Nhiều năm qua, tỉnh Thái Bình là địa phương có năng suất lúa thuộc tốp đầu  các tỉnh phía bắc. Góp phần cho những thành công đó là việc hằng năm  có hàng chục đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp  được triển khai, ứng dụng tuyển chọn ra nhiều giống có giá trị kinh tế cao khi đưa vào sản xuất đại trà. Bằng cách làm đó, Thái Bình bước đầu hình thành những vùng sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa tập trung, đem lại thu nhập cho người trồng lúa từ 80 đến 90 triệu đồng/ha/năm.

Thoát nghèo từ trồng lúa giống

Nhiều năm trở lại đây, Thái Bình được biết đến là địa phương có năng suất cây trồng cao so với mặt bằng chung cả nước, mà cây lúa là chủ lực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng năng suất lúa, nhưng người Thái Bình đã tổng kết:"Tốt giống bội thu". Những năm 60 của thế kỷ trước, Thái Bình là tỉnh đầu tiên ở miền bắc đạt năng suất lúa năm tấn/ha/năm, sau đó liên tục tăng lên mức tám rồi 10 tấn/ha/năm. Trong giai đoạn đó, Thái Bình đã nêu cao khẩu hiệu: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Bài ca năm tấn dần trở thành"lạc hậu". Nối tiếp truyền thống sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua năng suất lúa của tỉnh bình quân đạt từ 12,5 đến 13 tấn/ha/năm, có nơi đạt 15 tấn/ha/năm.

Trước đây, Bình Ðịnh được xếp vào diện xã nghèo của huyện Kiến Xương. Thế nhưng, bốn năm trở lại đây, nhờ phát triển sản xuất lúa giống, người dân trong xã không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ vươn lên làm giàu. Cùng chúng tôi đi thăm những cánh đồng sản xuất lúa giống xanh mát mắt, Bí thư Ðảng ủy xã Bình Ðịnh Lê Xuân Hải tự hào: Cũng trên cánh đồng này, trước xã chủ yếu cấy  giống lúa khang dân, Q5... nhưng năng suất và giá bán luôn thấp. Từ năm 2009, xã ký hợp đồng sản xuất lúa giống với: Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) và Công ty Giống lúa Thành Tô (Hải Phòng). Qua đó, hằng năm người dân được cán bộ công ty về hướng dẫn kỹ thuật từ khâu gieo cấy đến khi thu hoạch, bảo quản nông sản. Với tổng số 565 ha đất sản xuất nông nghiệp, thì hơn nửa diện tích của xã hiện nay là giống lúa BC 15.

Gia đình chị Trần Thị Phin ở thôn Tân Ðông (Bình Ðịnh) có bảy sào lúa BC 15 nhưng ít khi bị sâu, bệnh, năng suất bình quân đạt hơn ba tạ/sào. Chị Phin cho biết: Ðây là giống lúa cấy được cả hai vụ, thích ứng rộng, có khả năng chống chọi tốt với thiên tai, dịch bệnh. Hơn nữa, giống lúa này còn cho chất lượng gạo ngon, cơm dẻo và khi bán cũng được giá cao. Vụ xuân vừa qua, các giống lúa thường có giá 4.700 đồng/kg thì giống lúa BC 15 có giá từ 8.200 đến 9.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi sào chị lãi khoảng hai triệu đồng. Vụ xuân 2012, xã Bình Ðịnh sản xuất được hơn 500 tấn lúa giống BC 15.

Ðến với huyện ven biển Tiền Hải (Thái Bình), chúng tôi đã thấy sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương khi đổi mới cơ cấu giống lúa. Ðây là vùng đất bị nhiễm chua, nhiễm mặn quanh năm, nhưng qua quá trình đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, Tiền Hải có tốc độ tăng năng suất lúa nhanh ở Thái Bình. Bí quyết dẫn đến sự đột phá trong thâm canh lúa được huyện đặt ở khâu giống. Anh Trần Văn Quyết ở thôn Hải Nhuận, xã Ðông Quý (Tiền Hải) so sánh: Nếu như trước gia đình cấy giống lúa thường, năng suất khoảng hơn một tạ/sào, thì mấy vụ gần đây khi xã, huyện có chủ trương thâm canh các giống lúa năng suất, chất lượng,  nhiều gia đình trong xã tham gia đời sống khấm khá hơn hẳn. Anh Quyết nhẩm tính, bình quân một sào BC 15 đạt hơn ba tạ, trừ chi phí có lời gần hai tạ thóc, khoảng 1,6 triệu đồng. Nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo! Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải Trần Minh Tiến chia sẻ: Nông dân huyện Tiền Hải không đắn đo việc mua giống đắt hay rẻ, quan trọng phải bảo đảm năng suất, chất lượng và có khả năng thích ứng rộng.

