Từ khi còn nhỏ, năm 13 tuổi, nhìn thấy cuộc sống gia đình và những người xung quanh quá khổ cực, mình đã nghĩ sau này lớn lên phải làm gì đó cho người nông dân. Nhưng cách làm của mình khác, bằng trí tuệ, bằng công sức của mình để tìm ra những hạt giống tốt cho nhiều người sử dụng, thông qua đó người nông dân bớt cực hơn, bát cơm đầy hơn…
Đó là tâm sự của thương binh, kỹ sư Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed). Cũng chính vì lẽ đó, mặc dù đã gần đến tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng gần như ngày nào, không kể giờ giấc, nắng mưa ông cũng lăn lội khắp các cánh đồng trên toàn quốc để nghiên cứu, tìm tòi, chọn tạo giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi gặp lại ông vào những ngày đầu tháng 5, khi ông vừa trở về sau chuyến đi kiểm tra thực địa tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ông chia sẻ: Đúng lúc đến huyện thì phát bệnh gút cấp, người phát sốt rét, đau buốt lên tận óc, anh em phải dìu ra cánh đồng để kiểm tra. Có người can ngăn để dịp khác nhưng mình nghĩ đã hẹn, đã có kế hoạch là phải khắc phục thực hiện. Hơn nữa bệnh gút cũng theo mình gần 20 năm nay. Lần này là lần thứ 5 trong vòng 2 năm qua mình bị phát gút cấp khi đi thăm đồng, trước đó là ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), huyện Hải Hậu (Nam Định). Thú thật, mình không chỉ đam mê đồng ruộng mà là “nghiện”.
Theo ông Báo, quá trình thành lập, xây dựng và trưởng thành của ThaiBinh Seed cũng gắn liền với lời dạy của Bác. Trong lần về thăm Thái Bình, ngày 1/1/1967 Bác căn dặn: “… muốn tăng năng suất lúa trước hết phải làm tốt thủy lợi, phải có nhiều phân bón… có đủ nước, nhiều phân bón rồi, lại phải chọn giống tốt cho nông dân…”. Thực hiện lời dạy của Bác, năm 1967 Ủy ban Hành chính (UBHC) tỉnh Thái Bình quyết định thành lập “Phòng giống” trực thuộc Ủy ban Nông nghiệp tỉnh - tiền thân của ThaiBinh Seed ngày nay. Từ chỗ chỉ là trại giống với cơ sở vật chất nghèo nàn, lực lượng mỏng, trình độ hạn chế, đến nay ThaiBinh Seed được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, là thành viên Hiệp hội Giống châu Á Thái Bình Dương - APSA, góp phần xây dựng Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước công nghiệp hóa ngành giống cây trồng, một số mặt đạt trình độ quốc tế.
Để có được kết quả trên, ông luôn trăn trở tìm ra hướng đi tốt nhất cho Công ty phát triển nhanh và bền vững. Năm 2004, ông chủ động đề nghị UBND tỉnh được cổ phần hóa doanh nghiệp và đến năm 2014 nhà nước đã thoái hết vốn tại ThaiBinh Seed. Cũng chính ông là người trực tiếp xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột chính là “Trí tuệ - công nghệ - quan hệ”. Trong 10 năm kiên trì đầu tư và trực tiếp nghiên cứu ông đã thực hiện hơn 20 đề tài khoa học, tạo ra hàng chục giống cây trồng mới, với doanh thu đạt từ 70 - 83% từ sản phẩm nghiên cứu của doanh nghiệp. Các sản phẩm của Công ty khi được nông dân cả nước nhắc đến luôn gắn liền với năng suất, chất lượng cao và được bà con tin dùng.
Một trong những giống lúa của Công ty sản xuất là TBR225 được thực hiện từ năm 2014 - 2015 đã gây tiếng vang lớn trong ngành Nông nghiệp của cả nước. Giống lúa TBR225 hiện nay đã phát triển rộng rãi ở các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung diện tích lên tới hàng nghìn héc-ta, khẳng định được khả năng ứng dụng rất cao của sản phẩm, tạo ra một hướng đi mới trong sản xuất lúa ở các vùng thâm canh, góp phần thay đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
Công ty còn thực hiện dự án “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao” của chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; “Công nghệ chọn tạo giống chất lượng và sản xuất giống lúa có phẩm cấp cao” nhằm góp phần làm nên thương hiệu lúa chất lượng cao cho Việt Nam, tăng giá trị kinh tế của gạo Việt Nam, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Luôn trăn trở câu hỏi tại sao người nông dân đóng góp, hy sinh rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng họ mãi nghèo, mãi chịu thiệt thòi, mặc dù chỉ trong 5 năm ThaiBinh Seed đã hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, nông dân nghèo, đóng góp xây dựng nông thôn mới và từ thiện xã hội khoảng 35 tỷ đồng, cá nhân ông ủng hộ khoảng 500 triệu đồng song ông vẫn cho rằng giải pháp căn cơ vẫn phải là “cho người nông dân cái cần câu và dạy cách câu chứ không phải cho họ con cá”. Cũng chính vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp không thể cứ nhăm nhăm vào mục tiêu lợi nhuận mà cần đặt lợi ích cho người nông dân lên trên hết để cùng họ phát triển, hội nhập, qua đó để họ gửi gắm niềm tin. Nói là làm, nhiều năm qua ông đã xây dựng và tổ chức hệ thống sản xuất thông qua liên kết với nông dân theo mô hình “liên kết 4 nhà”.
'Với vai trò là nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, ThaiBinh Seed tích cực hợp tác với các đại diện nông dân áp dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học về giống cây trồng, hướng dẫn nông dân sử dụng và sản xuất những giống cây trồng mới; mỗi năm ứng hàng chục tỷ đồng vốn sản xuất, không tính lãi cho nông dân sản xuất.
Theo số liệu thống kê của Công ty, hàng năm ThaiBinh Seed liên kết sản xuất với các địa phương trên cả nước với diện tích hơn 6.000ha/năm; thu mua 20.000 - 25.000 tấn giống cây trồng chất lượng cao và đã đem lại giá trị gia tăng trên 40 - 50 tỷ đồng cho nông dân. Nhiều hộ nông dân liên kết sản xuất với ThaiBinh Seed có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người nông dân.
Đóng gói sản phẩm gạo của ThaiBinh Seed. Ảnh: Phạm Hưng
Khi chúng tôi đề cập về học tập, làm theo gương Bác và thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cười hiền: Như lời Bác dạy, đó là bổn phận của bất kỳ người Việt Nam nào. Làm việc gì, làm bằng cách nào, dù việc lớn hay việc nhỏ, trên mọi mặt trận đều phải thi đua. Song cái đích cuối cùng là đem lại hạnh phúc cho người dân.
Phan Anh