Chủ tịch Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng nông nghiệp Việt Nam chỉ có thể phát triển khi doanh nghiệp được coi là chủ thể. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh đất nước hội nhập và tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần 2 – 2017, doanh nhân Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã cùng trao đổi với Thủ tướng về vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Ông Trần Mạnh Báo cho rằng bối cảnh hiện nay đang đòi hỏi Nhà nước có nhận thức mới về chủ thể trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải lấy doanh nghiệp làm chủ thể.
“Bây giờ đã đến lúc chúng ta cần xác định và xây dựng lại nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Tôi xác định lấy doanh nghiệp làm chủ thể bởi vì chỉ có lấy nền tảng doanh nghiệp làm chủ thể thì mới phát triển được nền kinh tế của đất nước” – ông Trần Mạnh Báo nêu quan điểm.
Ông Báo nhận định nền nông nghiệp được đổi mới 30 năm trước (năm 1986) khi nước nhà còn thiếu lương thực, bị bao vây cấm vận nặng nề. Hiện nay, đất nước đang trong bối cảnh hội nhập và tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, với trình độ khoa học công nghệ đã khác thì suy nghĩ về sản xuất nông nghiệp cũng cần thay đổi.
Chủ tịch Công ty Giống cây trồng Thái Bình khẳng định doanh nghiệp có thể thay thế hộ nông dân, đảm đương được vai trò chủ thể trong sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Mạnh Báo mong muốn Chính phủ nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính.
“Hành động, hành động và hành động, để giảm bỏ tất cả những cái doanh nghiệp đề nghị ở nhiều diễn đàn: thủ tục hành chính thuế, thủ tục ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, thống nhất 1 đầu mối để làm thị trường” – ông Trần Mạnh Báo nói.
Tiếp nhận vấn đề được doanh nhân Trần Mạnh Báo trình bày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 210/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp cần tiếp túc nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương trên cơ sở nghiên cứu đầu ra một cách căn cơ. Thực hiện điều này sẽ giúp tránh tình trạng được mùa rớt giá, phải giải cứu. Nền nông nghiệp nhiệt đới Việt Nam được cho là một thế mạnh rất tốt cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch với giá trị xuất khẩu gần 33 tỷ USD mỗi năm.
Vương Diệu Quân
Theo Trí thức trẻ