Cánh đồng Vọn tại xã Đông Minh (Đông Sơn) canh tác một giống lúa TBR 225 cho năng suất tới 7 tấn/ha. (Ảnh: Lê Đồng)
(THO) - Ít năm trở lại đây, ngành nông nghiệp tỉnh nhà thường khuyến cáo nông dân và các địa phương chỉ nên cơ cấu một đến hai giống lúa trên cùng một xứ đồng. Qua thực tế, việc gieo cấy càng ít giống lúa trên một cánh đồng sẽ cho năng suất cao hơn.

Trước đây, việc chọn giống lúa chưa được ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền chú trọng định hướng. Nông dân chọn giống lúa tùy theo sở thích, dẫn đến hiện tượng “loạn” giống lúa, có khi một khu đồng được gieo cấy cả chục giống lúa khác nhau. Mỗi một giống lại có thời gian sinh trưởng khác nhau nên thời điểm cấy, chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch... không đồng nhất. Ngay từ thời điểm gieo cấy, một số gia đình cấy trước Tết Nguyên đán, trong khi một số gia đình lại cấy các trà muộn sau Tết nên bị các ruộng đã cấy vây quanh, gây khó khăn cho việc cày bừa, điều tiết nước phù hợp... Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa sau đó, việc chăm bón cũng mỗi nhà một kiểu, đáng nói nhất là việc phun thuốc bảo vệ thực vật không cùng thời điểm (do phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của lúa) đã phát sinh hệ lụy. Một gia đình phun thuốc, các loại rầy nâu, côn trùng có hại bay sang những ruộng chưa được phun để trú ngụ, đến khi các ruộng còn lại được phun thì côn trùng lại bay về ruộng ban đầu, vô hình chung việc diệt côn trùng, sâu bọ không mấy hiệu quả. Việc chỉ đạo, khuyến cáo của bộ phận khuyến nông và chính quyền cơ sở đến nông dân trong cả quá trình chăm bón cũng gặp nhiều khó khăn bởi hiện thực muôn hình muôn vẻ trên đồng ruộng. 

Tại các cánh đồng chỉ canh tác một đến hai giống lúa, thời điểm cấy, giai đoạn lúa trổ bông, làm đòng và phơi màu trên các ruộng đều diễn ra gần như trùng thời điểm. Khi đó, hạt phấn được phát tán với mật độ cao nên việc thụ phấn của lúa đạt hiệu quả. Đến kỳ thu hoạch, các địa phương dễ dàng triển khai cơ giới hóa đồng loạt, dẫn đến giải phóng đất nhanh, đồng đều nên triển khai vụ tiếp theo nhanh gọn, kéo dài được thời gian cho vụ sau. Với nhiều xã, ưu điểm lớn nhất khi triển khai cánh đồng một lúa là hình thành được các vùng chuyên canh, chuyên môn hóa sản xuất một sản phẩm hàng hóa. Các công ty giống, các doanh nghiệp mua lúa thương phẩm cũng sẵn sàng thu mua đồng loạt với số lượng lớn nên việc tìm đầu ra cho hạt lúa của  nông dân cũng dễ dàng hơn nhiều.

Để ghi nhận những ưu điểm trên trong vụ thu hoạch lúa chiêm xuân 2015 – 2016 vừa diễn ra, chúng tôi đã đi khảo sát tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tại xã Quảng Đông (TP Thanh Hóa), ngay từ đầu vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Quảng Đông đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân, triển khai canh tác những cánh đồng gần như 100% lúa lai Thái Xuyên 111. Toàn xã có 334 ha lúa thì đã có 80% diện tích được nông dân đồng tình gieo cấy lúa Thái Xuyên 111 trên những cánh đồng đã được xã quy hoạch. Ông Nguyễn Duy Luyện, chủ nhiệm HTXDVNN Quảng Đông cho biết: “Chúng tôi phải thận trọng trồng khảo nghiệm 5 vụ vừa qua để lựa chọn giống lúa Thái Xuyên 111 cho nông dân canh tác thành vùng. Việc trồng tập trung một giống lúa cho nhiều ưu điểm, năng suất lúa đạt tới 7,5 tấn/ha, nhiều diện tích tới hơn 8 tấn/ha – cao nhất trong các giống lúa đã được canh tác tại xã từ trước đến nay”.  Nông dân Đặng Sỹ Khuyên ở thôn 11 cùng xã, chia sẻ: Ngay từ đầu vụ, gia đình tôi chỉ cần đăng ký số lượng giống, sau đó HTXDVNN của xã làm việc với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đưa giống về cung ứng tập trung, nông dân không lo thiếu giống hay mua phải giống trôi nổi kém chất lượng. Trước đây, chúng tôi sợ nhất là sâu bệnh, nhưng trồng một giống lúa đã hạn chế được điều này, giảm được chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Hiện, nông dân trong xã đã thấy được tác dụng của việc chỉ trồng một giống lúa trên một xứ đồng, đa phần đồng ý lựa chọn phương thức này trong những năm tới.

Cũng trong vụ chiêm xuân vừa qua, xã Đông Minh (Đông Sơn) triển khai canh tác 40 ha lúa thuần TBR 225 tập trung tại Đồng Vọn, thôn 4. Cánh đồng tập trung này được triển khai cày bừa, cấy và chăm bón theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ, máy móc thay thế gần như hoàn toàn sức người. Việc bón phân cũng được triển khai đồng loạt và cùng một loại phân theo định hướng của HTXDVNN Đông Minh. Sau hơn 100 ngày gieo cấy và chăm sóc, cánh đồng một lúa này đã cho thu hoạch với năng suất 7 tấn/ha. Cùng quan điểm với 40 hộ dân tham gia mô hình, nông dân Lê Thị Cúc ở thôn 4 cho biết: Sau khi tham gia mô hình, nông dân chúng tôi phấn khởi lắm, vừa giải phóng cơ bản được sức lao động, mà năng suất lúa lại cao. Chủ nhiệm HTXDVNN Đông Minh Lê Thanh Tường cũng khẳng định: Mới là vụ đầu tiên xã triển khai cánh đồng tập trung chỉ một giống lúa, song đã cho nhiều ưu điểm cần nhân rộng. Đây chính là điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phát triển nông nghiệp hàng hóa không chỉ với xã Đông Minh.

Vừa qua, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa cũng phối hợp với các địa phương để triển khai một số mô hình cánh đồng một giống lúa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các huyện trong tỉnh và đều cho năng suất cao. Hy vọng nông dân và chính quyền ở nhiều nơi xem xét, có thể triển khai ở địa phương mình.

  Lê Đồng