thành công bước đầu của ThaiBinh Seed về thương hiệu gạo Niêu vàng đã phần nào khẳng định muốn có thương hiệu cần phải chung tay xây dựng và giữ được thương hiệu là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTXNN, bà con nông dân.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Nhiều năm qua, Tiền Hải là một trong những địa phương đi đầu trong quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa, các giống lúa chất lượng cao được đưa vào gieo cấy trên diện rộng (từ năm 2010 đến nay, lúa chất lượng cao chiếm trên 50% diện tích gieo cấy của huyện). Đặc biệt, gạo Bắc thơm 7, T10 và một số giống lúa Nhật được gieo cấy trên đồng ruộng Tiền Hải rất hợp với thổ nhưỡng nên có chất lượng gạo ngon, thơm đặc trưng khác hẳn với một số nơi gieo cấy cùng giống nên được nhiều người tiêu dùng biết đến. Để xây dựng được thương hiệu gạo, trước hết phải xác định giống lúa, thổ nhưỡng phù hợp để gieo cấy, quy vùng sản xuất quy mô lớn và phải liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm quy trình sản xuất khép kín. Toàn huyện Tiền Hải hiện có 28 cánh đồng mẫu với diện tích khoảng 1.800ha có liên kết với doanh nghiệp để sản xuất. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau nên huyện chưa xây dựng được thương hiệu gạo. Tiền Hải đang nỗ lực phấn đấu sớm xây dựng được thương hiệu gạo trên cơ sở có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, bà con nông dân.

Đông Hưng là một trong những huyện luôn dẫn đầu tỉnh về chuyển đổi cơ cấu giống và năng suất lúa, đồng thời có cơ chế để khuyến khích nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm từng bước xây dựng thương hiệu gạo. 

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Những mùa vụ gần đây, Đông Hưng xây dựng cơ chế hỗ trợ 50% tiền giống lúa cho các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất với các công ty. Diện tích lúa có bao tiêu sản phẩm đạt gần 1.500ha/vụ, chủ yếu là giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7, T10, lúa Nhật. Không chỉ tăng giá trị sản xuất từ 1,3 - 1,5 lần so với cấy tự do, tham gia liên kết sản xuất nông dân còn được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. Hiện nay, Đông Hưng đã tích tụ đất, quy vùng sản xuất tập trung ở 9 xã với diện tích gần 800ha. Để xây dựng thương hiệu gạo, Đông Hưng đang nỗ lực chọn giống lúa chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới sản xuất gạo hữu cơ, VietGAP.
Theo ông Phạm Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại: Để xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình, trước hết phải tổ chức sản xuất lúa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân. Doanh nghiệp đặt hàng, đầu tư sản xuất và chia sẻ lợi nhuận với nông dân; doanh nghiệp phải có lực lượng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát nông dân sản xuất theo đúng quy trình, quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm và có thể truy xuất được nguồn gốc của từng lô gạo; lựa chọn giống lúa chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, có chất lượng ổn định để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và có chiến lược tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng…

Các yếu tố để xây dựng thương hiệu gạo cho Thái Bình đã cơ bản hội tụ đủ: có giống lúa chất lượng cao; tỉnh khuyến khích tích tụ ruộng đất, mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, một số doanh nghiệp có nhà máy chế biến gạo hiện đại như ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Hưng Cúc… Đặc biệt, ThaiBinh Seed đã ra mắt thương hiệu gạo Niêu vàng được người tiêu dùng đánh giá cao. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân để tiếp tục xây dựng thương hiệu gạo, giữ vững thương hiệu gạo hiện có.  

Nguyên Bình - Lưu Ngần