(DĐDN)- anh Báo IMG_5556 copyĐầy lạc quan, ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT – TGĐ TCty giống cây trồng Thái Bình khẳng định: TSC xây dựng lại bộ nhận diện thương hiệu cho toàn hệ thống thay cho logo cũ đã từng được trả giá 10 tỷ đồng là “nước cờ” có chủ đích sẵn sàng cho cuộc chơi hội nhập.

Thành lập năm 1972, đến nay Thaibinh Seed sở hữu 10 giống bản quyền, trong đó có 8 giống được công nhận giống quốc gia. Hiện Thaibinh Seed có 15 chi nhánh, hơn 500 đại lý và đầu mối bán hàng khắp cả nước, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 20.000 tấn giống các loại. Thương hiệu giống của Cty đã có mặt ở một số thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh.

– Vì sao TSC lại quyết định bỏ ra số tiền lớn để thay đổi nhận diện thương hiệu khi thương hiệu cũ đã từng được định giá 10 tỷ đồng, thưa ông?

Tôi cho rằng, việc xây dựng thương hiệu của một Cty là vấn đề hết sức quan trọng. Logo cũ thời nay có lẽ tính hiện đại không còn vì nền kinh tế của Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng… Vì vậy, chúng tôi quyết định xây dựng lại nhận diện thương hiệu. Logo mới được kế thừa từ logo cũ, vẫn là hạt lúa nảy mầm nhưng nó lại được bàn tay nâng hạt mầm nảy lên. Điều này hàm ý rằng, trước đây chỉ là lúa thôi, bây giờ là giống cây trồng, hạt mầm của sự sống. Đó là sự khác biệt về yêu cầu, đòi hỏi sự phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập.

Thương hiệu mới của TCty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình là Thaibinh Seed và slogan mới của công ty là : “Niềm tự hào của nông dân Việt Nam”. Việc thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu mới cũng là cách để bảo vệ, phát triển hình ảnh thương hiệu của công ty hình thành trong nửa thế kỷ qua. Thương hiệu mới thể hiện sự kế thừa, đồng thời mở ra hướng đi mới với 3 mục tiêu: có tầm nhìn xa, năng động và rất gần gũi với bà con nông dân…
Chúng tôi bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng thương hiệu không phải là cuộc chơi mà xu thế hội nhập buộc DN như vậy.

– Câu chuyện logo cũ do chính tay ông vẽ từ năm 1988 có lẽ đến nay vẫn là vấn đề bàn luận sôi nổi của các đối tác. Ông có thể chia sẻ điều này?

Là một đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 1987 Cty đã bắt đầu đổi mới quản lý. Trước đó, tất cả các Cty giống bán hàng đều không có bao bì, được phân phối theo hệ thống của Ủy ban kế hoạch nhà nước của Sở nông nghiệp các tỉnh, thông qua các Cty giống phát cho nông dân, các hợp tác xã. Đến khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, DN phải tự bán hàng, tự tìm thị trường, vì vậy năm 1988, Cty bắt đầu xây dựng thương hiệu từ việc thiết kế logo cho đến các khâu trong quá trình sản xuất và phân phối. Logo Cty do chính tay tôi vẽ là logo đầu tiên có tính khác biệt rõ ràng của ngành giống cây trồng VN được đăng ký bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ từ năm 1989 cho đến nay. Chữ G với hình ảnh mầm lúa nhú lên có nhiều ý nghĩa : G cũng là giống, G cũng là vàng (Golden), những hạt giống Thái Bình đem lại những hạt vàng cho nông dân. Đem lại những mùa vàng – với những người làm lúa giống, đó cũng chính là cái đích của ngành nông nghiệp. Năm 1994, logo đó đã được lấy làm logo của Cty cho đến năm 2015.

– Thay đổi nhận diện, phải chăng chiến lược của TCty cũng có sự thay đổi, thưa ông?

Việc phát triển DN phải có một chiến lược rất rõ ràng về nhân sự tài chính, khoa học công nghệ về thiết bị, marketing, quản trị… còn việc thay đổi logo và nhận diện thương hiệu chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp của DN với mục tiêu phát triển. Định hướng của chúng tôi là phát triển thị trường toàn quốc và hướng ra nước ngoài. Nói xa hơn nữa, định hướng của chúng tôi không chỉ là giống lúa mà còn nhiều loại giống cây trồng khác liên quan đến nông nghiệp.
Có thể nói, chiến lược phát triển của Thaibinh Seed dựa trên ba trụ cột chính là xây dựng nguồn nhân lực, ứng dụng KHCN và mở rộng quan hệ hợp tác. Trong đó, KHCN chính là nền tảng, tiền đề để tiếp thu công nghệ, hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ hợp tác và huy động mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển.

Cụ thể, Thaibinh Seed dựa trên 5 lĩnh vực:
Thứ nhất là nghiên cứu khoa học. Ðây được coi là hướng mũi nhọn của Thaibinh Seed với kinh phí mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Năm 2002, Thai Binh Seed đã thành lập Phòng Nghiên cứu phát triển, năm 2007 thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vừa là nơi nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm giống mới, xây dựng quy trình canh tác vừa là nơi trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Thai Binh seed đã chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và DN. Ðặc biệt, Thaibinh Seed đã được công nhận 10 giống cây trồng quốc gia.

Thứ hai là sở hữu trí tuệ. Thaibinh Seed đã chủ động xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu. Thaibinh Seed đã đăng ký bảo hộ bản quyền di truyền 15 giống cây trồng mới tại Văn phòng Bảo hộ, Bộ NN&PTNT và hơn 30 nhãn hiệu sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Thứ ba là ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Thaibinh Seed đã lai tạo giống mới, chế biến, bảo quản và cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất…

Thứ tư là nâng cao chất lượng sản phẩm. Xác định chất lượng sản phẩm là uy tín, thương hiệu và là sự sống còn của DN, vì vậy, Thaibinh Seed luôn chú trọng sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất và là DN đầu tiên trong hệ thống giống cây trồng Việt Nam và Thái Bình có phòng thử nghiệm quốc gia.

Thứ năm là đào tạo và hội nhập. Ðể nhanh chóng tiếp thu được tiến bộ KHCN mới, Thaibinh Seed đã đồng thời tiến hành đổi mới nguồn nhân lực và thiết lập mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước. Thaibinh Seed đã hoàn thành tái cơ cấu và đào tạo lại nguồn nhân lực với 45% người lao động có trình độ đại học và trên đại học, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác để có cơ hội tiếp cận nguồn gen và giống mới của các nước trong khu vực và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của cả nước, kết hợp với đào tạo cán bộ. Thaibinh Seed hiện là thành viên Hiệp hội Giống châu Á – Thái Bình Dương (APSA) và có quan hệ với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các DN trong và ngoài nước.

– Xin cảm ơn ông!

Khắc Lãng