(DĐDN) – Sau 43 năm phát triển, hiện ThaiBinh Seed là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, đi tiên phong trong áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào ngành lúa gạo.
Gần 100% tỉnh, thành trên toàn quốc dùng giống lúa của ThaiBinh Seed
Công ty chiếm 10% thị trường giống lúa cả nước.
Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) thành lập năm 1972, là đơn vị đầu tiên của ngành giống cây trồng Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của đất nước, ThaiBinh Seed vẫn bền bỉ đi theo con đường đã chọn từ những ngày đầu mới thành lập, kết hợp với tiến bộ công nghệ vào sản xuất để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về lúa gạo. Công ty đã đạt được những thành tựu đó như thế nào?
Tiên phong R&D, đi đầu về giống lúa
Tháng 4, những cánh đồng lúa đang độ xanh mướt nối dài chạy tít tắp về phía đường chân trời. Ánh nắng nhuộm vàng khuôn mặt những người nông dân quê lúa Thái Bình đang tần tảo làm lụng trên đồng. “Quê hương 5 tấn” vẫn nổi tiếng về lúa gạo, nhưng người nông dân đã bớt cực nhọc hơn nhờ các giống lúa thuần bản quyền do ThaiBinh Seed chọn tạo bằng quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D) nghiêm ngặt. Trò chuyện với nông dân Thái Bình mới thấy khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng thế nào đối với nghề nông. Lấy tay gạt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Thắm, nông dân xã Quang Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình) nở nụ cười rạng rỡ khi nghe chúng tôi hỏi về giống lúa mà ThaiBinh Seed phát triển.
“Công ty này (ThaiBinh Seed) làm tốt lắm, tạo ra nhiều giống lúa cho năng suất cao. TBR36, TBR45 này đều tốt. Bà con chúng tôi phấn khởi rồi, có giống tốt thì chịu khó lao động thôi”, chị nói.
Nổi tiếng trong ngành giống lúa, ThaiBinh Seed là đơn vị chuyên nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và kiểm nghiệm các loại giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa. Công ty có cơ sở vật chất cho nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam, trong đó có 2 nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ của châu Âu; nhà máy chế biến gạo; phòng thử nghiệm quốc gia mã số Vilas110; trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có diện tích 50 ha… Ngoài ra, công ty còn đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến hạt giống công suất 30.000 tấn/năm, nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm. Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc ThaiBinh Seed, công ty đầu tư rất mạnh cho R&D vì nhận thức được lĩnh vực này là xương sống của một công ty chuyên về giống cây trồng.
Không tiết lộ phần trăm doanh thu hàng năm dành cho đầu tư R&D, ông Báo chỉ khẳng định lĩnh vực này được hội đồng quản trị và ban giám đốc công ty coi là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động. Đúng như tên gọi của mình, ThaiBinh Seed sử dụng mọi nguồn lực hiện có đầu tư cho R&D nhằm tạo ra những giống lúa thuần chủng Việt Nam, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai trên suốt chiều dài mảnh đất hình chữ S này. Tất cả giống lúa của ThaiBinh Seed đều cho năng suất gieo trồng cao, được bà con nông dân và khách hàng tín nhiệm. Ông Báo không giấu niềm tự hào khi nói về những giống lúa thuần chủng do đội ngũ kỹ sư, cán bộ, nhân viên ThaiBinh Seed chọn tạo sau những tháng ngày nghiên cứu, tìm tòi.
ThaiBinh Seed là đơn vị tiên phong nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công giống lúa thuần đầu tiên tại Việt Nam (có nhiều loại giống khác nhau như TBR1, TBR36, TBR45). Có thể kể tên những giống lúa tiêu biểu thuần bản quyền của công ty có khả năng phù hợp với nhiều loại khí hậu khác nhau như TBR-1. Đây là giống lúa có khả năng chống đổ tốt và kháng bệnh khá. Năng suất trung bình của giống lúa này đạt từ 70-75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 90-100 tạ/ha, cho chất lượng gạo khá. Giống lúa TBR45 có khả năng chịu mặn, cũng là giống thuần do ThaiBinh Seed chọn tạo và được công nhận đặc cách năm 2011. TBR 45 có dạng hình đẹp, sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá tốt. Năng suất trung bình của giống lúa này đạt 65-75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 – 85 tạ/ha, cho hạt cơm mềm, dẻo và ngon.
