Sản xuất lúa gạo không chỉ đáp ứng mục tiêu bảo đảm cung cấp lương thực mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Từ mục tiêu đó, Phòng NN&PTNT huyện Lệ Thủy đã đưa giống lúa TBR-1 vào bộ cơ cấu giống lúa của huyện. Đây là giống lúa phù hợp để dùng làm nguyên liệu cho chế biến các sản phẩm có nguồn góc từ lúa gạo, như: bún, bánh tráng, miến...
Vụ đông - xuân năm 2016 – 2017, toàn huyện Lệ Thủy đã gieo trồng hơn 320ha diện tích lúa TBR-1, tập trung nhiều ở các xã Mỹ Thủy, Dương Thủy, Phú Thủy, Tân Thủy... Qua đánh giá của ngành chức năng, lúa TBR-1 là giống cảm ôn, ngắn ngày, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm; thích ứng rộng; thời gian sinh trưởng từ 110 – 125 ngày; đẻ nhánh trung bình, cứng cây, chống đổ tốt, trổ bông tập trung; chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là bệnh bạc lá; năng suất trung bình 70 – 75 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 80 – 90 tạ/ha; năng suất tái sinh đạt 40 tạ/ha trở lên; chất lượng gạo khá, hàm lượng tinh bột cao, phù hợp với chế biến.
Trong khi đó, giống VN20 bà con đang canh tác lại có thời gian sinh trưởng dài; sức chống chịu sâu bệnh kém; tái sinh cho năng suất thấp hoặc không có tái sinh... Vì vậy, TBR-1 là giống lúa mới có thể dùng thay thế các giống lúa cũ mà nông dân thường canh tác để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ lúa gạo.
Để bà con tiếp cận được giống lúa TBR-1, các ngành chức năng địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực triển khai trình diễn các mô hình giống lúa mới trên địa bàn huyện.
Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)