Ghi nhận khả năng thích ứng tốt và năng suất cao của Tej Vàng, Trạm Khuyến nông huyện Đông Sơn đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với công ty cung ứng giống tiếp tục thực hiện trình diễn...

Huyện Đông Sơn nổi tiếng cả nước bởi trống đồng cổ niên đại vài ngàn năm, tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Ngày nay, Đông Sơn cũng là một huyện có trình độ thâm canh nông nghiệp vào loại khá của tỉnh Thanh Hóa.

15-15-06_img_0732
Một buổi thăm đồng

Trong những năm qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ theo hướng tăng diện tích lúa xuân muộn, tăng diện tích lúa mùa sớm nhằm hạn chế tới mức thấp nhất khoảng thời tiết bất thuận, sâu bệnh hại và tạo quỹ đất gieo trồng vụ đông.

Lúa của Đông Sơn đạt năng suất bình quân 62,2 tạ/ha với tổng sản lượng 59.170 tấn (thống kê năm 2012). Từ rất sớm, năm 2012, UBND huyện đã có đề án 790 để đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Chương trình được triển khai trên địa bàn các xã và được coi là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính quyền huyện. Cơ giới hóa ngoài nâng cao hiệu quả canh tác lúa, Đông Sơn còn hướng tới mục đích chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, địa phương cũng rất chú trọng phát triển vùng lúa thâm canh theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đã được tỉnh quy hoạch theo chiều sâu.

Dù bộ giống lúa trên địa bàn đã rất phong phú nhưng việc thử nghiệm, làm mô hình trình diễn để lựa chọn những giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch sâu bệnh và thời gian sinh trưởng phù hợp vẫn là việc làm cần thiết, thường xuyên phải duy trì.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện và sự phối hợp của nhiều cơ cơ quan, đơn vị, Trạm Khuyến nông Đông Sơn đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn các giống lúa mới để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của huyện. Thông qua đó nhiều giống lúa mới thuần và lai đã được đưa vào sản xuất đại trà.

Vụ xuân năm 2016, Trạm Khuyến nông Đông Sơn đã phối hợp với Công ty Bayer để triển khai mô hình trình diễn giống lúa lai 3 dòng Tej Vàng trên diện tích 1ha ở xã Đông Văn. Đó là một vụ xuân bất thường, giai đoạn mạ nhiệt độ cao nhưng từ khi cấy thời tiết rét đậm kéo dài nhiều ngày và có số giờ nắng ít nên đã ảnh hưởng đến thời gian chăm bón cho lúa đẻ nhánh.

15-15-06_img_1016
Lúa tốt bội thu

Tuy nhiên Tej Vàng có khả năng chịu rét khá kết hợp với sự chăm sóc của bà con nông dân lúa sinh trưởng phát triển tốt. Cây đẻ nhánh khỏe, đẻ sớm và tập trung, nhánh hữu hiệu cao, trỗ thoát nhanh và khoe bông. Chiều cao cây trung bình, chiều dài bông khá, số nhánh/khóm trung bình 11,2, số bông/khóm trung bình 9,3 bông.

Nhìn chung vụ xuân 2016 đối tượng gây hại trên đồng ruộng chủ yếu là bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá. Qua theo dõi và đánh giá của các hộ tham gia mô hình thì Tej Vàng có màu lá xanh sáng và bền, chiều cao trung bình, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và chỉ bị khô vằn, sâu cuốn lá ở mức độ nhẹ.

Về lý thuyết, năng suất của Tej Vàng có thể đạt 98,7 tạ/ha nhưng thực tế ít nơi nào có thể đạt được điều đó bởi hạn chế về trình độ ứng dụng KHKT, bởi chất đất, khí hậu… Thế nên làm sao để năng suất thực tế của giống càng tiệm cận được với năng suất lý thuyết thì càng tốt.

Ở Đông Sơn do trình độ canh tác khá, điều kiện tự nhiên tương đối thuận nên bà con đã đạt năng suất 76 tạ/ha. Ghi nhận khả năng thích ứng tốt và năng suất cao của Tej Vàng, Trạm Khuyến nông huyện đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với công ty cung ứng giống tiếp tục thực hiện trình diễn ở vụ mùa trên nhiều chân đất khác nhau. Mục đích là để đưa ra quy trình chăm sóc cụ thể cho từng chân đất và cũng là cơ sở để đề nghị đưa vào cơ cấu sản xuất.

Tej Vàng là giống lúa lai 3 dòng do Viện Nghiên cứu lúa của Bayer tại Ấn Độ nghiên cứu từ năm 2012 và được thương mại hoá tại Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam. Giống có 3 đặc điểm nổi trội sau:

Chứa tổ hợp gene kháng bạc lá (có 3 gene kháng bạc lá) bằng cách lai tạo truyền thống và hiện đại nên gần như có khả năng kháng tối đa bệnh bạc lá, khác với các giống có 1 chứa 1 gen kháng bạc lá.

Năng suất cao hơn lúa thuần 20% và cao hơn lúa lai cùng trà 5% với trung bình đạt 68 - 75 tạ/ha.

Hạt gạo dài 7,1mm, dài nhất trong các giống lúa hiện nay, chất lượng cơm ăn khá.

Ở các tỉnh có áp lực bệnh bạc lá nặng Tej Vàng là giống duy nhất chứa đa gene kháng bạc lá nên luôn là sự lựa chọn số một.

Báo Nông Nghiệp