Nông dân được mùa cũng là thành công của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa giống, coi nhà nông là người ăn cùng một mâm cơm, đi chung một con thuyền.

Với quan điểm: Nông dân được mùa cũng là thành công của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa giống, coi nhà nông là người ăn cùng một mâm cơm, đi chung một con thuyền, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) đã trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực cung ứng lúa giống của cả nước.

Phóng viên Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TSC xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay, biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết, mùa vụ có những thay đổi bất thường, làm nông dân nhiều nơi bị thiệt hại. Đối với nhà sản xuất kinh doanh giống cây trồng (nhất là với lúa giống), vấn đề này ảnh hưởng như thế nào trong việc lựa chọn các loại giống để sản xuất kinh doanh của công ty?

- Biến đổi khí hậu đã đặt ra cho ngành sản xuất nông nghiệp trong đó có lúa gạo rất nhiều khó khăn. Trước đây tính quy luật diễn ra khá ổn định. Do vậy nhà sản xuất có thể xây dựng kế hoạch, bố trí thời vụ gieo trồng, thời gian nhập kho, chế biến đóng gói để đưa thành phẩm tới các vùng thị trường được ổn định. Nhưng hiện nay, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi từ 30 – 40% quy luật so với trước, do vậy kế hoạch của các nhà sản xuất không còn tính ổn định nữa. Điều này buộc ngành sản xuất nông nghiệp phải tìm cách thích ứng, đặc biệt sản xuất lúa gạo phải thích ứng nhanh hơn so với các ngành khác. Tuy nhiên cái thích ứng này không thể một sớm một chiều làm được mà cần phải có thời gian.

Việc tạo ra những giống cho thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng được với sự thay đổi, biến đổi của khí hậu và có chất lượng nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay thậm chí cho cả xuất khẩu, không phải làm là thành công ngay. Vì với mỗi dạng hình thời tiết thì sẽ có loại sâu bệnh tương ứng cho nên nhà sản xuất giống cần nghiên cứu ra loại giống kháng được với sâu bệnh do thời tiết tạo nên. Mặt khác, về mặt sinh học năng suất, hàm lượng chất thô và khả năng tích lũy các chất dinh dưỡng trong nông sản lại tỷ lệ thuận với thời gian sinh trưởng, phát triển thân lá của cây trồng. Thời gian sinh trưởng càng dài thì hàm lượng chất dinh dưỡng trong nông sản càng cao. Đó là cái khó cho các nhà sản xuất giống. Việc tạo ra được những giống lúa để đáp ứng được các yêu cầu trên mất rất nhiều thời gian, chi phí tốn kém, đòi hỏi sự kiên trì. Có khi hàng chục năm mới tạo ra được một giống mới, vì thế chỉ những nhà sản xuất giống lâu năm mới có thể làm được. Ví dụ như với TSC, có giống 12 năm nghiên cứu, đến bây giờ vẫn chưa đưa ra thị trường được.

di-chung-1-con-thuyen-1.jpg
Giống lúa BC15 được trồng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Với tư cách bạn đồng hành với nông dân, TSC cam kết với “bạn” của mình như thế nào khi họ gặp rủi ro liên quan đến giống lúa?

- Trong sản xuất nông nghiệp, khó tránh khỏi rủi ro. Chúng tôi cung ứng giống cho nông dân, nếu do biến đổi khí hậu mà làm cho nông dân bị mất mùa hoặc năng suất thấp thì việc đầu tiên mà TSC sẽ làm là chia sẻ với nông dân, hỗ trợ nông dân một phần kinh phí để khôi phục sản xuất như là cung ứng giống cho bà con nông dân mà không lấy tiền.

Năm 2013, TSC đã cung ứng giống cho nông dân những vùng bị thiên tai, bão lớn, lụt lội như ở Hà Tĩnh, Quảng Trị và một số nơi khác hơn 1.000 tấn, kể cả những vùng mà TSC không cung ứng giống. Đó là việc làm bình thường của TSC khi nông dân gặp rủi ro. Việc sẻ chia với nông dân là lương tâm và trách nhiệm, chính nông dân đã giúp chúng tôi trưởng thành, do vậy khi nông dân gặp rủi ro do sử dụng giống thì TSC sẽ hỗ trợ cho nông dân, với khả năng của mình đến đâu, chúng tôi sẽ hỗ trợ đến đó. Ví dụ như vụ Đông Xuân 2014 này, ở một số vùng nông dân liên kết với TSC để sản xuất giống, sau khi gieo cấy gặp rét đậm, lúa đã bị chết diện rộng. TSC đã hỗ trợ giống để nông dân sản xuất lại cho kịp thời vụ.


di-chung-1-con-thuyen-2.jpg
Cán bộ Sở NNPTNT TP. Hải Phòng kiểm tra chất lượng lúa BC15 tại huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

TSC đã hỗ trợ cụ thể cho nông dân như thế nào để đạt được năng suất tốt nhất?

