Thành lập ngày 10.1.1972, Công ty Giống cây trồng Thái Bình (nay là Công ty cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình - Thaibinhseed) đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, liên tục phát triển và trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam hiện nay.

Đẩy mạnh hợp tác, luôn đi đầu trong quá trình đổi mới

Đi đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, Thaibinhseed là đơn vị đầu tiên xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và đăng ký tại Cục Sở hữu Nông nghiệp (năm 1989). Theo đó, công ty đã xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu giống thuần (giống lúa TBR-1). Sau khi Việt Nam gia nhập WTO,  Thaibinhseed là đơn vị đầu tiên thực hiện mua bản quyền giống lúa thuần (giống lúa BC15) làm tiền đề hình thành thị trường bản quyền giống cây trồng hiện nay.

thai-binh-seed-43-nam-1.jpg
Lễ khánh thành đường nông thôn mới tại xã Thái Thượng(Thái Thụy, Thái Bình) do Thaibinhseed tài trợ. Ảnh: Thanh Thảo

Trong vai trò vừa là nhà doanh nghiệp, vừa là nhà khoa học, Thaibinhseed đẩy mạnh hợp tác và nằm trong tốp đơn vị đi đầu thực hiện liên kết bốn nhà và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại Thái Bình. Với phương châm “hợp tác hai bên cùng có lợi’, Thaibinhseed chủ động đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã (HTX) có điều kiện sản xuất các giống cây trồng. Mỗi năm, công ty đem đến cho nông dân tại các HTX liên kết sản xuất giống giá trị gia tăng hàng chục tỷ đồng (năm 2012 là trên 30 tỷ đồng). Mỗi điểm liên kết sản xuất vừa là mô hình chuyển giao kỹ thuật canh tác, giống mới, vừa tiêu thụ nông sản cho nông dân (hiện nay trên cả nước có hơn 60 điểm sản xuất giống các loại, trong đó, riêng Thái Bình có 30 điểm).

Những năm qua, sự liên kết hợp tác giữa các HTX với công ty đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người nông dân, tạo cho các HTX có thêm khoản thu và đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Không chỉ hợp tác với nông dân trong nước, Thaibinhseed còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, lai tạo ra các giống cây trồng mới cho năng suất và chất lượng cao. Điển hình là sự hợp tác với Trường Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) chuyển giao giống lúa D ưu 527 – giống lúa lai đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.

Trong công cuộc thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Thaibinhseed không ngừng phấn đấu đổi mới, trở thành đơn vị đầu tiên thành lập trung tâm nghiên cứu sản phẩm mới trực thuộc doanh nghiệp trong ngành giống cây trồng ở Việt Nam. Trung tâm này đã thực hiện nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, chuyển giao nhiều giống cây trồng mới, được công nhận 8 giống quốc gia, góp phần tăng năng suất lúa, an ninh lương thực quốc gia, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại Thái Bình và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Sát cánh nông dân xây dựng nông thôn mới

5 năm hưởng ứng và sát cánh cùng nông dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thaibinhseed đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần vào hiệu quả thực hiện chương trình. Nổi bật trong đó phải kể đến những mô hình cánh đồng mẫu lớn mà công ty đã phối hợp nông dân Thái bình xây dựng phát triển. Cánh đồng mẫu lớn được đánh giá là mô hình phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả nhất trong các mô hình sản xuất hiện nay tại Thái Bình.

Tính từ năm 2009 đến 2014, Thaibinhseed đã xây dựng 467 mô hình trên cả nước. Riêng tại Thái Bình, công ty xây dựng 273 mô hình, trong đó có những mô hình quy mô diện tích lớn và hiệu quả cao như: Bình Định – Kiến Xương quy mô 300ha (đây là mô hình sản xuất lúa có quy mô lớn nhất tại miền bắc hiện nay); mô hình tại An Mỹ - Quỳnh Phụ, Thụy Ninh – Thái Thụy có quy mô trên 100ha. Tổng số diện tích trong mô hình là 24.254ha, bình quân 50ha/mô hình.

Để nâng cao hiệu quả các mô hình, công ty đã tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt hộ nông dân trong và ngoài mô hình liên kết sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong thời kỳ phát triển khoa học công nghệ. Đồng thời, công tác bao tiêu nông sản cho nông dân rất được công ty chú trọng (số lượng sản phẩm bao tiêu khoảng trên 74.000 tấn), đạt doanh số thu mua sản phẩm gần 200 tỷ đồng/năm.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn là kết quả của sự liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của Thaibinhseed với nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần lớn vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, lợi nhuận thu được từ các mô hình sản xuất giống đạt 28,3 triệu đồng/ha/vụ; lợi nhuận trong mô hình liên kết cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình (mô hình sản xuất giống lúa BC15): 15 triệu đồng/ha/vụ...

Trong tương lai, Thaibinhseed chủ trương tiếp tục sát cánh nông dân mở rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với các cánh đồng mẫu; xây dựng các “mô hình liên kết” trở thành phong trào, tạo vùng sản xuất nguyên liệu bền vững cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa... 


Theo danviet.vn