Đến nay, giống lúa BC15 của Tổng Cty Giống Cây trồng Thái Bình (TSC) đã “rải” khắp cả nước với khoảng nửa triệu hécta mỗi năm, trở thành “bà chúa” thống lĩnh trong lĩnh vực giống lúa ở Việt Nam.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát thăm cánh đồng sản xuất lúa giống của Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình
Thống lĩnh tập đoàn giống
Hơn 6 năm qua, kể từ khi giống lúa thuần BC15 được Bộ NN&PTNT công nhận giống Quốc gia (tháng 12/2008), đến nay giống lúa này đã phủ đến nhiều địa phương trên cả nước. Đây là giống cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, được nhiều địa phương tiếp thu, mở rộng sản xuất. Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc TSC, BC15 là một trong những giống lúa tốt nhất trong tập đoàn giống lúa thuần Việt Nam. Theo điều tra của TSC diện tích trồng BC 15 đã lên tới nửa triệu hécta.
“Một giống mà gieo trồng nửa triệu hécta trong khi Việt Nam chưa đến 8 triệu ha lúa, với hàng ngàn giống lúa. Rõ ràng, đó là giống số một rồi. Mặt khác, BC15 được gieo trồng trên toàn quốc. Hiện nay, kể cả các nhà khoa học nước ngoài đến xem, họ cũng muốn hợp tác để chuyển giao. Điều đó cho thấy, đây là một trong những giống lúa chủ lực của TSC cũng là giống chủ lực của một số địa phương trong cả nước”- ông Báo nói.
Minh chứng rõ nhất là giống BC15 đang “làm mưa, làm gió” ngay chính trên “quê hương 5 tấn” Thái Bình- địa phương dẫn đầu cả nước về năng suất lúa. Ngay vụ mùa 2014, các giống do TSC cung cấp như TBR-1, TBR36, TBR45 và BC15 tại Thái Bình chiếm khoảng 90%, trong đó riêng giống BC15 chiếm tới 70% diện tích (khoảng 56.000 ha). Lãnh đạo TSC cho biết, năng suất của giống BC15 cao hơn giống khác 1-2 tấn/ha, giá cao hơn 1.000-1.500 đồng/kg. Theo ước tính, giá trị của giống BC15 đem đến cho bà con nông dân tại Thái Bình khoảng 700 tỷ đồng. Còn nhìn ra cả nước, trong một vụ sản xuất, giống lúa của TSC đã mang lại giá trị gia tăng hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông dân.
Hình thành ngành công nghiệp giống
Trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, khâu giống là một mũi nhọn được ưu tiên phát triển trước theo hướng công nghiệp. Tại Thái Bình, là tỉnh đầu tiên làm được điều đó- sản xuất giống theo hướng công nghiệp, cung cấp cho bà con nông dân trong nhiều năm qua. Hiện bà con nông dân Thái Bình chỉ sử dụng 30-45 kg giống/ha, vẫn cho năng suất cao 7-8 tấn/ha/vụ, và cho năng suất bình quân 13-13,5 tấn/ha/năm trong liên tục 5 năm qua- là năng suất cao nhất cả nước (diện tích lúa toàn tỉnh Thái Bình là 83.000 ha).
Trong khi đó, lượng giống gieo trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long trung bình tới 100-200 kg/ha. Do vậy, nếu ở khu vực này giảm được 50% lượng giống/ha, mỗi năm tiết kiệm khoảng nửa triệu tấn thóc.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam, không thể để nông dân dùng thóc thịt làm giống mãi, vì chất lượng gạo kém. Mặt khác, phải quản lý, xử lý những đối tượng sản xuất, kinh doanh các loại giống giả, kém chất lượng. “Nhưng khổ nỗi các DN kinh doanh giống mọc như nấm sau mưa. Khi có một giống tốt, lại bị hàng giả, nhái tràn lan”- ông Báo nói.
Hiện nay, Thái Bình đã xây dựng trung tâm công nghiệp giống để cung cấp giống cho đồng bằng sông Hồng và cả nước theo chất lượng phát triển của TSC trong 10 năm qua. Năm 2014, TSC đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến hạt giống công suất 20.000 tấn/năm. Dự kiến nhà máy này sẽ khánh thành vào đầu năm 2015 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
TSC cũng đầu tư một nhà máy chế biến gạo chất lượng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, với công suất 40 nghìn tấn/năm; thực hiện chuỗi khép kín, từ cung cấp giống, sản xuất, chế biến cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng. Ngoài ra, TSC cũng có phòng thử nghiệm, được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên trong khối doanh nghiệp ở Việt Nam.
Theo Báo Tiền Phong