(QT) - Làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ, có lịch sử hình thành từ lâu đời cùng với quá trình di dân lập làng vào thế kỷ XIV, được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề truyền thống năm 2014. Mặc dù ở ngay vựa lúa của huyện Cam Lộ, nhưng do địa phương không sản xuất các loại gạo có đặc tính thích hợp làm bún, bánh, nên bao đời nay người làng bún Cẩm Thạch phải đi mua gạo ở các nơi khác về làm bún, vừa không chủ động được nguyên liệu, vừa tốn các chi phí phụ, giá cả lại bấp bênh. Để khắc phục tình trạng trên, từ vụ hè thu 2017, huyện Cam Lộ đã chỉ đạo HTX nông nghiệp Cam An đưa vào trồng thử nghiệm giống lúa TBR-1 thích hợp làm bún, cung cấp nguyên liệu cho làng nghề bún Cẩm Thạch, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Sản xuất bún ở làng nghề bún Cẩm Thạch, Cam An, Cam Lộ
Ông Võ Đình Du, một hộ làm bún ở thôn Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ, cho biết: “Nguyên liệu thích hợp để làm bún mà làng nghề Cẩm Thạch thường dùng từ trước đến nay là gạo Khang Dân và gạo VN10. Đặc tính của các loại gạo này là giá thành rẻ, tỷ lệ bột từ gạo cao. Nhưng qua thử nghiệm làm bún với gạo TBR-1 của một số hộ dân cho thấy tỷ lệ bột từ gạo, tỷ lệ bún từ bột và tỷ lệ bún từ gạo còn cao hơn so với gạo người dân thu mua về làm bún trước đây.
Vụ hè thu năm 2017 do thời tiết lúc gặt không thuận lợi, lúa phơi bị ẩm ướt nên chất lượng gạo chưa tốt lắm. Nếu vụ đông xuân năm 2018 này lúa phơi được nắng thì chất lượng gạo để làm bún còn tốt hơn. Có được vùng nguyên liệu ổn định do HTX ký kết thu mua để cung ứng gạo cho làng nghề làm bún sẽ giải quyết được tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa mất giá và ngược lại”.
Giống lúa TBR-1
Theo báo cáo kết quả thử nghiệm sản xuất lúa và làm bún từ giống lúa gạo TBR-1 của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lộ cho thấy, giống lúa TBR-1 phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất và sản lượng cao, đặc biệt là chất lượng gạo rất phù hợp để làm bún, bánh.
Kết quả thử nghiệm sản xuất bún từ gạo TBR-1 cho tỷ lệ bột cao hơn 17,3%, tỷ lệ bún từ bột cao hơn 6,25% và tỷ lệ bún từ gạo cao hơn 42,3% so với gạo người dân thường dùng làm bún trước đây. Về chất lượng bún tương đương với bún được làm từ các loại gạo khác người dân thường sử dụng. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Cam Lộ chỉ đạo xây dựng mô hình dịch vụ liên kết đầu vào sử dụng gạo TBR-1 của HTX nông nghiệp Cam An sản xuất riêng để chế biến bún trong thời gian tới.
Về hiệu quả của việc trồng thử nghiệm giống lúa TBR-1, ông Hà Văn Ba, Trưởng thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ cho biết: “Giống lúa TBR-1 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đợt bệnh lùn sọc đen gây hại trên diện rộng với các loại giống lúa khác nhưng lúa TBR-1 kháng bệnh. Năng suất của lúa TBR-1 cũng cao hơn.
Đồng lúa diện tích 10 ha của thôn Kim Đâu vốn là đất cát, chua phèn, từ trước đến nay người dân sản xuất lúa nhưng chưa có năm nào thu hoạch năng suất đạt quá 45 tạ/ha. Khi đưa giống lúa TBR-1 mua từ Thái Bình vào trồng thử nghiệm thì lúa sinh trưởng rất tốt, kiểm tra đánh giá năng suất rất cao, đạt 60 tạ/ha. Nếu được bao tiêu đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, thì nông dân rất mừng, sẽ chuyển sang trồng giống lúa này để cung ứng nguyên liệu cho làng nghề làm bún của xã”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Cam An, huyện Cam Lộ, cho hay: “Qua 2 vụ trồng thử nghiệm 10 ha giống lúa TBR-1 tại hai vùng đất khác nhau trên địa bàn xã Cam An có thể khẳng định giống lúa này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Quảng Trị, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao hơn các giống lúa khác. Kết quả thử nghiệm làm bún với gạo TBR-1 hiệu quả mang lại cũng rất tốt, phù hợp để làm bún, bánh ướt. Thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo HTX nông nghiệp Cam An nhân rộng phát triển diện tích lúa TBR-1 sản xuất riêng để làm bún, cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định cho làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch, để xây dựng thương hiệu Bún Sòng- Cam Lộ vốn nổi tiếng bấy lâu”.
Hiện nay làng nghề bún truyền thống Cẩm Thạch có 40 hộ chuyên sản xuất bún, bánh ướt, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3 tấn gạo, cho ra thị trường khoảng 6 tấn bún, doanh thu khoảng 60 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 112 lao động. Mô hình dịch vụ liên kết đầu vào sử dụng nguyên liệu gạo TBR-1 của HTX nông nghiệp Cam An chuyên sản xuất để cung cấp cho làng nghề bún truyền thống Cẩm Thạch mang lại “lợi ích kép”, vừa đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho làng nghề, vừa giải quyết được đầu ra ổn định cho nông dân trồng lúa, đồng thời sử dụng một loại gạo riêng để làm bún nhằm tạo ra đặc trưng của thương hiệu Bún Sòng- Cam Lộ.
Thanh Hải
BÁO QUẢNG TRỊ ĐIỆN TỬ