Chiều 7/8, sau khi thăm mô hình xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Định (huyện Kiến Xương), Thủ tướng đã đến thăm Cty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh Seed).

13913985_10209992614511237_6626653703169838103_o.jpg

Ông Trần Mạnh Báo giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc những giống lúa của công ty

Chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Đầu tháng 8, khi đang có chuyến đi hoạt động xúc tiến thương mại ở Nhật Bản, ông nhận được điện thoại từ Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có kế hoạch về thăm công ty giống. Quá mừng và xúc động, ông gác lại mọi công việc của 5 ngày sắp tới, tức tốc bay về nước.
Chiều 7/8, sau khi thăm mô hình xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Định (huyện Kiến Xương), Thủ tướng đã đến thăm Cty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh Seed). Sau khi nghe báo cáo khái quát về công ty, Thủ tướng đã trực tiếp xuống tìm hiểu nhà máy chế biến hạt giống.
Cầm túi thóc giống TBR225 trên tay và ngắm nghía rất kỹ, Thủ tướng hỏi:
 - Xin hỏi đồng chí Tổng Giám đốc. Giống lúa này năng suất, chất lượng và giá bán thế nào?
- Thưa Thủ tướng, vụ xuân vừa rồi năng suất lúa TBR225 tại Quảng Nam (quê hương Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- PV) đạt 72 tạ/ha, cao hơn cả lúa lai. Chất lượng gạo ngon, hạt dài và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Gạo TBR225 bán dễ, giá cao. Đặc biệt giá thóc giống chỉ bằng 25 – 30% giống lúa lai nhập khẩu. - Vậy thu nhập bình quân của lao động trong công ty bao nhiêu?
- 10 triệu đồng/người/tháng ạ.
 - Vốn điều lệ của công ty bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm của nhà nước?
- Thưa, chỉ vỏn vẹn có 10 tỷ đồng, vì công ty không muốn nâng vốn lên, dù tài sản được định giá nhiều tỷ đồng. Chủ sở hữu vốn hầu hết là người lao động trong công ty, nhà nước đã thoái hết.
 Khi biết diện tích sản xuất giống lúa của Thaibinh Seed hàng năm là 6.200 ha, lượng giống công ty bán ra chiếm tới 10% lượng giống cả nước, sản lượng giống thu mua cho nông dân 22.000 tấn, đem lại lợi nhuận cho bà con vùng liên kết sản xuất giống với công ty khoảng 50 tỷ đồng/năm, Thủ tướng rất vui mừng.
 Đi hết dây chuyền thứ nhất, Thủ tướng dừng lại hỏi ông: “Anh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động chưa?”, vị Tổng giám đốc Thaibinh Seed trả lời: “Dạ thưa, chưa ạ”.
Lập tức, Thủ tướng quay về phía lãnh đạo tỉnh Thái Bình nói: “Đây (Thủ tướng chỉ tay về phía ông) là anh bộ đội Cụ Hồ, một thương binh nặng. Suốt cuộc đời, anh chỉ làm một công việc, đó là nghiên cứu sản xuất giống lúa và đã xây dựng một được một doanh nghiệp giống lớn, có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Người như thế rất hiếm, xứng đáng anh hùng. Tỉnh Thái Bình sớm hoàn thành hồ sơ công nhận cho anh ấy”.
Những lời động viên đó khiến đôi mắt ông Báo ửng đỏ. Bởi trước đó, ông chưa bao giờ được nói chuyện trực tiếp và chia sẻ về đời tư, công việc chọn giống của mình với người đứng đầu Chính phủ. Kết thúc giờ làm việc buổi chiều, theo kế hoạch, Thủ tướng sẽ ăn tối cùng một số Bộ trưởng và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Riêng ông Trần Mạnh Báo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đặc cách” mời ngồi cùng bàn.
Thủ tướng vỗ vai tác giả giống lúa TBR225: “Các anh là những con người làm thật. Tôi rất thích những con người lăn vào cuộc sống, làm thật và làm thành công ở các doanh nghiệp. Các anh phải làm tốt hơn nữa, phát triển hơn nữa và tạo ra nhiều giống mới hơn nữa để nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Khi kể lại câu chuyện này, ông vẫn chưa vơi xúc động. Bởi, “một vị Thủ tướng mà hiểu được tâm tư của doanh nghiệp, đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao của tập thể lãnh đạo, người lao động Thaibinh Seed”, ông nói. 

 Chuyện đời, chuyện nghề

Ông có tuổi thơ khó nhọc khi sinh ra ở một xã biển nghèo và hiếm đất canh tác. Là con cả trong gia đình, dưới còn 9 đứa em, chuyện bữa đói bữa no, cơm độn khoai sắn không hiếm. Đói thế nhưng ông rất mê đọc sách, vớ được cuốn nào ngốn ngấu cuốn ấy.
Lớn lên ở thời chiến, 15 tuổi (khi đang học lớp 6), ông tình nguyện tham gia Đội dân quân tự vệ, trực tiếp cầm súng bắn lũ “giặc trời” ở khu vực cửa sông Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Học dở dang cấp III, ông nhập ngũ rồi Nam tiến về Hà Tiên (Kiên Giang).
Trong một trận càn, những cơn mưa đạn cối M79 của địch trút xuống, ông bị mảnh lựu đạn găm vào trán. Đó chỉ là một trong hàng chục lần đối mặt với cái chết trong gang tấc, nhưng chưa bao giờ ông có ý nghĩ thoái lui....

