Lúa vào mùa say cả thi nhân

Nhà văn Tạ Duy Anh viết, Trần Mạnh Báo từ đầu chí cuối, từ trong ra ngoài đều nông dân toàn tòng. Giờ đây ngay cả khi ông đã là chủ một doanh nghiệp giống cây trồng lớn, có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ đến nền nông nghiệp nước nhà, ông vẫn giữ nguyên tác phong, sở thích, nếp sinh hoạt bỗ bã, tối giản của một người cả đời gắn với đồng đất, vườn tược, ao hồ. Có cảm giác tách ông ra khỏi cánh đồng, chả khác nào tách cá ra khỏi nước.

Thật là một nhìn nhận khá sâu sắc về Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed.

 
346327157_1255972721792033_2513879107847035549_n.jpg

Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài để đánh giá ông Trần Mạnh Báo là một sai lầm mà không ít người suýt mắc phải. Điều này chính nhà văn Tạ Duy Anh cũng từng thốt lên như vậy. Bởi ông Báo không đơn giản như những gì ông thể hiện. Chẳng hạn ông hiểu ý người khác rất nhanh và đưa ra quyết định cũng rất nhanh.

Tôi nhớ năm 2008, sau sự cố lúa BC15 bị đạo ôn, chúng tôi có mặt ở cánh đồng lúa thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, khi người dân vây kín chúng tôi lại, một cán bộ phòng kinh tế thị xã tỏ ý không muốn báo chí ghi nhận lúc này. Ngay lập tức ông Trần Mạnh Báo mong muốn bà con nói hết tất cả suy nghĩ của mình và đề nghị báo chí ghi nhận đúng những gì bà con nói. Tôi là một nông dân nên tôi hiểu tâm trạng của bà con lúc này. Hãy để bà con nói và chúng ta cùng lắng nghe.

Chỉ chừng ấy thôi, một người mới vào nghề được vài năm, tôi bắt đầu có ấn tượng về một người như thế!

 
346067328_974764500186437_5923923732995983250_n.jpg

Lần khác, đương lúc chính Ngọ, đoàn đang trên đường về TP Thanh Hóa thì xe ông Báo dừng lại. Từ xa tôi thấy ông cởi đôi dép đang đi và cầm lên tay rồi cứ thế lội xuống một đám ruộng gần đó. Ông Trản, cán bộ của công ty bảo mấy anh em, các cậu xuống xe đi ra ruộng với sếp đi.

“Ông Báo là mình hiểu, một khi đã đến với ruộng và trong đầu đang nghĩ cái gì đến hạt lúa là ông sẽ có những phản ứng tức thì không kể nắng mưa đâu nhé”, tôi vẫn nhớ nguyên lời ông Trản nói hôm đó như vậy.

Có lẽ thế hôm rồi trận mưa lớn ở Nghệ An đã khiến tôi lo ngại cuộc hẹn gặp giữa chúng tôi với ông Báo và bà con nông dân ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn dễ bị hoãn lại. Đêm muộn, tôi nhắn tin cho anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh hỏi xem lịch có thay đổi gì không, anh Tuấn bảo, không thay đổi. Vẫn hẹn với mùa vàng xứ Nghệ nhé!

 
346052364_1958904997796910_1763481777204311032_n-(1).jpg

Sáng sớm, đoàn ông Báo đi từ Thanh Hóa vào, chúng tôi đi từ Vinh ra và điểm gặp nhau là cánh đồng lúa xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Trước mắt chúng tôi là cánh đồng lúa của HTX Phủ Thành, Quỳnh Hậu thẳng cánh cò bay. Ông Hồ Văn Mai, Chủ nhiệm HTX lúc này đang cùng với đoàn của ông Báo lội xuống ruộng của bà Nguyễn Thị Hợp. Đến lại gần, ông Báo giơ tay vẫy và gọi chúng tôi xuống ruộng xem lúa với bà con.

Trên đồng lúa vàng, những bông lúa trĩu hạt, bà Nguyễn Thị Hợp chia sẻ với chúng tôi rằng, không chỉ có vụ này mà cả chục năm nay rồi, dân chúng tôi luôn tin dùng giống lúa của Tập đoàn ThaiBinh Seed. Vụ xuân này, gia đình sản xuất 10 sào, chủ yếu lúa Thái Xuyên 111. Bà nói, năng suất có khi đạt 4,5 tạ/sào. Vài hôm nữa là thu hoạch hết. Nếu không mưa, phơi phóng xong là có thể thốt lên mùa này trúng to.

