Ngoài những câu chuyện về thành công trong công việc, ông còn nổi tiếng là người sòng phẳng và tôn trọng cấp dưới. Câu chuyện về thuộc cấp là kỹ sư Đặng Tiểu Bình là một ví dụ. Vị kỹ sư này hoàn toàn không biết chuyện ông đã chọn lọc được giống lúa mới dựa trên bông lúa của ông ta, và mặc dù ông hoàn toàn có thể đăng ký bản quyền cho mình nhưng ông vẫn ký hợp đồng mua lại. Chắc hẳn ông có lý do khi làm việc này?
Tôi vẫn thường nói với các anh em trong hệ thống giống cây trồng Việt Nam – trong đó có rất nhiều nhà khoa học, rằng: Đã không làm khoa học thì thôi, còn đã làm khoa học thì tính trung thực phải là quan trọng nhất. Tôi đã nói được như thế thì cũng phải thực hiện được.
Những ai làm nghề này đều hiểu, để tạo ra được dòng đột biến phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Có người cả đời cũng chỉ lai tạo được 1 dòng thuần, nếu không trung thực, lợi dụng cấp trên để lấy của họ, thì liệu có xứng đáng là nhà khoa học không?
Đặng Tiểu Bình là bạn học cùng khóa của tôi ở ĐH Nông nghiệp. Vụ Xuân năm 1996, giống lúa 13/2 có nguồn gốc từ nước ngoài được gieo cấy lần đầu tại huyện Vũ Thư (Thái Bình), nhưng mạ chết gần hết. Khi đó, ông bạn tôi mới chọn những cây còn sống đem về trồng vào chậu trên mái nhà thì bất ngờ cây phát triển tốt. Thấy thế, ông Đặng Tiểu Bình bèn thuê ruộng đưa mạ xuống trồng. Lúa lên xanh tốt, bông to, nhiều bông, đẻ nhánh khỏe và có tên là BC-15
Năm 2004, tôi đem giống lúa này về chọn lọc thành 54 dạng khác nhau, khi ấy tôi hoàn toàn có thể mang đi đăng ký bản quyền giống quốc gia vì ông Bình không hề hay biết chuyện này. Nhưng tôi vẫn gọi ông Bình đến và đề nghị mua lại bản quyền của giống lúa này với giá 70 triệu đồng.
Mọi người hay nhắc lại chuyện này nhưng riêng bản thân tôi thấy rất bình thường, đó là sự tôn trọng tối thiểu dành cho những đồng nghiệp của mình. Tôi hợp tác với rất nhiều nhà khoa học từ các công ty giống, họ đã tin cậy mình, đưa cho mình thì mình cũng phải luôn luôn ý thức được rằng đây là mồ hôi, công sức của họ và cần phải tôn trọng điều đó.
Tại sao cuộc đời ông lại chỉ gắn với lúa thuần mà không phải là lúa lai Trung Quốc chẳng hạn? Làm lúa lai nhàn hơn rất nhiều và lợi nhuận kinh tế mang lại cũng là con số khổng lồ, trong khi làm lúa thuần phải đầu tư từ khâu nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất… đều rất khó khăn?
Từ khi đặt chân vào lĩnh vực giống cây trồng đầy duyên nợ này, tôi đã luôn trăn trở 2 điều. Một là, đã là người làm giống Thái Bình thì phải xây dựng được thương hiệu giống lúa Thái Bình, hai là từ thương hiệu giống lúa Thái Bình, phải tạo ra được thương hiệu gạo cho Thái Bình. Quê hương lúa chả lẽ lại không có một thương hiệu gì đó hơn các vùng khác?
Để xây dựng được thương hiệu cho giống lúa Thái Bình, phải bắt đầu từ đâu? Làm lúa thuần hay nhập lúa lai Trung Quốc? Có người bảo tôi, này ông Báo, ông không nghe lời tôi đi lấy lúa lai Trung Quốc về bán thì tiền bạc sẽ rủng rỉnh, cứ loay hoach với lúa thuần còn nghèo mãi. Họ còn nói tôi là gàn dở. Đúng là có nhiều thời điểm lúa lai chiếm thế thượng phong, người làm giống chỉ cần nhập giống lúa này về bán là có thể thu bội tiền.
Nhưng tôi nghĩ, lúa lai chỉ sử dụng được ở đời F1, người nông dân không sử dụng lại được. Những người làm giống lúa lai thường lợi dụng điều này để ép nông dân phải mua giống của họ nếu muốn tiếp gieo trồng ở các vụ tiếp theo. Với các công ty không làm nghiên cứu, họ chỉ đầu tư kinh doanh đơn thuần thì họ sẽ lựa chọn lúa lai là điều dễ hiểu. Nhưng nếu cứ phụ thuộc lúa lai Trung Quốc, mai mốt họ không hợp tác nữa thì có mà rút dải rút đó ra mà ăn à?
Trong khi đó, Công ty của tôi được sinh ra theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thành lập một cơ sở sản xuất giống để phục vụ, cung cấp giống tốt cho nhân dân. Gần 50 năm qua, chúng tôi luôn trung thành với mục tiêu xây dựng công ty này theo lời dạy của Bác. Chúng tôi làm vì nông dân, cho nông dân nên không đặt vấn đề lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu.
Thời điểm thành lập Công ty (năm 1967) đúng lúc cả nước cần rất nhiều lúa gạo để chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó chúng tôi làm lúa bằng mọi cách để tăng năng suất, và cung cấp giống tốt là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Chúng tôi vẫn làm điều đó cho đến tận bây giờ, đó là cung cấp giống cho nông dân bằng cái Tâm của doanh nghiệp.
Tất nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, doanh nghiệp không thể nói lỗ mà vẫn tồn tại được, nhưng nhờ cung cấp giống tốt, được người dân tin tưởng và ủng hộ nên chúng tôi vẫn tiếp tục tăng trưởng mà làm giống theo đúng mục tiêu đã đề ra ban đầu.