Ở Thái Bình, mỗi khi nhắc đến một nhà nông thế hệ mới, luôn đồng cảm và thấu hiểu tính cách từng giống lúa, hình hài từng bông lúa trổ đòng và hương thơm từng hạt gạo, người ta nhớ ngay đến doanh nhân, thương binh Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thai Binh Seed).

Cả cuộc đời gắn bó với cánh đồng trên mọi miền đất nước, tình yêu với cây lúa đã ăn sâu vào máu thịt và mỗi ngày bàn chân không nhúng xuống đồng là cảm thấy như thiếu một cảm giác thân thuộc không gì sánh được. Tình yêu ấy, đã giúp doanh nhân, thương binh Trần Mạnh Báo làm nên những điều kỳ diệu cho nền nông nghiệp nước nhà.

mr-Bao-(1).jpg

Tiên phong trong khoán 10

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại ven biển cửa sông Diêm đầy sóng gió, năm 1968, như bao thanh niên Việt Nam cùng thời, ông Báo “gác bút nghiên” thành lính Sư đoàn 320 trên chiến trường máu lửa Quảng Trị. Rồi cùng đồng đội vượt Trường Sơn, thành lính Sư đoàn 1 chiến đấu giải phóng 6 tỉnh phía Nam Campuchia, 3 tỉnh miền Tây Nam bộ.

Trở về quê hương với thương tật 2/4, ông Báo được nhận vào làm công nhân chăn nuôi lợn ở Trạm Truyền giống lợn Hưng Hà, làm tạp vụ Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Công việc vất vả, nhưng ông vẫn miệt mài đèn sách, ngày làm, đêm học, rồi tốt nghiệp cấp III, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp.

Năm 1987, ông Trần Mạnh Báo được đề bạt làm Trại phó Trại Giống lúa cấp 1 Đông Cơ (Tiền Hải) trong tình trạng sản xuất không hiệu quả. Nhiều đêm suy tính, trăn trở, ông Báo nhận thấy, giống và quyền được tự chủ trên mảnh ruộng mới là hai khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đây chính là đôi chân vững chãi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động.

Từ suy nghĩ đột phá này, ông dồn tâm huyết xây dựng phương án đổi mới quản lý trại giống lúa với chủ đề: “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”.

 
anh-TGD.JPG
Doanh nhân, thương binh Trần Mạnh Báo.

Đề án ông Báo trình bày tại hội nghị cán bộ chủ chốt của Công ty đã gặp phải sự phản đối gay gắt, thậm chí bị cho là “phá cơ chế Nhà nước". Nhưng sau một năm, kết quả vượt xa mong đợi khi người lao động từ chỗ hưởng 16 kg gạo/tháng đã tăng lên 40 kg/tháng. Trên diện tích 56 ha của trại đã sản xuất được trên 600 tấn thóc, tăng gấp 10 lần so với năm 1987, trong 2 năm 1988 - 1989, Công ty xóa bỏ chế độ tem phiếu.

Từ những thành công của mô hình này, năm 1988, chuẩn bị cho Nghị quyết số 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Đức Bình,  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã về nghiên cứu, mô hình trại giống Đông Cơ.

Sau khi thực tế và nghe báo cáo, đồng chí nhận định: “Việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động ở Trại giống lúa Đông Cơ, lý luận hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”.

Nhắc lại thời khắc đó, ông Báo chia sẻ: “Nghe những lời nhận xét đó, tôi càng thấy vững tâm và tin tưởng đây là một mốc đột phá mang tính lịch sử của Công ty”.

Quả vậy, từ thành công của Đông Cơ, Công ty đã mở tung cánh cửa bao cấp sang hạch toán kinh doanh. Đông Cơ trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Mô hình khoán sản phẩm ở Công ty Giống cây trồng Thái Bình trở thành mô hình để nhiều công ty, nông trường quốc doanh trong nước nghiên cứu học tập.

Cổ phần hóa với tốc độ nhanh

Ngay khi có Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3, khóa IX về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, lúc này, trong vai trò Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, ông Báo đã đề nghị với Tỉnh ủy Thái Bình cho công ty tiến hành cổ phần hóa. Năm 2004, tỉnh đồng ý cho ThaiBinh Seed thực hiện kế hoạch này.

Quá trình cổ phẩn hóa của Công ty diễn ra trong 3 tháng và ngày 26/9/2004, ThaiBinh Seed chính thức đổi tên thành CTCP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ông Trần Mạnh Báo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc. Đây là doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nhanh nhất cả nước trong ngành nông nghiệp và được ông Báo ví: “như một sự lột xác để phát triển, tuy mỗi lần lột xác rất đau đớn, nhưng sau đó, Công ty chắc chắn lớn lên và phát triển mạnh mẽ”.

Sau cổ phần hóa, Công ty gặp muôn vàn khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ quản trị yếu kém, khoa học công nghệ lạc hậu... Công ty đã điều cán bộ có chuyên môn giỏi về làm phó giám đốc, trưởng các phòng, ban nghiệp vụ.

Tuy phải rất khó khăn mới có thể ổn định tổ chức, nhưng  đây lại là thời cơ rất thuận lợi trong chiến lược phát triển, để Công ty bứt phá dựa trên 3 trụ cột chính: “Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ”. Theo đó, Thai Binh Seed phải làm thật tốt 3 việc: Ổn định Công ty bởi người lao động cần được làm việc trong môi trường ổn định, thu nhập cao; nâng cao trình độ người lao động; xây dựng các chi nhánh ở nhiều vùng miền, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển.

Từ năm 2005 trở đi, CTCP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình phát triển mạnh mẽ, liên tục tăng trưởng, nhiều hướng kinh doanh mới được mở ra. Giai đoạn 2009 - 2013, Thai Binh Seed có tốc độ phát triển nhanh và là một trong 500 doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam, cổ tức trong năm đạt  100% đến 300% vốn điều lệ.

