Gạo của Việt Nam cần một tầm nhìn mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước và xuất khẩu để đem lại giá trị gia tăng, sản xuất bền vững. Và thương hiệu gạo của quê hương 5 tấn cũng không nằm ngoài tình hình chung đó, là bài toán nan giải đối với các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay.

Phụ nữ các địa phương trong tỉnh thi đua sản xuất ghi mốc son lịch sử về năng suất lúa ở miền Bắc năm 1966. Ảnh tư liệu

Tại hội nghị bàn về giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo của Việt Nam tổ chức đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, vẫn đất đai ấy, vẫn con người đó nhưng trước đổi mới dân ta thiếu đói nghiêm trọng; sau đổi mới nhờ một loạt chính sách quan trọng nên đến nay đã bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh gạo của Việt Nam còn thấp, chủ yếu xuất vào thị trường dễ tính, chất lượng gạo chưa đồng đều, hầu như chưa có thương hiệu và bị gạo nước ngoài lấn át ngay thị trường trong nước. Do đó, gạo của Việt Nam cần một tầm nhìn mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước và xuất khẩu để đem lại giá trị gia tăng, sản xuất bền vững. Và thương hiệu gạo của quê hương 5 tấn cũng không nằm ngoài tình hình chung đó, là bài toán nan giải đối với các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay.

Kỳ 1: Chị hai 5 tấn

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Thái Bình luôn khẳng định được là một trong những tỉnh đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Trên mặt trận sản xuất, Thái Bình là tỉnh đầu tiên (năm 1966) ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha được Bác Hồ gửi thư và về thăm khen ngợi.

Nông dân Tây Đô (Hưng Hà) vui được mùa.

Nhắc tới thành tích đó, ký ức của những “chị hai 5 tấn” năm xưa ở các HTX Tân Phong, Vũ Thắng, Quảng Nạp… lại ùa về. Trong lúc những thanh niên trai tráng đang hừng hực khí thế xung trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thì những cô gái mười tám đôi mươi ở các địa phương trong tỉnh lại hăng hái thi đua trên mặt trận sản xuất để cung ứng đủ, kịp thời lương thực cho tiền tuyến. Những lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Mận, nguyên Đội trưởng Đội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung, xã Vũ Vân (huyện Vũ Tiên, nay là huyện Vũ Thư), bà Phạm Thị Mùi, nguyên Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong, xã Việt Hùng (huyện Thư Trì, nay là huyện Vũ Thư)… về các phong trào thi đua sản xuất để đạt mục tiêu 5 tấn/ha như đang diễn ra trước mắt. Năm 1966, Ủy ban Hành chính tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2 năm (1966 - 1967) với chỉ tiêu chính là đạt 5 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực 493.770 tấn. Theo đó, khâu thủy lợi được xác định là bước đột phá để bảo đảm năng suất lúa, sản lượng như kế hoạch đã đề ra. Các HTX, đội thủy lợi trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo khơi dậy tinh thần lao động hăng say của từng tập thể, cá nhân, không quản ngại ngày đêm đào đắp sông, kênh mương, bờ vùng, bờ thửa sớm hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất trồng trọt. Với tinh thần “thắng Mỹ trên mặt trận thủy lợi”, để phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất của các huyện phía Nam, tỉnh đã phát động nhân dân đào đắp sông Kiến Giang, chỉ trong một tháng đã huy động được hơn 10.000 nhân công của 9 huyện, khối lượng đào đắp 350.000m3 với đoạn sông dài 6.000m… bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Cùng với làm thủy lợi, các HTX và nhân dân trong tỉnh tăng cường phân bón, cấy đúng lịch thời vụ, ương thả bèo dâu làm phân để phủ kín hết diện tích cấy. Các giống lúa mới được đưa vào gieo cấy nhằm chống được bệnh vàng lụi như Quyết tâm 813, Khê nam lùn, Chiến thắng… với gần 990 tấn giống/vụ mùa. Các biện pháp kỹ thuật, các phong trào thi đua cũng được triển khai sâu rộng tới các HTX, bà con nông dân như “3 sào, 5 việc” là nhận cấy thí điểm ruộng cao sản 3 sào và làm tốt 5 việc đúng kỹ thuật, bảo đảm đạt năng suất cao (làm đất, cấy, chăm bón, nước, chống sâu bệnh)…

Với những nỗ lực quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và sự hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua của các HTX, nông dân, nhất là những sáng kiến, vào cuộc tích cực của những “chị hai” như cấy ngửa tay, cắt cỏ, nhặt lá cây ủ làm phân, phụ nữ đi cày… đã góp phần làm lên “Bài ca năm tấn” năm 1966. Thái Bình đạt 5 tấn/ha đã ghi dấu mốc son đầu tiên trong lịch sử về năng suất lúa ở miền Bắc và âm hưởng về “chị hai 5 tấn quê ở Thái Bình” vẫn vang mãi trong ngành Nông nghiệp của cả nước nói chung, trong tỉnh nói riêng.
 

