Sáng 18/7, Ủy ban Khoa học công nghệ, môi trường của Quốc hội (KHCN-MT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào Dự án Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi).
16-30-29_20160718_083507-(1).jpg
Ông Trần Mạnh Báo kiến nghị phải đưa vấn đề bảo hộ giống cây trồng và dự phòng giống quốc gia vào Pháp lệnh
 
Đây là lần lấy ý kiến thứ hai chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8, dự kiến thông qua vào cuối năm 2016. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thừa ủy quyền của Bộ trưởng, đơn vị được giao nhiệm vụ biên tập dự thảo Pháp lệnh, trình bày về sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh này sau 12 năm thực thi bản Pháp lệnh năm 2004. Theo đó, dự thảo lần này có 9 chương 43 điều. Theo ông Trung, một số điểm mới này làm rõ hơn tính pháp lý về thời gian khảo nghiệm, công nhận giống cũng như các vấn đề đặt ra trong công tác thanh, kiểm tra hoạt động SXKD giống cây trồng.

Tham gia ý kiến, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, chỉ còn 2 năm nữa là đất nước bước vào một sân chơi hội nhập sâu rộng hơn. Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên cây trồng rất thuận lợi phát triển. Do đó công tác quản lý giống cây trồng đòi hỏi tính pháp lý phải cao và chặt chẽ hơn khi hội nhập quốc tế.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP TCty giống cây trồng Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam, mở đầu phát biểu của mình thể hiện sự “nuối tiếc” vì chúng ta đã bỏ lỡ một nhiệm kỳ của Quốc hội cho việc ban hành Luật về giống cây trồng. Ông Báo cho hay, vấn đề này đã có ý kiến trước Quốc hội khóa XIII. Đến nay khóa XIV của Quốc hội chuẩn bị đi vào hoạt động, chúng ta cũng chỉ bàn đến Pháp lệnh về giống. “Indonesia ban hành Luât này năm 2002, Trung Quốc ban hành năm 2004. Chúng ta đến nay vẫn chỉ thảo luận Pháp lệnh thì chậm trễ và khó khăn khi hội nhập”, ông Báo bày tỏ.

Đi sâu vào các quy định, ông Báo cho rằng, cần phải viết dễ hiểu hơn vì nó tác động trực tiếp đến người nông dân và cán bộ cấp cơ sở. Nhiều thuật ngữ trong các điều khoản còn hàn lâm quá. Vấn đề ông Báo kiến nghị phải đưa ngay vào Pháp lệnh được ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT (chủ trì) rất tán đồng, đó là bảo hộ giống cây trồng và dự phòng giống quốc gia. Đồng tình với các đề xuất của ông Báo, một số đại biểu khác cho rằng, cần có thêm nội dung công nghiệp hóa và hợp tác công từ ngành giống

Văn Hùng
Báo Nông Nghiệp