Kỹ sư Trần Mạnh Báo đã cùng các cộng sự đưa Công ty trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh, từ một doanh nghiệp sản xuất giống nhỏ của tỉnh nay trở thành công ty hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam.
Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội
Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân năm 1968, công tác tuyển quân ở Thái Bình càng thêm gấp rút. Tháng 10/1968, Trần Mạnh Báo đang học lớp 8, Trường cấp 3 Thái Ninh (Thái Thụy) đã xếp bút nghiên nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Sư đoàn 320 tham gia chiến đấu ở chiến trường B5, tỉnh Quảng Trị.
Năm 1972, Sư đoàn 320 từ chiến trường B5, Quảng Trị hành quân về huyện Như Xuân (Thanh Hóa) để bổ sung thêm lực lượng. Tiểu đội của Trần Mạnh Báo được bổ sung thêm 2 người, một người tên là Đăng và một tên là Hàn Thanh Bình, Bình người thôn Bái Môn, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương. Đêm hôm ấy Trần Mạnh Báo và Hàn Thanh Bình được nằm bên nhau tâm sự, hai người hòa hợp rất nhanh. Bình là lính thông tin chưa qua trận mạc còn Báo thì đã có 4 năm cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường tỉnh Quảng Trị, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Bình kể cho anh Báo nghe về chuyện Bình đã có người yêu người cùng quê trước khi nhập ngũ, còn anh Báo thì kể về quê hương Thái Bình và bổ sung cho Bình về kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường. Hai người đồng đội mới gặp tâm đầu ý hợp siết chặt tay nhau, Bình quay sang hỏi:
- Anh Báo ơi! Sau này khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nếu còn sống được về quê anh sẽ chọn nghề gì?
Anh Báo trả lời:
- Mình sẽ đi học tiếp cấp III để thi vào đại học.
Bình ôm chầm lấy người anh kết nghĩa rồi reo lên: Ôi ý nghĩ của anh sao lại giống em thế, em cũng mơ ước được học đại học. Hết chiến tranh, anh em mình sẽ cùng thi vào một trường đại học nhé. Anh thích trường nào?
- Mình thích trở thành kỹ sư nông nghiệp. Báo nói với Bình như thế và rồi hai anh em kết nghĩa siết chặt tay nhau như thầm hứa sẽ cùng thực hiện ước nguyện khi kết thúc chiến tranh…
Sư đoàn 320 sau khi bổ sung quân số từ Thanh Hóa lại tiếp tục hành quân trở lại chiến trường phía Nam và Trần Mạnh Báo, Hàn Thanh Bình mỗi người được phân về một đại đội, Báo là lính trinh sát đại đội 7 còn Bình là lính thông tin ở đại đội 5 và chỉ ít ngày sau đó trong một trận chiến đấu Bình bị thương ở phần mềm, đơn vị đã đưa về trạm phẫu nhưng Bình đã không qua khỏi và nằm lại đất rừng phương Nam. Chuyện về người đồng đội anh em kết nghĩa cho tới năm 2014 khi Trần Mạnh Báo đã là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình vào xã Quảng Văn, quê hương Hàn Thanh Bình tặng hợp tác xã 50kg thóc giống. Trong câu chuyện với ông chủ nhiệm hợp tác xã, anh Báo được biết thêm ông chủ nhiệm cũng một thời là lính Sư đoàn 320 tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Tổng giám đốc Trần Mạnh Báo đã cùng chủ nhiệm hợp tác xã đến thắp hương cho mẹ của anh Bình khi ấy bà đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vì có hai người con là liệt sĩ. Người thân của gia đình cũng cho anh Báo biết đã tìm thấy phần mộ liệt sĩ Hàn Thanh Bình được quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Trần Mạnh Báo như cất được gánh nặng trên vai vì đã một phần trọn tình đồng đội. Một trong những người bạn, người đồng đội tri kỷ thứ hai nữa là Vũ Như Phú quê ở làng Nha Xuyên, xã Thái Phúc cùng huyện Thái Thụy. Hai người gắn kết suốt chặng đường chiến đấu từ B5, Quảng Trị, chiến trường nước bạn Campuchia. Tháng 5/1972, Trần Mạnh Báo tham gia chiến đấu ở địa bàn hai xã Thuận Yên, Dương Hòa (thị xã Hà Tiên) và trong chiến chiến đấu quyết liệt ở cao điểm 201 anh bị dính một mảnh đạn cối M79 vào trán, làm hỏng mắt trái cùng với một đồng đội tên là Khuyên. Anh Phú đã không quản hiểm nguy đi xa nhiều cây số kiếm nước dừa cho anh Báo uống tỉnh sức, sau chiến tranh trở về anh Báo vẫn liên hệ với Vũ Như Phú người đồng đội, người bạn thân thiết của mình…
Về với cánh đồng
Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất Trần Mạnh Báo được về Đoàn an dưỡng 51 đóng tại huyện Tiền Hải để dưỡng thương. Sau đó được về Ty nông nghiệp về Công ty giống lợn Thái Bình rồi điều động về Công ty Giống lúa Thái Bình để vừa làm và theo học tiếp cấp III. Năm 1981, Trần Mạnh Báo thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I, ước vọng về với cánh đồng của anh đang thành hiện thực. Tháng 1/1987 Trần Mạnh Báo được đề bạt làm trạm phó trạm sản xuất và phân phối giống Đông Cơ, cùng năm ấy anh nhận bằng tốt nghiệp đại học, thế là anh có trong tay kiến thức ở trường trang bị, lại có kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Chỉ trong hai năm 1988 - 1989, kỹ sư Trần Mạnh Báo và các cộng sự đã đưa Trại giống Đông Cơ vượt qua thời kỳ bao cấp một cách ngoạn mục. Sau khoán, 56ha đất canh tác của trại đã sản xuất được trên 600 tấn thóc giống tăng gấp 10 lần trước.