Ngoài những giống lúa đã định hình nên thương hiệu ThaiBinh Seed, theo ông Báo, công ty còn đầu tư nghiên cứu một số giống lúa mới giàu triển vọng. Chẳng hạn như giống DDH18, có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh tốt, thích hợp gieo cấy ở vụ Xuân, không thích hợp gieo cấy ở vụ Mùa. Năng suất trung bình đạt 75-80 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 90-100 tạ/ha và cho chất lượng hạt gạo khá. Hay giống Đông A1 cũng là giống lúa thuần do công ty chọn tạo, có chất lượng vượt trội và cho ra hạt gạo thơm ngon. Giống này có nhiều đặc điểm nổi bật hơn hẳn các giống lúa chất lượng hiện nay, như chịu rét và chịu mặn tốt, chống chịu sâu bệnh khá tốt, đặc biệt rất ít nhiễm đạo ôn về vụ Xuân và bạc lá về vụ Mùa. Năng suất trung bình đạt 58 – 65 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt 70 tạ/ha. Nhờ gieo “hạt giống” R&D, ngày nay ThaiBinh Seed đã hái quả ngọt khi được công nhận là doanh nghiệp có số lượng bản quyền về giống nhiều nhất tại Việt Nam.
Lợi thế cạnh tranh
Hơn 4 thập niên đã trôi qua kể từ ngày được thành lập, đã hoàn toàn thoát khỏi cái vỏ quốc doanh khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn vào năm 2014, ThaiBinh Seed giờ đây đã gây dựng được thương hiệu có uy tín cao về giống lúa trên cả nước. Theo lời ông Báo, hiện công ty có thị trường giống lúa lớn nhất tại Việt Nam, ước tính chiếm 80% thị trường miền Bắc, 50% thị trường miền Trung và 30% thị trường miền Nam. Không có con số thống kê tuyệt đối, nhưng ông Báo khẳng định, ThaiBinh Seed có danh mục giống phủ gần như kín 100% các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Ông cho biết, công ty cũng đã đầu tư mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm tới nhiều tỉnh thành phía Bắc với 15 chi nhánh, trung tâm R&D tại Thái Bình và các tỉnh Bắc Trung bộ. Nhờ thế mạnh vượt trội về các loại giống, ThaiBinh Seed đã cung cấp ra thị trường nhiều loại gạo chất lượng cao như gạo thơm Thái Bình 1, gạo BC15, gạo Tám thơm Tiền Hải, gạo TBR225, gạo nếp Thái Bình… Hàng năm, doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 tấn giống cây trồng các loại, trong đó sản phẩm chủ lực là các giống lúa chất lượng cao.
Ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia nông nghiệp nhận xét, một trong những thành công nổi bật của ThaiBinh Seed là công ty này đã tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp về phát triển ngành giống cây trồng. Đây là một việc không đơn giản, theo ông Khải. Bên cạnh đó, ThaiBinh Seed còn hỗ trợ người nông dân ổn định chủ động về nguồn giống nông nghiệp, tăng năng suất trồng trọt và hiệu quả canh tác. Hiện tại, theo số liệu thống kê chính thức của ThaiBinh Seed, giống lúa của công ty chiếm khoảng 10% diện tích trồng lúa tại Việt Nam. Hiện tại, theo số liệu thống kê chính thức của ThaiBinh Seed, giống lúa của công ty chiếm khoảng 10% diện tích trồng lúa tại Việt Nam.
Xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp
Hiện tại, theo số liệu thống kê của ThaiBinh Seed, giống lúa của công ty chiếm khoảng 10% diện tích trồng lúa tại Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn thương hiệu Richard Moore Associates (RMA), kiêm sáng lập viên Học viện Đào tạo thương hiệu Plato, trong một lần trò chuyện đã kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề đào tạo thương hiệu của mình. Ông Sơn nhận được một lá thư xin nghỉ học của ông Báo (65 tuổi) – học viên lớn tuổi nhất tại Plato, xin thầy giáo cho phép nghỉ học một buổi tối vì lý do sức khỏe! Ông Sơn cho biết, ông đã lặng người vì xúc động và cảm phục vị doanh nhân lớn tuổi, học viên tận tụy tuần nào cũng 2 buổi tối đi xe 100km từ Thái Bình lên Hà Nội để theo học lớp thương hiệu tại Học viện Plato.“Đây là một minh chứng về sự cầu thị và tính chuyên nghiệp của ông”, ông Sơn đúc kết.
Không chỉ đích thân theo học, ông Báo còn vận động con gái là chị Trần Thị Trà, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của ThaiBinh Seed lên Hà Nội học tại Plato.
Trong câu chuyện về xây dựng thương hiệu của ThaiBinh Seed, ông Sơn cho biết, RMA là đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược và bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp này. Tên thương hiệu cũ (Thai Binh TSC – Tổng công ty Giống Thái Bình) được thừa kế (Thai Binh) và điều chỉnh (Thay TSC bằng Seed) nhằm mục tiêu thể hiện rõ hơn, trực diện hơn, mang tính quốc tế hóa cao hơn về nhận diện ngành nghề (chuyên về giống lúa).