  • Bảng vàng 5 tấn ở miền Bắc năm 1966:
- 1 tỉnh (Thái Bình)
  • Bảng vàng 5 tấn của Thái Bình năm 1966:
- 10 huyện, thị: Phụ Dực, Tiên Hưng, Đông Quan, Vũ Tiên, Thư Trì, Quỳnh Côi, Thụy Anh, Duyên Hà, Kiến Xương, thị xã Thái Bình
- 162 xã và 410 HTX đạt 5 tấn trở lên
- 16 xã và 27 HTX đạt 6 tấn trở lên
- 2 HTX đạt 7 tấn trở lên (Quảng Nạp - Thụy Anh và Tân Phong - Thư Trì)
+ Năng suất lúa của Thái Bình năm sau tăng cao hơn năm trước: năm 1965 bình quân là 4,5 tấn/ha, năm 1966 là 5 tấn/ha, năm 1967 là 5,5 tấn/ha
+ Thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước: năm 1965 là 80.768 tấn, năm 1966 là 84.749 tấn, năm 1967 là 101.758 tấn

 

 
Bà Nguyễn Thị Mận, Anh hùng Lao động, nguyên Đội trưởng Đội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư)
 
Quyết tâm thực hiện mục tiêu đạt 5 tấn thóc/ha, toàn tỉnh đã tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, điều chỉnh lại diện tích, cây trồng hợp lý cho từng HTX. Được bầu làm Đội trưởng Đội thủy lợi năm 1965, khi mới 18 tuổi, xác định thủy lợi là khâu quan trọng để nâng cao năng suất và sản lượng, thực hiện tưới, tiêu chủ động kết hợp với giải phóng đôi vai, sau khi được tỉnh cho đi tham quan công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, tôi đã về họp chị em, đề xuất với địa phương chuyển từ dùng mai đào đất sang dùng kéo cắt. Đồng thời tận dụng gỗ của địa phương đóng 10 xe ba gác, 15 xe cút kít để chở đất thay cho gồng gánh, dùng gỗ ván để đẩy đất. Nhờ áp dụng công cụ cải tiến vào sản xuất đã giúp năng suất lao động tăng từ 300 - 400% nhưng lại giảm 70% sức lao động, đôi vai được giải phóng. Sau đó, các đội thủy lợi trong tỉnh đồng loạt phát động phong trào thi đua học và làm theo Đội thủy lợi chuyên trách 202  Quang Trung, tích cực đào sông, đắp đê, khơi đìa phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn/ha năm 1966.
 

Bà Phạm Thị Mùi, nguyên Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư)
 
Ngày ấy, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, phương tiện phục vụ sản xuất còn thô sơ, chủ yếu đều làm thủ công. Để thực hiện mục tiêu đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, năm 1965, HTX Tân Phong thành lập Đội khoa học kỹ thuật để nhân rộng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng phục vụ sản xuất. Trong điều kiện thời chiến, nam giới lên đường bảo vệ Tổ quốc, sản xuất ở hậu phương hầu như do chị em đảm nhận. Tuy vất vả vì vừa sản xuất vừa trực chiến nhưng khí thế lao động, sản xuất rất sôi nổi. Bên cạnh việc học tập kỹ thuật mới như cấy lúa ngửa tay, cấy thẳng hàng chăng dây… chị em trong Đội còn đi cắt cỏ, nhặt lá cây ủ làm phân. Tôi cùng một số chị em còn mang cơm nắm sang huyện Hải Hậu, tỉnh  Nam Định nhặt bèo hoa dâu về nuôi, nhân ra toàn HTX và bán cho các HTX lân cận để ủ làm phân bón. Nhờ nỗ lực của tập thể xã viên, trong đó có thành viên Đội khoa học kỹ thuật, Tân Phong là một trong những HTX đầu tiên trong tỉnh và toàn miền Bắc đạt năng suất lúa trên 5 tấn/ha.
 

Bà Phạm Thị Tý, nguyên thành viên Đội khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong, Hội trưởng Hội phụ nữ xã giai đoạn 1962 - 1968 (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư)
 
Vừa là thành viên Đội khoa học kỹ thuật, vừa là Hội trưởng Hội phụ nữ xã, ngoài sản xuất, chọn tạo giống lúa mới, để nâng cao năng suất lúa, tôi phát động chị em tạo nguồn phân hữu cơ từ cỏ, bèo, bùn để cải tạo đất; đi các nơi để nhặt phân trâu, bò bón ruộng. Qua các phong trào: “3 đảm đang”, “phụ nữ đi cày”, “phụ nữ đi cấy”, “một người làm việc bằng hai”… các chị em hăng hái thi đua lao động. Ban ngày lấy bùn ở các ao, sông đổ lên đường, chờ đến khi khô đem trộn với phân để bón cho từng gốc lúa; ban đêm, chị em trong đội còn nhặt từng viên đất cày xếp thành từng hàng để được ải, khi đất khô trắng lại san ra ruộng.

(Còn nữa)

Nguyên Bình - Lưu Ngần

Báo điện tử Thái Bình