Nhiều năm qua, việc liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đã đem lại nhiều lợi ích cho nông dân xã Bình Định (Kiến Xương), qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
 
 
Nông dân Bình Định khử lẫn trên vùng sản xuất lúa giống TBR225.
 
Thăm vùng sản xuất lúa giống TBR225 của xã Bình Định, chúng tôi được chứng kiến những bông lúa trĩu hạt, vàng óng chuẩn bị cho thu hoạch hứa hẹn một vụ lúa bội thu. 
 
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định cho biết: Từ nhiều năm nay, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia sản xuất lúa giống, nông dân Bình Định luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất từ khâu gieo mạ, chăm sóc đến thu hoạch để bảo đảm chất lượng lúa giống. Vụ xuân năm nay, HTX liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất 195ha lúa giống, trong đó 145ha giống lúa TBR225, 50ha giống lúa BC15.

Theo phương thức liên kết, doanh nghiệp cung cấp giống lúa trả chậm để nông dân sản xuất theo quy trình. Cuối vụ, doanh nghiệp thu mua, giá thu mua căn cứ vào giá thị trường trước thời điểm thu mua 2 ngày. Nếu mua tươi thì giá thu mua bằng giá thị trường, nếu mua khô thì Công ty mua bằng giá thị trường cộng thêm 100 đồng/kg nhân với hệ số 1,3 lần. Với giá này, thu nhập sẽ tăng lên 1,3 lần so với cấy lúa tự do. 

Không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, tham gia liên kết sản xuất lúa giống, hàng năm Công ty còn tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất và cam kết chặt chẽ hơn với nông dân trong khâu khử lẫn. Hình thành liên kết tự nguyện “5 cùng” trong sản xuất: cùng vùng, cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc và cùng thu hoạch nên lúa giống luôn bảo đảm chất lượng, không mất nhiều công khử lẫn. Cách làm này cũng tạo thuận lợi cho HTX trong chỉ đạo, điều hành các khâu dịch vụ. 

Ông Trần Thanh Sơn cho biết thêm: Do sản xuất lúa giống có quy trình chặt chẽ nên ban đầu, nông dân còn e dè. Sau một thời gian tham gia, nhận ra làm lúa giống đem lại nhiều lợi ích: năng suất cao, chi phí đầu tư giảm, được trả chậm thóc giống, phân bón, đặc biệt không lo đầu ra, nhận tiền ngay mà không sợ tư thương ép giá nên diện tích liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng. Từ diện tích 15ha năm 2008, đến nay Bình Định đã quy hoạch được gần 200ha sản xuất lúa giống, vụ mùa tới, diện tích này sẽ tăng lên 300 - 320ha, mở rộng đầu ra cho cây lúa. Cũng nhờ tham gia sản xuất lúa giống đã bỏ dần tình trạng nông dân sử dụng lúa thịt làm giống, nhờ đó năng suất lúa được bảo đảm, hạn chế thấp nhất sâu bệnh.


lua_ac3ffb6df4af1fd9f293b39fbc5963a6.jpg

Năng suất lúa TBR225 dự kiến đạt 76 tạ/ha.
 
Đến ngày 5/6, Bình Định có khoảng 40 - 60ha lúa giống TBR225 cho thu hoạch để làm giống chuyển vụ, đại trà cho thu hoạch vào trung tuần tháng 6, năng suất ước đạt 76 tạ/ha.

 
Ông Bùi Tấn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định
Là xã thuần nông, từ nhiều năm nay UBND xã có chủ trương ngoài việc khuyến khích đưa các giống lúa mới, ưu tiên các giống lúa hàng hóa, chất lượng cao, xã làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất lúa giống theo mô hình cánh đồng mẫu để tạo thuận lợi cho sản xuất, ổn định năng suất và chất lượng sản phẩm. Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện, Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình có nhiều hơn nữa những cơ chế nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt trong những thời điểm sản xuất gặp nhiều khó khăn, có hành lang thông thoáng trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
 
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định
Hàng năm, HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong đó có Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình tiêu thụ gần 1.000 tấn lúa cho nông dân. Để phục vụ công tác sản xuất lúa giống, HTX không chỉ làm tốt các khâu: làm đất, cung cấp vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật mà còn điều hành máy gặt, đặc biệt điều phối máy chuyên thu hoạch vùng sản xuất lúa giống để sản phẩm bảo đảm chất lượng, không bị lẫn tạp để nông dân yên tâm sản xuất.
 
Bà Bùi Thị Gấm, thôn Công Bình, xã Bình Định
Toàn bộ 1,8 mẫu ruộng của gia đình tôi đều cấy lúa giống TBR225 cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Tham gia từ những vụ đầu khi giống lúa đưa về sản xuất tại địa phương, tôi nhận thấy đây là giống lúa cho năng suất cao, ít sâu bệnh. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của Công ty, lúa của gia đình tôi luôn duy trì năng suất 2,7 - 2,8 tạ/sào thóc khô, cân tươi đạt 3 tạ/sào. Không kể lượng thóc để lại phục vụ nhu cầu của gia đình, với giá bán cao hơn 1,3 lần giá thóc thường, tôi thu được khoảng 30 triệu đồng/vụ từ tiền bán thóc giống. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, gặp vấn đề vướng mắc là cán bộ HTX và Công ty tạo điều kiện giúp đỡ nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất.

Lưu Ngần