Vừa qua, Cty CP Giống cây trồng tỉnh Đồng Tháp phối hợp với TCty Giống cây trồng Thái Bình đã tổ chức hội thảo mô hình trình diễn giống lúa TBR 225 với sự tham gia của các đại biểu là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hợp tác xã và câu lạc bộ sản xuất giống trên địa bàn tỉnh.
Mô hình được trình diễn trên diện tích 3ha của anh Dương Thành Được ở ấp Nhì, xã An Phong, huyện Thanh Bình áp dụng phương thức cấy máy kết hợp mô hình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Lượng giống TBR 225 cho toàn diện tích là 150kg (5kg/1.000m2). Áp dụng các biện pháp canh tác như: cày, xới, phơi đất và đảm bảo tỷ lệ, mật độ, sự phát triển của các cây lúa tránh sự cạnh tranh sinh học....

 
 09-27-36_nh-1-nong-dn-thm-qun-mo-trinh-trinh-dien-giong-lu-tb-225
Nông dân tham quan điểm trình diễn của anh Dương Thành Được  
 
Anh Dương Thành Được cho biết, so với các giống truyền thống thì giống TBR 225 có ưu thế là năng suất cao, ít hao giống và chất lượng tốt. Nếu so với các loại giống trên thị trường thì năng suất cao hơn 500kg/ha và mức lợi nhuận cao hơn từ 20 - 30% so với các giống thông thường ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, do là giống mới nên cần tiến hành thử nghiệm trong nhiều vụ liên tiếp mới có thể đánh giá chung nhất cũng như hiệu quả sản xuất. Giống lúa TBR 225 do Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo có đặc tích thích nghi tốt với môi trường thổ nhưỡng, cho năng suất cao, cây nở nhiều bụi, dáng hình đẹp, cứng cây, bông to dài, hạt đóng kín, số lượng hạt trên bông từ 250 - 300 hạt, chiều dài bông trung bình 30cm, thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày…

Bên cạnh đó, việc sử dụng cân đối các loại phân bón phân hợp lý và quản lý tốt dịch bệnh làm giảm giá thành giúp nông dân tăng lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp cho biết thêm, mô hình làm điểm trình diễn để nông dân tham quan, tự đánh giá mức độ hiệu quả và tính tối ưu có thể phù hợp với nhu cầu sản xuất. Đồng thời phát huy ưu thế đạt được sẽ phát triển rộng khoảng 100ha ở các vụ sau và song song đó thực hiện liên kết với TCty Giống cây trồng Thái Bình để sản xuất lúa giống cung ứng ra miền Bắc.


09-27-36_nh-3-giong-lu-tb-225-duoc-nhieu-thi-truong-xk-chp-nhn
Gạo TBR 225 đang được thị trường ưa chuộng  

Qua quá trình thí nghiệm anh Được đã tiến hành so sánh với các ruộng lúa lân cận để có sự đánh giá chung nhất. Theo anh Được thì mô hình giảm được hơn 2/3 lượng giống so với sản xuất truyền thống, tỷ lệ sâu bệnh hại không nhiều do đảm bảo tỷ lệ và mật độ gieo trồng vừa phải. Không những thế, do cấy máy nên việc khử lẫn rất dễ dàng và thuận tiện.

Năng suất lúa của anh Được ước đạt khoảng 7 tấn/ha và được Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc, tiền thuê đất, mô hình của anh lợi nhuận thu về hơn 17 triệu đồng. Các ruộng lúa sản xuất bình thường chỉ thu lợi nhuận từ 9 - 10 triệu đồng.

Ông Trần Mạnh Báo, TGĐ Cty CP Giống cây trồng Thái Bình nhận định, so với các giống của địa phương thì TBR 225 có phần mới mẻ nhưng là giống có chất lượng tốt được Bộ NN-PTNN công nhận chính thức năm 2015. TBR 255 có nhiều đặc tính phù hợp ở khu vực ĐBSCL như:cứng cây, xanh lá, kháng một số sâu bệnh, năng suất cao và chất lượng hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc ứng dụng các loại giống có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay và đảm bảo được yêu cầu của thị trường xuất khẩu sẽ giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng thêm lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo....