665x448_11-15-32_1.jpg
Giống TBR225 tại xã Tùng Lộc được mùa

Đặc biệt, vụ ĐX 2015 - 2016 tại các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, TBR225 một lần nữa khẳng định đã thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ngắn ngày Mặc dù bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị từ vụ ĐX 2013 - 2014, nhưng để đảm bảo chắc ăn, vụ ĐX 2015 - 2016, Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình, đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa TBR225 tiếp tục phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị); Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) thực hiện sản xuất diện rộng giống TBR225 trên diện tích 941ha (trong đó, Lệ Thủy 900ha; Quảng Ninh 16ha; Vĩnh Linh 25ha).

Bằng hình thức hỗ trợ, cung ứng giống, kỹ thuật cho nông dân, sau 120 ngày chăm sóc cả cánh đồng lớn hàng chục, hàng trăm ha vàng ruộm, bông nào bông ấy nặng trĩu, rũ xuống chân ruộng. Nhiều người đi qua tấm tắc khen lúa TBR225 gặp mưa lớn nhưng không bị đổ, tỏa hương thơm.

Ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh đánh giá: “TBR225 có TGST ngắn (vụ ĐX từ 120 - 125 ngày; HT từ 100 - 105 ngày) nên rất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt khu vực Bắc Trung bộ nói chung, Quảng Bình nói riêng. Sau vài vụ sản xuất trên địa bàn, giống lúa này thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội như thích ứng chân đất từ vàn cao đến thấp trũng, cây cứng, đẻ nhánh khỏe, năng suất cao, cơm ngon”. Cũng theo ông Thuyết, cơ sở để đánh giá hiệu quả một giống lúa không phải chỉ dựa vào một hai vụ sản xuất được mùa mà nó là chuỗi nhiều vụ sản xuất thắng lợi và quan trọng là được nông dân tin tưởng lựa chọn. “Đối với huyện Quảng Ninh, sau thắng lợi vụ ĐX 2015 - 2016 chắc chắn nông dân sẽ tiếp tục đưa giống lúa này vào sản xuất diện rộng”, ông Thuyết nhấn mạnh.

Được biết, quá trình sản xuất tại 8 HTX trên địa bàn huyện, giống TBR225 cho năng suất thu hoạch bình quân 60 - 64 tạ/ha. Cá biệt, một số vùng thâm canh tốt như Minh Trung đạt 70 tạ/ha; Hiển Vinh 68 tạ/ha; Lộc Long 65 tạ/ha. Tỷ lệ gạo xát đạt 68 - 70%. Một điểm đặc biệt nữa là tỷ lệ lúa chét của giống TBR225 đạt cao, do đó, người dân các vùng ngập úng như huyện Lệ Thủy rất chuộng sản giống giống lúa này. Không chỉ thích ứng với đồng đất vàn cao, thấp trũng, TBR225 cũng cho năng suất đạt trên 62 tạ/ha khi sản xuất trên diện tích đất chua phèn, đất đỏ bazan nghèo chất dinh dưỡng ở huyện Vĩnh Linh. Chịu rét tốt Tiếp tục đổ bộ vào “chảo lửa” Hà Tĩnh, giống TBR225 tuy mới sản xuất thử nghiệm nhưng các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên đều rất tâm đắc vì giống lúa này đáp ứng các yêu cầu: Ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao.

Ông Nguyễn Chí Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc cho hay, ngoài dòng lúa thơm, hiếm có giống lúa thuần nào thời kỳ mạ, trổ bông và chuẩn bị thu hoạch lại có mùi thơm như TBR225. Đến thời điểm này, cánh đồng 1,2 ha sản xuất giống TBR225 đã bắt đầu chín, khoảng 3 ngày nữa cho thu hoạch. Qua khảo sát ước năng suất đạt khoảng 62 tạ/ha.

11-15-32_3.jpg

Một số diện tích tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình nhờ thâm canh tốt đạt năng suất 70 tạ/ha

Theo ông Tùng, sau khi Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình xin ý kiến của Sở NN-PTNT, UBND huyện Can Lộc, lãnh đạo xã Tùng Lộc đã giao cho cán bộ khuyến nông phối hợp với cán bộ kỹ thuật Cty triển khai sản xuất thử nghiệm giống TBR225 trên diện tích 1,2ha/20 hộ dân thôn Tây Ninh.

Từ trước đến nay đất ruộng Tây Ninh chủ yếu làm giống lúa lai nhưng do giá giống cao và chất lượng gạo hạn chế nên xã rất muốn tìm bộ giống lúa thuần có TGST ngắn, năng suất cao, gạo ngon để chuyển giao cho bà con sản xuất lâu dài. “Tuy chưa khẳng định được tính hiệu quả 100% của giống lúa nhưng qua theo dõi chúng tôi thấy TBR225 năng suất cao hơn các giống lúa thuần khác từ 20 - 30 kg/sào. Bông lúa dài, hạt xếp sít, chống chịu khá với các loại sâu bệnh. Vụ mùa tới chúng tôi sẽ phối hợp với Cty giống cây trồng Thái Bình tiếp tục khảo nghiệm trên diện rộng hơn”, ông Tùng nói thêm. Bà Võ Thị Lan, thôn Tây Ninh có 1 sào ruộng sản xuất giống TBR225 cho biết, đầu vụ ĐX 2015 - 2016 do ảnh hưởng của rét đậm rét hại nên hầu hết diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết sạch. Tuy nhiên, giống TBR225 vẫn chống chọi được với cái rét 5 - 6 độ C. Sau khi trời nắng ấm bà chắm dặm mỗi bụi lúa một dảnh nhưng quá trình sinh trưởng lúa đẻ nhánh khỏe, trổ đều, năng suất thu hoạch ước đạt hơn 3 tạ/sào.

“Tôi rất thích giống lúa này. Tuy chưa xát gạo ăn nhưng nhìn hạt lúa và mùi thơm của mạ và bông lúa tôi tin là cơm ngon. Vụ HT năm nay nếu có giống tôi vẫn muốn cấy giống lúa này”, bà Lan nói. Ngoài Can Lộc, vụ ĐX 2015 - 2016 huyện Đức Thọ cũng có 2ha; Cẩm Xuyên 1ha sản xuất giống TBR225. Qua khảo sát của NNVN, chính quyền địa phương và người dân các huyện trên đều phấn khởi khi giống lúa này được mùa toàn diện....

THANH NGA
Báo Nông nghiệp Việt Nam