Ông Hồ Văn Mai đứng cạnh nói chen vào, HTX có 388ha thì 320ha sản xuất dùng các bộ giống mới của Tập đoàn ThaiBinh Seed và năng suất dự kiến đạt 4,5 - 5 tạ/sào.

 
345593561_1243496119639937_820789535255346218_n.jpg

Tôi hỏi, vì sao lại có sự lựa chọn này và chung thủy vậy, Chủ nhiệm HTX Phủ Thành cho hay, trong các sản phẩm giống lúa của Tập đoàn ThaiBinh Seed thì bộ giống lúa lai sản xuất trong vụ Xuân là Thái Xuyên 111 và Phúc Thái 168 năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất vụ này ước đạt 90 tạ/ha.

Lý do nông dân lựa chọn và chung thủy các giống lúa của Thái Bình là vì hai nhẽ, một là gạo ngon, cơm dẻo; chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, lúa ngắn ngày. Hai là thái độ phục vụ rất tốt của đội ngũ nhân viên của Tập đoàn.

“Hiếm có một đội ngũ cán bộ thị trường, kỹ thuật, khoa học nào như Tập đoàn ThaiBinh Seed làm việc đầy trách nhiệm, năng động, sáng tạo và nhân văn. Họ luôn bám sát ruộng đồng, chia sẻ, đồng hành, chỉ dẫn cặn kẽ cho nông dân”, Chủ nhiệm HTX Hồ Văn Mai bộc bạch.  

 
346049663_624342339568625_558680411003705197_n.jpg

Cũng theo phản ánh của người dân các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn mà chúng tôi tiếp xúc trong chuyến thăm ruộng lần này thì lúa thuần trong vụ xuân chủ lực tại các địa phương là dùng TBR225. Giống có các đặc điểm đẻ nhánh khỏe, thích ứng được nhiều chân đất khác nhau, cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng.

Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Bắc Trung bộ của Tập đoàn cho biết, đối với giống TBR225, ThaiBinh Seed đã đưa thành công gen kháng bạc lá vào giống để tăng khả năng chống chịu với bệnh bạc lá. Đã đưa được cả gen kháng đạo ôn vào TBR225 (đa kháng: vừa có gen kháng đạo ôn, vừa có gen kháng bạc lá) và đang thử nghiệm thực tế trên đồng ruộng trước khi đưa ra thị trường.

Đối với bộ giống mới như TBR97 có thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây chống đổ, năng suất cao, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và kháng rầy vì có mang gen kháng đối với các loại bệnh này. 

 
346053297_622157933111041_7932506425374780916_n.jpg

Các cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đi cùng trong đoàn chia sẻ với chúng tôi rằng, năm nay thời tiết thuận lợi; nguồn nước cấy và dưỡng lúa cũng không bị khan hiếm như mọi năm. Đặc biệt là sâu bệnh hại ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên lúa phát triển tốt. Cứ đà này, năng suất lúa vụ xuân năm nay sẽ vượt xa năm trước.

Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, những người nông dân xứ Nghệ chúng tôi đã “nằm lòng” kỹ thuật canh tác để cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao.

 
346071513_190546223918847_2823425304714440169_n.jpg

Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu chia sẻ rằng, không chỉ chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nhiều năm nay, chúng tôi tập trung cấy lúa xuân đúng lịch thời vụ để phòng tránh rét cho lúa. Nhằm hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của sâu bệnh, nhà nào cũng tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.

Đặc biệt, mọi nhà còn chủ động phòng, chống hạn, điều tiết nước hợp lý, đảm bảm đủ ấm cho ruộng, thuận lợi cho chăm sóc và để lúa sinh trưởng, đẻ nhánh tập trung, trỗ bông trong khung thời vụ tốt nhất. Đến thời điểm này, nếu trong khoảng chục ngày nữa không có bất thường của thời tiết thì có thể tự tin một vụ xuân thắng lớn toàn diện.
 
Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói

Nhìn những ruộng lúa lá to, xanh và dựng lên như những giàn chông, trong khi bông lúa cúi mình nặng trĩu hạt, tôi hỏi ông Báo, hạt lúa đã chín vàng, trong khi lá vẫn xanh, ông nói đó là do hàm lượng diệp lục trong lá còn nhiều.

Điều này rất tốt cho việc quang hợp của cây, đảm bảo tốt nhất nguồn dinh dưỡng cho cây phát triển và tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ, vận chuyển dòng nhựa về nuôi các nhánh, giúp các nhánh phát triển thành bông hữu hiệu, giúp ruộng lúa thông thoáng, khóm lúa nhiều bông.

Cũng theo ông Báo, giống tốt nhưng việc bón phân đúng kỹ thuật, theo nhu cầu của cây lúa (tùy theo từng giai đoạn) sẽ giúp cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, chống chịu tốt với sâu bệnh và môi trường bất thuận.

“Tôi trân trọng những người nông dân xứ Nghệ. Họ luôn đắm mình với công việc, nhân lên hàng triệu hàng triệu hạt lúa vàng từ những hạt giống mầm của chúng tôi để những mùa vàng bội thu nối tiếp nhau. Thật lòng mà nói, sau gần 50 năm gắn bó với ngành, tôi càng nể sự miệt mài và kỹ thuật thâm canh của người nông dân mình ngày càng nâng cao”, ông Báo vui mừng.

 
346067687_612757464239224_3537738628486898709_n.jpg

Ngắt lời ông, tôi hỏi một câu, từ khi nào và điều gì khiến ông làm hết mình, vì người khác và sống có trách nhiệm với xã hội?  

Ông Báo trầm ngâm lúc, chúng ta có hẹn với xứ Nghệ và đang thong dong trên mùa vàng, vậy mà nhà báo dẫn tôi về ký ức xa xăm? Rồi ông kể, trước khi trở thành một doanh nhân, ông cũng là nông dân và từng là người lính trong mặt trận chiến đấu bảo vệ đất nước.

Ông nhớ lại, "gần 50 năm trước, tôi, một cán bộ bình thường được tỉnh điều động xuống phụ trách một đơn vị ở Tiền Hải: Trại giống Đông Cơ thuộc công ty giống của tỉnh.
Đó là một cơ sở cũ nát, phơi trần ra hết những hạn chế của thời kỳ bao cấp. Một cơ sở trì trệ về nhận thức, hoang tàn về cơ sở vật chất, lại càng thê thảm hơn sau cơn bão đêm mồng 5 rạng sáng mồng 6/9/1986.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày, tháng, năm, thậm chí là giờ bởi nó gần như là một nỗi ám ảnh. Một trại giống lúa nhưng gần 100 con người không có nhà ở, không có gì ăn. Có lạ không nếu biết là từ năm 1966, Thái Bình đã có những cánh đồng 5 tấn, nhưng 20 năm sau, trên những cánh đồng bờ xôi ruộng mật ấy, trở nên buồn bã hơn, vẫn là những tháng ngày... không có gì ăn.

Phải làm gì để cơ sở vật chất nâng lên? Làm gì để đất đai, con người được khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất và làm sao để người lao động thu nhập bằng chính sự sáng tạo mà họ mang lại? Làm gì để cho những cánh đồng màu mỡ không bị bỏ hoang, cỏ mọc…?

Những câu hỏi ấy đã thôi thúc tôi suy nghĩ, để rồi nhận ra rằng, cái gốc của vấn đề chính là cơ chế quản lý. “Phải khoán sản phẩm đến người lao động”, trong đầu tôi lúc ấy luôn thường trực suy nghĩ ấy.

Thời điểm ấy không dễ gì người ta chấp nhận sự mới mẻ. Nghĩ thì lâu nhưng gặp phản đối lại rất nhanh. Nhiều người phản đối gay gắt. Họ cho rằng đề án sẽ “phá cơ chế Nhà nước", “triệt tiêu vai trò tập thể”… Khó khăn lắm.