- Chúng tôi quan niệm nông dân được mùa thì cũng là thành công của TSC, hàng năm Công ty thường xuyên tổ chức khảo nghiệm trên diện rộng trong toàn quốc và mời bà con đến xem để họ biết về sản phẩm của mình. Ngoài ra, trước khi cung ứng giống cho bà con nông dân, TSC đã phối hợp với các cơ ngành nông nghiệp như trung tâm khuyến nông, phòng trồng trọt của các địa phương tổ chức các buổi hội nghị đầu bờ, lớp tập huấn kỹ thuật và cử cán bộ của mình xuống hướng dẫn để bà con nông dân biết cách sử dụng sản phẩm, sản xuất đúng quy trình, đỡ tốn chi phí. Năm 2013, Công ty đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho bà con nông dân ở 11 tỉnh từ đồng bằng tới tận miền núi. Công ty còn cử cán bộ theo dõi để phát hiện khi thấy nông dân làm sai quy trình sẽ trực tiếp giải thích cho bà con hiểu... Đó là những cách mà TSC hỗ trợ nông dân tránh rủi ro và đạt năng suất cao nhất.

Hiện nay, giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ áp đảo (khoảng 70% tổng số lúa lai sử dụng tại VN), trong khi lúa lai sản xuất tại Việt Nam chỉ có khoảng 25% thị phần mà nhiều vụ vẫn bị ế ẩm. Theo ông, sự “lép vế” của lúa lai nội có ảnh hưởng như thế nào đến ngành lúa gạo Việt Nam?

- Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT thì hiện nay diện tích gieo trồng lúa lai khoảng 500.000-550.000ha, như vậy thì chỉ chiếm 5-6% tổng diện tích lúa gieo trồng ở Việt Nam. Trong khi đó lúa lai Trung Quốc dẫu chiếm 60-70% của tỷ lệ này, vẫn chưa thấm vào đâu. Vì vậy, tôi có thể khẳng định rằng: Không cần lúa lai của Trung Quốc, Việt Nam vẫn đảm bảo được giống lúa và sản lượng lương thực như hiện nay. Vậy chúng ta không phải lo lắng quá về chuyện này. Theo tình hình thực tế hiện nay, giống lúa lai của Trung Quốc đưa vào Việt Nam càng ngày càng giảm, không phải là giống quyết định đến vấn đề sản xuất ở Việt Nam. Và chúng ta cũng nên tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu là sử dụng giống lúa thuần năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng phù hợp, có khi năng suất còn cao hơn cả lúa lai.

Được biết, TSC xác định chiến lược “Lấy khoa học công nghệ làm nền tảng”, vậy công ty đã tích hợp được trí tuệ vào các sản phẩm giống cây trồng như thế nào?

- Hiện nay, trên 80% số lượng sản phẩm và doanh thu của công ty là từ những sản phẩm do TSC tạo ra và bản quyền của TSC. Điều đó cũng nói lên rằng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm của TSC rất lớn. Chính vì điều đó mà TSC đã được công nhận là “Doanh nghiệp khoa học công nghệ”.

Hầu như tất cả các giống bản quyền của TSC chiếm tới 70-80% sản lượng hàng phân phối hoặc các sản phẩm mà TSC hợp tác với các nhà khoa học để đưa vào thị trường giống, kể cả trong và ngoài nước.

Những sản phẩm nào của TSC đang được nông dân lựa chọn nhiều nhất hiện nay, thưa ông?

- Các sản phẩm của chúng tôi đều được nông dân ưa chuộng. Sản phẩm mà nông dân ưa chuộng nhất hiện nay là BC15, TBR–1, TBR45, TBR36, Thái Xuyên 111. Ví dụ TBR45 là giống có khả năng chịu rét tốt nhất hiện nay, Vụ Xuân năm 2014, TSC đã không đủ giống để cung ứng cho bà con nông dân. Tới đây TSC sẽ đưa ra sản phẩm TBR225, đây là sản phẩm có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn và một số giống khác nữa có các ưu điểm vượt trội để thay thế các giống cũ.

Hiện nay tình trạng sản xuất giống giả đang xuất hiện rất nhiều. Công ty đã làm gì để giúp nông dân phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả ngay từ khi chọn mua lúa giống?

- Việc bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình là một việc làm rất bình thường của các doanh nghiệp. Trong khi, việc làm giả bao bì giống cây trồng không quá khó, TSC đã có chiến lược bảo vệ sản phẩm của mình: Thứ nhất, thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền tới bà con nông dân biết được sản phẩm thật, sản phẩm giả. Thứ hai, xây dựng hệ thống phân phối để làm thế nào bà con nông dân có thể dễ dàng mua được sản phẩm của mình một cách gần nhất (hàng giả thường xuất hiện ở những nơi mà nhà sản xuất không đến được). Thứ ba, TSC tạo ra cách nhận biết và thông báo cho bà con nông dân. Thứ tư, công ty phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như quản lý thị trường, cơ quan quản lý nông nghiệp ở các địa phương, công an để cùng phối hợp.

Và cuối cùng, TSC dùng công nghệ cao để bảo vệ, như trên mỗi sản phẩm của TSC đều có mã sản phẩm, bà con nông dân chỉ cần cào mã đó và nhắn tin tới tổng đài thì sẽ biết được ngay là sản phẩm thật hay sản phẩm giả.

Xin cảm ơn ông!
Theo danviet.vn