Ông Trần Mạnh Báo tự hào nói: “Sau cổ phần hóa, Thai Binh Seed giống  một con chim ra ràng, đủ sức tung cánh trên bầu trời bao la”.

Dù bộn bề công việc của người đứng đầu, ông Báo vẫn say mê khoa học, sáng tạo, quyết tâm bứt phá trong ngành giống ở Việt Nam. Ông bật mí: “Những năm qua, Công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thành công nhiều loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, có 9 giống cây trồng mới được công nhận giống quốc gia.

Ngoài ra, đã có nhà máy với 2 dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất 30.000 tấn/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty còn là đơn vị đầu tiên trong cả nước có Trung tâm Nghiên cứu phát triển, chuyển giao và khuyến nông, có Phòng Thử nghiệm quốc gia mã số VILAS 110 để thử nghiệm chất lượng giống...”

Đến nay, Thai Binh Seed đã trở thành nhà sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam. Các sản phẩm giống lúa (BC15, TBR-1, TBR45, TBR36, TBR225, Đông A1, Thái Xuyên 111...) của Công ty đã có mặt ở 52/63 tỉnh, thành phố cả nước. Mỗi năm, có khoảng 20.000 tấn lúa giống mang thương hiệu Thai Binh Seed đến với nông dân. Riêng ở Thái Bình, các loại giống này đang trở thành giống chủ lực, chiếm tới 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh. Sản phẩm  giống lúa BC15 và TBR225 năng suất cao và chất lượng gạo ngon và mang lại hiệu quả kinh tế cao ít giống lúa nào sánh kịp.

Với quan điểm “Nông dân được mùa cũng là thành công của doanh nghiệp, nhà nông là người ăn cùng một mâm cơm, đi chung một con thuyền với doanh nghiệp sản xuất lúa giống”, ông Báo cùng Thai Binh Seed đã xây dựng thành công nhiều mô hình, đưa sản phẩm khoa học, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu mua sản phẩm với giá cao, thanh toán kịp thời cho nông dân.

Đến nay, Thai Binh Seed đã liên kết với hơn 60 điểm trong cả nước với diện tích 5.500 - 6.000 ha/năm; mỗi năm tiêu thụ 20.000 - 22.000 tấn sản phẩm cho nông dân, hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng tại các điểm liên kết. Nhiều hộ nông dân liên kết với Công ty sản xuất giống lúa thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/ năm, mang lại thu nhập cho các đơn vị liên kết từ 50 - 60 tỷ đồng/năm. Công ty còn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật từ năm 2015 - 2016 với hơn 70 lớp cho trên 9.000 nông dân...

Thai Binh Seed còn là thành viên của Hiệp hội Giống cây trồng châu Á - Thái Bình Dương (APSA); Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình.

Xứng danh Anh hùng

 Ông cũng chia sẻ trong hơn 40 năm làm lúa giống có biết bao câu chuyện vui buồn, nhưng câu chuyện khiến ông cảm động không thể quên là chuyến thăm Công ty của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào đầu tháng 7/2016.

Thủ tướng rất vui, khen ngợi khi biết Công ty hiện có diện tích sản xuất lúa giống, chiếm khoảng 10% lượng giống lúa cả nước, thu nhập hàng chục tỷ đồng cho bà con nông dân vùng liên kết. Rồi Thủ tướng bất chợt hỏi: “Anh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động chưa?”. Một chút bối rối, ông trả lời: “Dạ thưa, chưa ạ”.

Thủ tướng liền quay về phía lãnh đạo tỉnh Thái Bình nói: “Đây là anh bộ đội Cụ Hồ, một thương binh nặng, suốt cuộc đời chỉ làm một công việc là nghiên cứu sản xuất giống lúa và đã xây dựng được một doanh nghiệp giống lớn, có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Người như thế rất hiếm, rất xứng đáng là Anh hùng. Tỉnh Thái Bình sớm hoàn thành hồ sơ công nhận cho anh ấy”.

Thủ tướng cũng động viên, căn dặn ông cùng Công ty: Tôi rất thích những con người lăn vào cuộc sống, làm thật và làm thành công ở các doanh nghiệp. Và các anh phải làm tốt hơn nữa, phát triển hơn nữa, tạo ra nhiều giống mới hơn nữa để nâng cao thu nhập cho nông dân. Công ty phải mở rộng, phải nâng số lượng giống cung cấp lên 20%, thậm chí 40% lượng giống trên toàn quốc và hướng tới xuất khẩu giống.
“Đây cũng là mục tiêu mà tôi cùng Thai Binh Seed nỗ lực  phấn đấu thực hiện trong chặng đường đi tới”, doanh nhân, thương binh Trần Mạnh Báo khẳng định.

 
Bảng vàng Thành tích:

Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.

2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của các Bộ NN & PTNT, Bộ KH- CN, Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam, Trung ương Hội CCB Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng TM và CN Việt Nam (2008, 2010), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình.

Chiến sĩ Thi đua toàn quốc.

Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp NN&PTNT, Vì Giai cấp công nhân Việt Nam, Vì sự nghiệp khuyến học, Vì sự nghiệp phát triển Doanh nghiệp, Vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ, Vì thế hệ trẻ...

Giải thưởng Thánh Gióng – Doanh nhân VN Tiêu biểu. Giải thưởng Doanh nhân làm theo lời Bác. Giải thưởng Người lính và hội nhập.

Danh hiệu nhà quản lý giỏi. Giải nhất Hội thi sáng tạo Thái Bình. Bằng Lao động Sáng tạo cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.

Lã Quý Hưng
Báo Đầu tư điện tử