Thông qua việc đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, Thái Bình bước đầu hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô từ vài chục đến vài trăm ha. Ðiển hình là vùng lúa giống BC 15 với quy mô hàng nghìn ha tập trung ở các huyện: Quỳnh Phụ, Tiền Hải và Kiến Xương, giá trị thu hoạch đạt 80 đến 90 triệu đồng/ha/năm... Từ năm 2009, giống lúa TBR-1 và BC 15 do TSC sản xuất chiếm 69,7% tổng diện tích lúa gieo cấy của tỉnh. Vụ mùa 2010, riêng giống BC 15 chiếm khoảng 40 đến 50% diện tích, tương đương 32 đến 35 nghìn ha, năng suất luôn cao hơn các giống lúa khác từ 1 đến 2 tấn/ha, giá bán cũng cao hơn từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Riêng Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình trong mười năm đã chủ trì và tham gia thực hiện hơn 20 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và doanh nghiệp. Ðặc biệt, trong năm năm qua, TSC đã thực hiện hiệu quả nhiều đề tài về nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận bảy giống cây trồng quốc gia, điển hình là  giống BC 15 và TBR - 1. Trên những cánh đồng sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa hiệu quả, đến nay có hàng nghìn đoàn khách trong nước và quốc tế về Thái Bình tham quan và chia sẻ kinh nghiệm. Cần đầu tư thỏa đáng

Trao đổi  ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình Vũ Mạnh Hiền cho biết: Khoa học giúp nông nghiệp tăng thêm 32% giá trị, cho nên Thái Bình đang tích cực đưa Nghị quyết 02 - chuyên đề về xây dựng nông thôn mới vào cuộc sống. Trong đó khẳng định: Khoa học và công nghệ là"chìa khóa" để hướng nền nông nghiệp, nông thôn phát triển hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc tạo ra những giống cây trồng có khả năng thích nghi  sự biến đổi khí hậu và đạt được các tiêu chí như: năng suất, chất lượng, tăng vụ, sản xuất thành vùng... đối với tỉnh thuần nông như Thái Bình thật không đơn giản. Ðiều đó cần được tỉnh đầu tư thỏa đáng, làm kiên trì và có sự liên kết chặt chẽ giữa"bốn nhà" thì mới thành công. Thái Bình hiện có khoảng 83 nghìn ha lúa, riêng giống BC 15 chiếm khoảng 21% diện tích, qua đó sản xuất được hơn 10 nghìn tấn giống lúa BC 15, đem lại cho nông dân cả nước hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Trong chuyến công tác tại Thái Bình, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cũng nhận định: Những giống cây trồng tốt sẽ là điều kiện tiên quyết cho mùa bội thu. Thực tế, Thái Bình đã cung cấp giống tốt cho người dân trong tỉnh và đáp ứng nhu cầu về giống cho các địa phương khác. Ðể có đủ giống và giống tốt cho nông dân, được sự quan tâm của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ Ðan Mạch, TSC đã hoàn thiện việc xây dựng nhà máy chế biến hạt giống hiện đại đầu tiên tại Việt Nam theo công nghệ tiên tiến của châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức. Công tác quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung của Thái Bình vẫn còn manh mún, cho nên vừa khó thực hiện đồng bộ cơ giới hóa và phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vừa giảm hiệu quả khi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ðể nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, thời gian tới, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Thái Bình cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để chọn lọc, chọn tạo các giống lúa năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu, bệnh; tiếp thu ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp, tự động hóa quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại cây trồng. Áp dụng quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...

Theo nhandan.com.vn