Nhưng trước đòi hỏi của thực tiễn, đề án vẫn được lựa chọn. Để rồi một năm sau đó, nhờ cái đề án nhiều tranh cãi ấy mà người lao động từ chỗ hưởng 16kg gạo/tháng tăng lên 40 kg/tháng. Trên diện tích 56ha của trại đã sản xuất được trên 600 tấn thóc, tăng gấp 10 lần so với năm 1987, trong 2 năm 1988 - 1989, công ty xóa bỏ chế độ tem phiếu.

Năm 1988, chuẩn bị cho Nghị quyết số 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã về nghiên cứu mô hình trại giống Đông Cơ và khẳng định: “Việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động ở Trại giống lúa Đông Cơ, lý luận hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”.

Đấy, chúng tôi khởi nghiệp bằng tâm thế vậy đó. Thế hệ chúng tôi khởi nghiệp không theo quy trình như bây giờ là “thành lập công ty, vay vốn ngân hàng, đầu tư phát triển”. Chúng tôi trở về từ chiến trường với ít nhiều xương máu đã nằm lại nơi đó. Tâm thế của những người còn sống được đã là may. Thành thử, nếu gọi là khởi nghiệp thì những người như tôi bắt đầu bằng khát vọng.

Khát vọng của một người trẻ, của một người lính, của một người nông dân… Từ khát vọng đó, khát vọng được cống hiến, được xây dựng. Khát vọng thay cho đồng đội, đồng chí, những người không bao giờ trở về".
 
345837453_582497463974795_7053240739912647787_n.jpg

Trời dần về chiều, chúng tôi cứ thế đi trên cánh đồng vàng xứ Nghệ và nghe những điều chia sẻ của ông. Tôi cảm nhận rõ tình cảm ông dành cho sự nghiệp của ngành nông nghiệp và tâm nguyện của ông với người nông dân. Tình cảm ấy là “Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói, ta bạn vẹn tình muối mặn gừng cay” là “Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành, hái đem cho mọi người” ở ông Trần Mạnh Báo hiện lên rõ rệt. Đúng như lời ông nói, biết vì người khác sẽ chẳng ai quên mình!

Anh Nguyễn Như Khôi, một đồng nghiệp của chúng tôi (hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An), người đã có 20 năm gắn bó với ông Trần Mạnh Báo trong cuộc gặp giữa mùa vàng xứ Nghệ lần này cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, "tôi có cơ duyên được gặp, làm việc và trở thành người bạn của anh Báo. Những cảm nhận ban đầu về anh Báo trong tôi ngày càng dày dặn hơn lên theo năm tháng, chứ không hề thay đổi.

Đó là một doanh nhân năng động trong cơ chế mới đan xen nhiều thuận lợi, khó khăn; là một nhà khoa học dồn hết tâm huyết nghiên cứu và cho ra đời nhiều giống lúa chất lượng cao, thay thế giống nhập. Anh còn là một tấm gương làm việc tận tụy, chuyên nghiệp, một tâm hồn tinh tế, đằm thắm với anh em, bạn bè, với cuộc sống".

Có lẽ những điều đó đã hòa quyện, làm nên chân dung Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Mạnh Báo. Chính anh luôn là nguồn cảm hứng cho tôi cùng nhiều đồng nghiệp trên hành trình làm việc và cống hiến vì những điều tốt đẹp, nhân văn.
 
346044361_780118490387446_282864330844217701_n.jpg

Dạo bước trên cánh đồng vàng lúa đang kỳ chín rộ ở Nam Đàn, anh bạn kỹ thuật ngành nông nghiệp đi cùng vỗ vai tôi nói, cũng may có Tập đoàn ThaiBinh Seed vào và trụ vững được nên anh em chúng tôi đỡ vất vả. Thứ nhất là giống tốt nên nông dân được nhờ và chúng tôi cũng được nhờ. Hai nữa là góp phần hạn chế sự trà trộn những giống của những đơn vị làm ăn lem nhem vẫn hay o ép địa phương để đưa vào cơ cấu mà làm ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ đạo sản xuất và khát vọng của nông dân.

Cũng là làm giống nhưng cái chất Anh hùng Lao động của ông Trần Mạnh Báo và cái giá trị văn hóa của Tập đoàn ThaiBinh Seed đã góp phần làm nên những mùa vàng đích thực cho người dân quê tôi.