Logo của công ty được các chuyên gia RMA thiết kế mang tính biểu tượng, với hạt giống lúa tiếp tục được sử dụng, nhưng thể hiện đồ họa tinh tế và hiện đại hơn. Hình ảnh bàn tay cách điệu thể hiện tính cách tận tâm, tâm huyết với nghề của những người ThaiBinh Seed. Theo phân tích của ông Sơn, câu slogan “Niềm tự hào của nông dân Việt Nam” thể hiện đúng vị thế hiện có của ThaiBinh Seed trong nhận thức của khách hàng mục tiêu (những người nông dân): họ thực sự yêu quý và ghi nhận tình yêu nghề, năng lực chuyên môn của cán bộ ThaiBinh Seed. Theo ông Sơn, insight (sự thật ngầm hiểu) về công ty trong tâm trí khách hàng là sự tin cậy.
“Thai Binh Seed đã đạt đến gần ngưỡng thương hiệu cảm xúc đối với người nông dân trên một số địa bàn nhất định. Họ sẵn sàng mua sản phẩm giống mới, gạo mới của ThaiBinh Seed chỉ với những nhận biết trên bao bì sản phẩm”, ông Sơn nhận định.
Ông Nguyễn Tiến Vũ, chuyên gia thương hiệu cao cấp, Công ty RMA – người trực tiếp tham gia tư vấn xây dựng thương hiệu cho ThaiBinh Seed – cho rằng, ông Trần Mạnh Báo có tầm nhìn và tâm huyết với câu chuyện xây dựng chiến lược thương hiệu một cách bài bản và chuyên nghiệp. Một dẫn chứng mà ông Vũ đưa ra sau quá trình tư vấn cho ThaiBinh Seed là ông Báo thường xuyên tham dự các hội thảo về nông nghiệp trong nước và nước ngoài, gặp gỡ, hợp tác với đối tác quốc tế nhằm học hỏi kiến thức và tìm hiểu về công nghệ hiện đại rồi tìm cách nhập các loại máy móc thiết bị tiên tiến về cho công ty.
80% tỉnh, thành trên toàn quốc dùng giống lúa của ThaiBinh Seed
Ông Vũ đánh giá: “Với kiến thức thực tế của mình, ông Trần Mạnh Báo nhận thấy, dù chỉ là công ty của một tỉnh, nhưng ThaiBinh Seed cần tối ưu hóa năng lực nội tại sẵn có của thương hiệu công ty mình, nhằm cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn về quy mô và không ngừng đầu tư mạnh vào nông nghiệp trong thời gian gần đây như PAN Pacific, Vinaseed, ITA Rice, Hoa Sữa. Ông trọng dụng nhiều cán bộ trẻ có năng lực, đam mê với nghề và cử họ đi học các khóa học về truyền thông, tiếp thị, thương hiệu”.
Theo ông Vũ, một điểm đáng lưu ý là thương hiệu cá nhân của ông Trần Mạnh Báo có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua và sử dụng sản phẩm của bà con nông dân. Hình ảnh của ông xuất hiện trên bao bì giống lúa là bảo chứng cho uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm, giúp nông dân tin tưởng lựa chọn sản phẩm.
Tầm nhìn của ông Báo vượt xa những cánh đồng lúa trong phạm vi tỉnh Thái Bình, giúp công ty ông phát triển như hôm nay. Theo quan điểm của ông Đức Sơn, ông Báo là một lãnh đạo có nghề, thể hiện ở cả hai khía cạnh tầm nhìn của một lãnh đạo và sự hiểu biết sâu sắc về nghề của một chuyên gia. Cách đây 40 năm, ông Báo đã tự đề xuất và thành lập trung tâm R&D về giống lúa ở tỉnh Thái Bình. Theo ông Sơn, chuyện này bây giờ là bình thường, nhưng vào thời điểm đó là một quyết định dũng cảm và thể hiện sự chuyên nghiệp của ông Báo.
“Cứ thế trong suốt sự nghiệp của mình, ông Báo luôn là người tận tụy, tận tâm và tiên phong trong các quyết định mang tính đột phá, để đưa ThaiBinh Seed trở thành thương hiệu đầu ngành về giống lúa như hiện nay”, ông Sơn kết luận
Thông tin về ThaiBinh Seed
* ThaiBinh Seed là thành viên Hiệp hội Giống cây trồng châu Á – Thái Bình Dương (APSA), Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình (TBEA).
* ThaiBinh Seed có quan hệ hợp tác với các trường đại học, nhiều viện nghiên cứu, công ty giống cây trồng ở các nước trong khu vực và trên thế giới như các nước ASEAN, Nhật Bản, Đài Loan, Israel, Ấn Độ, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Bangladesh…
* ThaiBinh Seed nhận giải thưởng Bông lúa vàng và Doanh nghiệp vì nhà nông năm 2015, lọt vào Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 3 năm liền từ 2012-2014
Thành Trung