Sau thành công này, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Bình về thăm đơn vị đã có nhận xét: “Việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động ở Đông Cơ, lý luận hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”. Trại giống Đông Cơ được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Thêm bộ giống tốt sẽ trở thành đôi chân vững chãi đưa năng suất lúa lên cao. Kỹ sư Trần Mạnh Báo đau đáu mơ ước tạo được những giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Khi đã trở thành Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình mơ ước giống tốt, bội thu được kỹ sư Trần Mạnh Báo từng bước chỉ đạo thực hiện. Năm 2000 thành công của dự án “Phát triển hệ thống cung cấp hạt giống tại Thái Bình” có ý nghĩa vô cùng lớn với công ty cả về tầm vóc và hệ thống sản xuất chế biến hạt giống hiện đại nhất nước. Cùng với chỉ đạo đầu tư hệ thống thiết bị sản xuất chế biến, ông tiếp tục chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, đến tháng 9/2004 Công ty Giống cây trồng đã hoàn thiện xong cổ phần hóa.
Trong cuốn tự bạch “Đối thoại với cánh đồng” kỹ sư Trần Mạnh Báo luôn khiêm tốn và xác định 3 việc phải làm tốt đó là phải ổn định công ty, phải nâng cao trình độ cho người lao động và thứ ba là phải xây dựng được các chi nhánh ở các vùng miền trong cả nước, xây dựng cho được trung tâm nghiên cứu phát triển. Ông lặng lẽ cuộc hành trình “bốn biển năm châu”, tìm cách ký hợp tác với Trường Đại học Tứ Xuyên Trung Quốc, phối hợp với Hiệp hội Giống cây trồng Tứ Xuyên, các viện nghiên cứu cây trồng, mở rộng mối quan hệ hợp tác liên kết với nhiều doanh nghiệp ngành giống cây trồng trong nước và nước ngoài, tổ chức khảo sát ở các đối tác các châu lục. Từ thực tế ở các nước ấy, ông tổ chức văn phòng đại diện của Công ty ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Cần Thơ… và liên kết sản xuất với hàng trăm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong cả nước, vừa cung ứng giống vừa chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, giúp quy hoạch vùng sản xuất. Cũng chính từ những chuyến đi học hỏi, kỹ sư Trần Mạnh Báo rút ra hợp tác xã là một doanh nghiệp trong liên minh kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của hợp tác xã là không thể thiếu. Chính việc tổ chức liên kết sản xuất đã cho ông việc xử trí công việc quyết đoán, táo bạo và hiệu quả. Ví như vụ xuân năm 2013 do thời tiết bất thuận nông dân nhiều HTX một số tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Nam Định cấy giống BC15 của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình không đúng thời vụ dẫn tới việc lúa trỗ bông không kết hạt. “Nông dân là thượng đế” phải chia sẻ cùng nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất, kỹ sư Trần Mạnh Báo quả quyết nhận thua thiệt về phía doanh nghiệp quyết định hỗ trợ nông dân các địa phương bị thiệt hại bằng giống BC15 tương đương với trên 10 tỷ đồng, thêm một sự tin tưởng để nông dân yêu doanh nghiệp.
Mới đây trong chuyến cùng đoàn công tác về tham quan huyện nông thôn mới Hải Hậu, tỉnh Nam Định, do bị bệnh gút hành hạ làm chân anh bị đau, không theo kịp đoàn một nông dân đã lấy xe máy tự nguyện đèo ông đi tham quan cảnh đồng ruộng, cảnh quê nông thôn mới, người nông dân nói với ông “Bác là giám đốc của nông dân là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình ai chả biết” nói điều này để thấy kỹ sư Trần Mạnh Báo đã có được sự tin yêu của nông dân.
Thực hiện ước vọng về với cánh đồng đối với kỹ sư Trần Mạnh Báo là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, bằng phẩm chất và ý chí phi thường ông đã cùng các cộng sự của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình xây dựng được thương hiệu uy tín trong sản xuất cung ứng các loại giống cây trồng trong nước, với 3 trung tâm sản xuất và khảo nghiệm hàng trăm loại giống hàng năm, 15 chi nhánh, hàng nghìn liên kết cùng nông dân các HTX nhiều tỉnh trong cả nước cùng hai nhà máy sản xuất và chế biến giống chất lượng cao, các giống lúa BC15, TBR25, TBR-1, TBR36, TBR45, lúa lai Thái Xuyên 1, giống Ngô VS36, Đông A1, Phúc Thái 168… được công nhận là bộ giống quốc gia, đạt chuẩn quốc tế, mỗi năm công ty cung ứng trên địa bàn cả nước từ 17.000 - 18.000 tấn giống các loại, chiếm 15% thị phần cung ứng giống cây trồng trong cả nước.
Rời tay súng về với cánh đồng, cựu chiến binh, thương binh, kỹ sư Trần Mạnh Báo đã thực hiện được ước vọng từ ngày đi đánh giặc. Ông đã cùng các cộng sự đưa Công ty trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh, từ một doanh nghiệp sản xuất giống nhỏ của tỉnh nay trở thành công ty hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam. Là Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, kỹ sư Trần Mạnh Báo còn có tên thân mật khác mà nông dân trìu mến gọi là “giám đốc của nông dân”.
Nguyễn Công Liêm