“Báo chí vừa là người bạn đồng hành, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những “rào chắn” cản trở mối quan hệ này”, đó là chia sẻ của ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thai Binh Seed) - với phóng viên Báo Công Thương nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

dong-hanh-chia-se-1.jpg


Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đang bị nhìn nhận theo hướng “xin - cho” hơn là mối quan hệ đồng hành, tương hỗ nhau. Là một doanh nhân, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, đây chỉ là quan điểm của tiểu số chứ không phải đa số, cần phải xem lại. Tôi khẳng định, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp không phải là sự “xin - cho” mà là mối quan hệ gắn bó, người bạn đồng hành của nhau, doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, báo chí là một trong những kênh quan trọng cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Nhờ báo chí, doanh nghiệp có được thông tin đa dạng, nhiều chiều, giúp doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, báo chí còn là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của các cơ quan nhà nước trong việc đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

Hiện nay, ngoài việc kịp thời phát hiện những điển hình, nhân tố mới để giới thiệu, biểu dương, báo chí còn chia sẻ với doanh nghiệp khó khăn, cổ vũ sáng tạo, phê phán những gì làm trở ngại, phiền hà, "rào chắn" đối với quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, báo chí còn góp phần đổi mới nhận thức của xã hội, tạo nên sự đồng thuận, sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ, khăng khít, tuy nhiên còn có những “góc tối” cản trở mối quan hệ này. Ý kiến của ông như thế nào?

Ngoài những giá trị mà báo chí đã mang lại cho doanh nghiệp, thời gian qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí cũng gặp những trở ngại đáng kể. Đó là hiện tượng nhà báo "sách nhiễu" doanh nghiệp; một số tờ báo đưa tin không đúng sự thật, thiên vị, một chiều, không khách quan vô tư. Thực tế dù có được cải chính đi chăng nữa thì việc gây thiệt hại và làm giảm uy tín của doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta đều biết, việc xây dựng được thương hiệu và uy tín một doanh nghiệp phải mất hàng chục năm, thậm chí cả đời một doanh nhân và rất tốn kém. Có thể nói đây một trở ngại lớn trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp ngại báo chí, tránh báo chí, “quay lưng” lại với báo chí.

dong-hanh-chia-se-2.jpg

Bản thân đơn vị chúng tôi cũng đã từng phải hứng chịu về việc đưa tin vội vàng thiếu kiểm chứng, chỉ phản ánh hiện tượng, vội vàng không tìm hiểu kỹ, không có ý kiến nhiều chiều và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến của người trong cuộc của một số tờ báo khi viết về giống lúa BC15 của công ty gieo cấy trong vụ xuân 2013. Sau khi có kết luận nguyên nhân chính làm cho trà lúa BC15 trỗ từ 23-28/4/2013 kết hạt kém là do thời tiết không thuận lợi ở giai đoạn phân hóa đòng và khi trỗ gặp mưa chứ không phải do chất lượng hạt giống. Thiệt hại của công ty từ sự việc này là quá lớn… Qua sự việc này công ty cũng đã rút kinh nghiệm sâu sắc và chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Theo tôi hiện tượng này chỉ là con số nhỏ không phải đại diện của số đông.

Để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp được cải thiện và gắn bó hơn, theo ông cần phải làm gì, kiến nghị của ông về vấn đề này?

Một lần nữa tôi khẳng định, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là rất tốt đẹp, việc có một số hiện tượng “gây nhiễu” cản trở mối quan hệ chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Để cải thiện mối quan hệ này ngày một gắn bó hơn, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường các chương trình đối thoại giữa doanh nghiệp và báo chí, làm thế nào để hài hòa lợi ích của hai bên trên cơ sở tuân thủ luật pháp và lợi ích của cộng đồng. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động thông tin tuyên truyền của báo chí, kịp thời uốn nắn, giúp đỡ các cơ quan báo chí khi gặp phải những sai sót, khó khăn trong khi thi hành nhiệm vụ.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, tôi mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí khi cử phóng viên viết về một vấn đề nào đấy, phóng viên đó phải có những kiến thức cơ bản, chuyên sâu. Khi đưa tin về một doanh nghiệp, hay một sản phẩm nào đó cần phải trung thực, tìm hiểu kỹ, đặc biệt phải có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, nếu không vô tình sẽ khai tử một sản phẩm, một doanh nghiệp. Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và kỹ thuật, bởi lĩnh vực này hoạt động hoàn toàn gắn với điều kiện tự nhiên, năm nay thời tiết tốt thì được mùa, sang năm không thuận lợi thì mất mùa, hơn nữa, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các sinh vật mỗi mùa vụ cũng có sự biến đổi để tồn tại thích nghi với môi trường, do vậy các doanh nghiệp rất khó lường.

Các cơ quan truyền thông báo chí tích cực tuyên truyền, thông tin những điểm sáng, mô hình kinh doanh mới hiệu quả, sản phẩm để đẩy mạnh cho xuất khẩu, đặc biệt báo chí tích cực góp phần vào xây dựng thương hiệu quốc gia. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động và cởi mở hơn, cung cấp thông tin chính xác cho báo chí và báo giới cần khách quan và linh hoạt trong việc đưa thông tin chính xác ra công chúng.

Xin cảm ơn ông!

Trong công cuộc Việt Nam chấn hưng kinh tế và bước ra thế giới, không thể thiếu sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa báo chí và doanh nghiệp. Để làm được điều này, báo chí và doanh nghiệp cần cởi mở hơn nữa với nhau, đặc biệt là phải tin cậy, nương tựa, tôn trọng nhau vì một lợi ích chung của cộng đồng.

Theo Vũ Điển - Viết Thanh