VINAGRI News - “Hiện nhiều người vẫn quan niệm trồng lúa chỉ để lấy gạo ăn. Tuy nhiên, gạo có thể làm ra nhiều thứ khác như bột, miến, bánh kẹo… gạo để nấu cơm chỉ là một phần thôi”

Ông Trần Mạnh Báo – Tổng Giám đốc TSC đã nói như vậy về vấn đề giống lúa chất lượng và nhu cầu ăn ngon.

Chăm lo tới sở thích về ăn uống

Như vậy, với sản phẩm ngày càng đa dạng làm từ hạt gạo đòi hỏi các công ty giống phải nghiên cứu, sản xuất nhiều giống lúa, phù hợp với các mục đích sản xuất. Và TSC đang đi theo hướng đó. Theo ông Báo, khi sử dụng gạo làm bánh kẹo, bột, miến… thì giá trị của nó đem lại lớn hơn gạo ăn rất nhiều.

trong-lua-1.jpg
Giống lúa TBR45 do TSC sản xuất.

“Hơn nữa gạo ăn chỉ chiếm một lượng nhất định, chính vì vậy TSC đang tập trung vào nghiên cứu và sản xuất 2 dòng giống lúa chính là: Lúa năng suất cao (TBR-1 và TBR36) dùng cho chế biến và giống lúa chất lượng như BC15, TBR45. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra đời một số giống chất lượng và có nhiều ưu điểm hơn BC15”- ông Báo chia sẻ. Hiện TSC đã có tới 7 giống lúa được công nhận là giống quốc gia, trong đó có nhiều giống lúa lai, lúa thuần có chất lượng tốt, đảm bảo cả 3 yếu tố: “Năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” như BC15, TBR-1, TBR45, TBR36, Thái Xuyên 111…

Mặc dù thành công với giống lúa lai và lúa thuần như vậy, nhưng theo ông Báo, TSC chỉ sản xuất khoảng 30% giống lúa chất lượng, trong tổng số các giống lúa mà TSC sản xuất. Theo phân tích của ông Báo, mặc dù nhu cầu ăn của người dân đã thay đổi, họ đang chuyển dần từ ăn no mặc ấm, sang ăn ngon mặc đẹp, nhưng “cái ngon” còn phụ thuộc vào sở thích của mỗi người và tập quán tiêu dùng nữa.

“Ví dụ ở nhiều nước Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... người ta thích ăn gạo hạt tròn hơn, nhưng khi xuất khẩu ra thế giới, Thái Lan đã tự đặt ra tiêu chuẩn rằng “hạt gạo chất lượng cao thì chiều dài phải gấp 3 lần chiều rộng”, hay có người bảo BC15 không ngon bằng Bắc Thơm số 7, nhưng có người lại thích ăn BC15 hơn… nên khái niệm chất lượng chỉ là tương đối. Ngoài ra, gạo làm bánh kẹo, làm miến cũng đòi hỏi các yêu cầu khác nhau nên quan trọng là chất lượng gạo phải phù hợp” – ông Báo cho biết.

Giống lúa năng suất và giống chất lượng mỗi giống lại có những ưu điểm khác nhau. Nếu giống lúa chất lượng cao thường cho năng suất không cao và hay nhiễm sâu bệnh, ngược lại giống lúa cho năng suất cao thì chất lượng gạo thường không ngon và chống chịu sâu bệnh tốt hơn… Khi hỏi về định hướng của TSC trong thời gian tới, ông Báo bật mí: “TSC sẽ tập trung chính vào 2 dòng sản phẩm này, chứ không chỉ chạy theo số lượng”.

Không nên trợ giá cho giống đã có trong cơ cấu sản xuất

Theo các chuyên gia về giống cây trồng, hiện nay ở miền Bắc và miền Trung nước ta đang phải nhập khẩu rất nhiều giống lúa lai và các giống cây trồng khác. Tuy nhiên chưa có giống lúa nào được nhiều người dân lựa chọn như giống lúa BC15. Điều đó cho thấy chất lượng các giống lúa nhập ngoại cũng không nổi trội hơn các giống lúa nội, một số giống có phần “đuối” hơn.

Nhưng điều lạ là giá của các giống ngoại đang cao hơn rất nhiều so với các giống nội. Bên cạnh đó việc có quá nhiều công ty kinh doanh giống, nhưng lại không sản xuất được giống mà chủ yếu là lấy giống ở nơi khác rồi về đóng gói bán, nên chất lượng rất khó kiểm soát. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các công ty trực tiếp sản xuất giống ở trong nước cạnh tranh rất chật vật.

Theo ông Báo, cách tốt nhất để người dân có thể mua được giống với giá hợp lý và có thị trường lành mạnh thì nhà nước phải kiểm soát được giống nhập khẩu, kiểm soát được các doanh nghiệp sản xuất giống, thị trường, tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh… làm đẩy giá trị thực của giống lúa lên cao.

Khi chúng tôi hỏi, làm thế nào để có một mùa vàng bội thu, ông cười và bảo: “Trước đây thì “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng nay muốn có mùa vụ bội thu thì phải quan tâm đến ba biện pháp là: “Cơ cấu cây trồng - thời vụ và phương thức gieo cấy - tổ chức chỉ đạo và thực hiện của người dân”.

Theo Báo NTNN