Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của công tác thi đua trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội?

Sinh thời, Bác Hồ đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Riêng tôi nghĩ rằng, con người sinh ra ai cũng có khát vọng vươn lên, cống hiến cho gia đình mình, cho quê hương, cho đất nước. Đó chính là động lực của mỗi con người và vì lẽ đó, mà xã hội không ngừng phát triển. 

 

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.

 
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Ngay từ khi mới giành độc lập, Bác Hồ đã phát động các phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, “Diệt giặc dốt, diệt giặc đói”… Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Bác ra lời kêu gọi “Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt”.

Trên quê hương Thái Bình đã có những phong trào nổi tiếng như “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” hay “Cánh đồng năm tấn, cánh đồng anh Trỗi, Lê Thị Hồng Gấm…”. Các phong trào đó đã trở thành huyền thoại viết lên bài ca 5 tấn và làm nức lòng đồng bào cả nước lúc bấy giờ. Âm vang của các phong trào ấy còn lắng đọng trong trong tâm khảm chúng ta hôm nay. Đó chính là tình yêu quê hương, đất nước từ trái tim mỗi con người trong hành động thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Đối với doanh nghiệp, công tác thi đua là công cụ thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi thành viên, góp phần làm tăng năng suất lao động và hiệu quả công việc, nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác thi đua còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của người lao động, gắn kết mọi người, tạo không khí làm việc sôi nổi, môi trường thân thiện, chân thành.

ThaiBinh Seed được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong công tác thi đua sản xuất - kinh doanh. Ông có thể nói rõ hơn điều này?

ThaiBinh Seed luôn coi công tác thi đua là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Công tác thi đua giúp người lao động không ngừng sáng tạo, tham gia mọi hoạt động của doanh nghiệp, thông qua các đoàn thể quần chúng, các tổ chức trong doanh nghiệp, các phong trào thi đua như “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua lao động sáng tạo” hay “Thi đua làm giàu cho mình và doanh nghiệp”… 

Đặc biệt, chúng tôi có phong trào “Mỗi ngày một ý tưởng”, “Sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hai phong trào này đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững. 

Trong các phòng làm việc, trên bàn làm việc luôn đặt câu hỏi “ý tưởng của bạn hôm nay là gì” để nhắc nhở mọi người về sự sáng tạo khi ngồi vào bàn làm việc. Sáng tạo mọi lúc, mọi nơi để tìm ra ý tưởng. ThaiBinh Seed đã quy định tiền thưởng cho mỗi ý tưởng là 50.000 đồng. Khi ý tưởng được chuyển thành sáng kiến, thì được thưởng theo giá trị của sáng kiến mang lại và đã có những sáng kiến được thưởng tới hàng tỷ đồng.

ThaiBinh Seed còn tham gia các phong trào, các hoạt động như “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Liên kết 4 nhà”, “Cánh đồng mẫu”, từ thiện xã hội. Việc xây dựng, phát động và duy trì phong trào thi đua được thực hiện thường xuyên. Có những phong trào phát động từ đầu năm, nhưng cũng có những phong trào, chiến dịch diễn ra đột xuất. 

Các phong trào thi đua phải có nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thời gian thực hiện, sơ kết, tổng kết và quan trọng hơn là phải khen thưởng, động viên kịp thời. Hàng tuần, hàng tháng, các đơn vị báo cáo các ý tưởng, sáng kiến về Ban thi đua và được thông báo khen thưởng ngay trong lễ chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần của Công ty.

Vai trò của người đứng đầu và Ban thi đua rất quan trọng để phát động và duy trì phong trào thi đua. Người lãnh đạo phải đi đầu duy trì hoạt động của Ban thi đua và phải là người tích cực nhất.

Từ những phong trào này và cách làm như vậy, mỗi năm, ThaiBinh Seed có hàng ngàn ý tưởng, hàng trăm sáng kiến được áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp, góp phần đưa ThaiBinh Seed có vị thế như ngày hôm nay. Đó chính là sự sáng tạo sinh ra từ các phong trào thi đua. Từ đó, góp phần đưa ThaiBinh Seed từ công ty cấp tỉnh, trở thành tổng công ty trong top đầu cả nước về sản xuất giống cây trồng, góp phần vào sự phát triển nền nông nghiệp Thái Bình cũng như cả nước. 

ThaiBinh Seed đã trở thành nhà sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam. Các giống lúa (BC15, TBR-1, TBR45, TBR36, TBR225, Đông A1, Thái Xuyên 111...) của Công ty đã có mặt ở 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm, có khoảng 20.000 tấn lúa giống mang thương hiệu ThaiBinh Seed đến với nông dân. Riêng ở Thái Bình, các loại giống này đã và đang trở thành giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất chính, chiếm tới 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh. Sản phẩm giống lúa BC15 và TBR225 năng suất cao, chất lượng gạo ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà ít có giống lúa nào sánh kịp.

Hàng năm, ThaiBinh Seed liên kết sản xuất với các địa phương trên cả nước, với diện tích hơn 6.000 ha/năm, thu mua 20.000 - 25.000 tấn giống cây trồng chất lượng cao, đem lại giá trị gia tăng 40 - 50 tỷ đồng cho nông dân. Nhiều hộ nông dân liên kết sản xuất với ThaiBinh Seed có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

ThaiBinh Seed còn là thành viên của Hiệp hội Giống cây trồng châu Á - Thái Bình Dương (APSA), Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình (TBEA).

Như ông đã nói, vai trò của người đứng đầu trong các phong trào thi đua là rất quan trọng, vậy ông đã làm gì để “truyền lửa thi đua” cho cán bộ, công nhân viên của mình? 

Khi rời ghế nhà trường, tôi vào chiến trường theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ. Tôi trở về từ chiến trường, trên mình mang thương tích và bây giờ vẫn còn mảnh đạn trong người. Khi bị thương, về đơn vị an dưỡng, tôi được nghe câu nói của Bác “thương binh tàn, nhưng không phế”. Thực tế, bao nhiêu bạn bè, đồng đội không trở về, nên việc còn được trở về với bố mẹ, gia đình, quê hương như tôi đã là điều vô cùng may mắn. Tôi luôn tự khuyên mình “hãy làm gì đó để trả ơn đồng đội, quê hương”. 

Gặp lại các bạn cùng lớp, người đi học nước ngoài, người học đại học…, đã có lúc, tôi bất lực với kiến thức của mình. Tôi quyết định im lặng, kiên trì học tập và tự đưa ra cho mình một sự thi đua thầm lặng. Tôi tự vạch ra cho mình chiến lược cuộc đời mình, đó là “hãy làm gì đó giúp quê hương, giúp những người nông dân, bố mẹ mình đỡ vất vả, gian khổ”. Vì tình cảm đó, tôi đã không ngừng học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, ngày đêm trăn trở tìm tòi mọi giải pháp, ứng dụng vào đổi mới quản lý, cải tiến kỹ thuật, lai tạo nhiều giống cây trồng quý, góp phần phát triển nông nghiệp trong tỉnh và cả nước.

Với vai trò là người quản lý, năm 1987, sau khi tốt nghiệp đại học lần thứ nhất, tôi đã viết Đề án “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động - Đổi mới quản lý nông nghiệp quốc doanh”. Đề án đã đưa ThaiBinh Seed thoát khỏi cơ chế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Tiền Hải, tôi được điều về làm Phó giám đốc Công ty phụ trách kinh doanh. Tôi đã lập tức xây dựng thương hiệu ThaiBinh Seed, tự vẽ logo, đi đăng ký bảo hộ khi Việt Nam chưa có cơ quan bảo hộ thương hiệu, mở thị trường ra tỉnh ngoài…

Năm 2000, được giao nhiệm vụ Giám đốc Công ty, tôi đã mất 3 năm viết Chiến lược phát triển Công ty, vì lúc đó chưa có tư vấn xây dựng chiến lược như bây giờ. Chiến lược đó được xây dựng trên 3 trụ cột: trí tuệ (con người), khoa học công nghệ, quan hệ hợp tác.

Năm 1989, khi còn làm Trại trưởng ở Đông Cơ (Tiền Hải), tôi đã xây bờ ruộng, làm khảo nghiệm giống mới. Viện sĩ Vũ Tiên Hoàng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp về thăm Thái Bình, xuống thấy tôi đang lội ruộng thí nghiệm, hỏi: “Cậu làm gì đấy?”. Tôi trả lời: “Thưa Thứ trưởng, em làm khảo nghiệm giống lúa”. Ông liền nói: “Bộ Nông nghiệp có bao nhiêu viện nghiên cứu, bao nhiêu trung tâm nghiên cứu, việc gì các cậu phải làm”. Tôi trả lời: “Báo cáo Thứ trưởng, nếu em không làm khảo nghiệm, thì em không biết giống của các viện ra sao”. 

Sau khi nghiên cứu khảo nghiệm ở Đông Cơ, tôi đã góp phần đưa các giống lúa Tạp giao 1, Tạp giao 4, Q5, BT7, C70, 13/2 vào cơ cấu sản xuất tại Thái Bình. 

Năm 2002, tôi quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và năm 2007 thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm mới thuộc doanh nghiệp đầu tiên trong ngành nông nghiệp Việt Nam và Thái Bình.

Tôi cho rằng, người lãnh đạo doanh nghiệp phải là ngọn cờ đầu tiên phong, có chủ trương rõ ràng, gương mẫu trong mọi hoạt động thi đua. Khi phát động phong trào thi đua, tôi luôn nêu nội dung, mục đích cụ thể, thường xuyên tổng kết, sơ kết, khen thưởng đúng với năng lực. Thi đua phải thấm nhuần tinh thần của Bác “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, muốn có phong trào thi đua thì mọi đánh giá khen, chê nhất định phải công bằng.

Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo đã vinh dự được nhận:
3 Huân chương Lao động (hạng Nhất, Nhì, Ba).
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 25 Bằng khen của các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội Trung ương và địa phương
5 bằng Lao động sáng tạo.
FAO xướng tên và tặng chứng nhận người có đóng góp phát triển nông nghiệp trong báo cáo của Liên hợp quốc (năm 2016). 
Giải thưởng VIFOTEC (năm 2018) 
2 lần đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật Thái Bình, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
NGUỒN: Báo Đầu tư Online