Vụ ĐX 2015 - 2016, Chi nhánh Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên (Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình - ThaiBinhSeed) triển khai 3 mô hình trình diễn giống lúa TBR 225 tại các xã miền núi ở tỉnh Quảng Nam.... 

Lúa TBR 225 leo núi
TBR 225 đạt 73 tạ/ha tại thôn Ngọc Lâm, xã Bình Lâm

Cả thung lũng chừng 3ha đất, bốn phía núi rừng bao quanh, ruộng được xếp hình bậc thang. Đứng từ nhà văn hóa thôn Ngọc Lâm, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, ai tinh mắt đều có thể phát hiện ra ngay ruộng lúa nào trồng TBR 225.

Ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Ngọc Lâm chia sẻ: “TBR 225 hạt to, ruộng lúa sáng rực, cây không ngã đổ, đều tăm tắp. Cả cánh đồng, lúa cây cao cây thấp, đám chín đám xanh, còn TBR 225 khác hẳn”. Vụ mùa năm nay, gia đình ông Sơn gieo sạ 3,5 sào ruộng, vì do thiếu nước.

Trong đó, ThaiBinhSeed hỗ trợ giống làm 1,5 sào. Từ đầu vụ, cán bộ của Cty hướng dẫn cách gieo trồng giống lúa mới. “Khi nghe cán bộ Cty giống nói sạ 3,5kg tôi cãi ngay. Ở đây tôi thường sạ 5 kg/sào mà chưa ăn, nói gì chỉ có từng ấy. Vùng đất này căn cỗi, thiếu nước thường xuyên, trời đổ mưa thì ruộng có nước, nắng lên khô cạn, do đó phải sạ dày. Nhưng họ thuyết phục, sạ số lượng đó mà cuối vụ không đạt năng suất, Cty sẽ đền.

Nghe xong, tôi mới chịu làm theo”, ông Sơn cho hay. Ông nói tiếp: “Sau gần 100 ngày ruộng lúa đã chín, họ nói đúng thật, giờ tôi phục rồi. Lúa đẻ nhánh nhánh rất khỏe, từ ngày sạ đến nay, tôi chỉ phun thuốc phòng trừ đạo ôn 1 lần, nhưng cho năng suất cao. Tôi đã gặt thử, đem phơi khô, tính ra năng suất đạt 3,6 tạ/sào”. Theo ông Sơn, ông người là tiên phong trong thôn “cập nhật” giống mới vào SX. Vụ này ngoài TBR 225, ông còn trồng 2 giống lúa mới khác. Tuy nhiên về năng suất các giống lúa này thua xa TBR 225. Bởi hai giống lúa khác bị mẫn cảm với thời tiết, hạt lem lép nhiều, đặc biệt bị khô cổ bông.
09-02-10_nh-2
TBR 225 cho năng suất cao ở miền núi

“Tôi dám khẳng định rằng, từ trước đến nay, ở cánh đồng Ngọc Lâm nhờ nước trời này chưa có giống nào đặt năng suất cao như TBR 225. Cây lúa sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh khỏe, bộ lá màu xanh, bông to và dài, hạt xếp dày, tỷ lệ hạt chắc cao”, ông Sơn nói. Do mới làm vụ đầu, nên ông Sơn chưa nấu cơm TBR 225.

Để minh chứng là giống lúa có chất lượng gạo khá, tại hội thảo ThaiBinhSeed đã nấu cơm cho bà con thưởng thức. Nồi cơm đặt cuối hội trường, tỏa mùi thơm. Cơm chín, ông Sơn ăn thử và nhận xét: TBR 225 chất lượng gạo tốt, cơm trắng, ngon, mềm, vị đậm. Tại xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, ThaiBinhSeed cũng trình diễn mô hình tại thôn Lâm Bình Phương. Cánh đồng ruộng bậc thang, nguồn nước nhờ trời.

Bà Nguyễn Thị Lan tham gia SX 2 sào TBR 225 đạt năng suất 270 kg/sào. Chỉ tay về các đám ruộng bên cạnh trồng Khang dân đột biến, Xi 23 năng suất chỉ đạt 1,5 - 1,7 tạ/sào, còn TBR 225 cho gần 3 tạ/sào, bà Lan nhận xét: “Vụ này tôi mới SX mà thấy được năng suất cao như ri sang năm sẽ gieo trồng tiếp. TBR 225 sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, lá đứng, cứng cây, trỗ bông tập trung, bông to và dài. Nó thích ứng rộng trên nhiều chân ruộng (kể cả ruộng lầy), khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá tốt. Chiều dài bông lúa và tổng số hạt chắc/bông nhiều hơn hẳn so với các giống lúa khác”.

09-02-10-nh-3.jpg
TBR 225 đạt 270 kg/sào tại thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn
Còn tại huyện Nông Sơn, ThaiBinhSeed trồng trình diễn 1ha tại cánh đồng thôn Tân Phong, xã Quế Lộc với 11 hộ dân tham gia. Kết quả vụ ĐX đạt năng suất 3 tạ/sào. Theo người dân tham gia mô hình, vụ ĐX bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, nhưng TBR 225 vẫn cho năng suất cao hơn giống đối chứng 9 tạ/ha. Đây là một giống lúa mới có nhiều đặc tính vượt trội, trung ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu, thích ứng rộng, phù hợp cả 2 vụ SX. Đặc biệt hơn là gạo dẻo, thơm. TBR 225 đạt 270 kg/sào tại thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn “Đến nay có thể khẳng định mô hình SX trình diễn giống lúa TBR 225 đã đem lại hiệu quả cao.
 
Từ mô hình này chúng tôi đã dần thay đổi được tư duy trong SX. Biết kết hợp vận dụng hợp lý những kinh nghiệm truyền thống của địa phương, với kỹ thuật SX lúa hiện nay một cách phù hợp trong điều kiện thực tế của địa phương mình, để áp dụng vào ruộng lúa một cách hiệu quả nhất”, một nông dân nhận xét tại hội thảo. Sau khi tham quan 3 mô hình, tôi hỏi ông Triệu Tấn Phú, GĐ Chi nhánh Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên: "Vụ này ngành nông nghiệp đã khuyến cáo từ trước là hạn hán xảy ra, thời tiết rất bất lợi, sao Cty mạo hiểm đưa lên các vùng núi trồng khảo nghiệm vậy? Trồng khảo nghiệm thường chọn những vùng đất màu mỡ, họ không chọn vùng đất “xấu” để thử?".
 
Ông Phú đáp: "Quả đúng thế thật, nhưng năm nào cũng chọn vùng đất tốt SX thì không đánh giá được giống. Đây là giống lúa năng suất cao, thích nghi rộng. Như anh xem đó, vụ này các giống khác năng suất chỉ được 2 tạ/sào, có giống mất trắng do bị lem lép. Thế nhưng TBR 225 đạt gần 3 tạ/sào, có những nơi đạt trên 3,5 tạ/sào....
 
ĐẮC THÀNH
NongNghiep.vn