12-19-45_2.jpg
Hàng ngày ra đồng thăm lúa là sở thích của ông Trần Mạnh Báo  

Tự hào là người con của “quê hương 5 tấn” và yêu nghề nông từ nhỏ, ông muốn làm một cái gì đó cụ thể cho người nông dân. Thế nên, sau khi xuất ngũ, ông xin chuyển ngành về Ty Nông nghiệp tỉnh Thái Bình, nhận nhiệm vụ đi giao tinh lợn. Thời ấy chưa có khái niệm “kinh tế tri thức”.
Người lao động chân tay mới được coi là người làm ra của cải cho xã hội. Ông lại nghĩ khác. Nếu không học hành tử tế thì chẳng mấy chốc mình biến thành con hạc gỗ trong đình “Muốn bay không cất nổi mình mà bay”.
 Ở tuổi 26, cao lớn tộc ngộc, ông vẫn xin đi học với tụi học trò cấp III mới 14 tuổi, sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Ra trường, ở cái tuổi không còn trẻ ông bắt đầu lao vào nghiên cứu, chọn tạo những bộ giống lúa năng suất tốt, chất lượng cao.
Và từ đó đời ông gắn chặt với cây lúa. Ông cho đó là một cơ may.  Và, ông cũng là người đầu tiên “nã đạn” vào cơ chế quản lý trì trệ kiểu “làm chủ tập thể” ở đơn vị mình tại trại sản xuất giống Đông Cơ (Cty Giống cây trồng Thái Bình) với đề xuất làm thí điểm cơ chế “khoán sản phẩm đến người lao động” năm 1988. 
Chỉ sau 1 năm, sổ gạo của nhân viên trong trại tăng từ 13 kg/tháng lên 40kg gạo/tháng. Từ Đông Cơ, đề án khoán sản phẩm những năm sau được nhân rộng ra toàn công ty, rồi ngành Nông nghiệp Thái Bình. Cũng trong năm 1988, để chuẩn bị ra Nghị quyết “Khoán 10”, Bộ Chính trị đã cử đoàn cán bộ về Thái Bình để nghiên cứu. Từ một nhân viên “không số, không má”, ông đã tận lực phấn đấu trở thành người đứng đầu Cty Giống cây trồng Thái Bình.
Để kiến thiết một doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột chính “trí tuệ, công nghệ và quan hệ”, ngay từ những ngày đầu, ông quan tâm số 1 là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Có lần, ông mạnh dạn chi hẳn 500 triệu đồng để cử hai nhân viên đi học tại kinh nghiệm làm giống lúa lai, học tiếng Trung trong 6 tháng bên Tứ Xuyên (Trung Quốc). Nên nhớ, những năm ấy, đó là số tiền không nhỏ với một công ty giống lúa hàng tỉnh.
Đã có người trong công ty gửi đơn nặc danh lên Bí thư Tỉnh ủy Bùi Sĩ Tiếu, tố ông mới nhậm chức đã phóng tay, chi tiêu bạt mạng. May mà đồng chí Bí thư vốn cũng dân trồng trọt hiểu ra nên không những không "truy cứu trách nhiệm" mà còn ủng hộ.
Những năm qua, Thaibinh Seed đã dồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt là nhà máy chế biến, kỹ thuật bảo quản hạt giống theo tiêu chuẩn châu Âu; xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (diện tích 50 ha) và 1 phòng thử nghiệm Quốc gia mang mã số Vilas110. Và, sau 45 năm trưởng thành, phát triển, Thaibinh Seed dưới sự chèo lái của ông đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng; là thành viên Hiệp hội giống cây trồng Châu Á- Thái Bình Dương (APSA). Hiếm có vị giám đốc nào như ông, thương binh nặng, 66 tuổi rồi mà lúc nào cũng thích lội ruộng. Mỗi lần nói đến chuyện nghiên cứu giống lúa, mắt ông lại sáng lên: “Cậu cứ chờ đi, một thời gian ngắn nữa thôi, Thaibinh Seed sẽ tiếp tục “khai sinh” thêm nhiều giống lúa mới, thậm chí rất mới”.
Ông là Trần Mạnh Báo!
 Sau khi nghe ông báo cáo thành tích chọn tạo, sản xuất giống lúa, Thủ tướng nhận xét: Công ty Giống cây trồng Thái Bình làm được như vậy là rất tốt và cần phải mở rộng hoạt động hơn nữa, nâng số lượng giống cung cấp lên 20%, thậm chí 40% lượng giống trên toàn quốc và hướng tới xuất khẩu giống

Minh Phúc