Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm.

Kỳ 3: Lời thề độc của “Báo giống”

Trong một số hội nghị của tỉnh, của ngành Nông nghiệp và Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) về lĩnh vực trồng trọt, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed phát biểu khẳng định: “Nếu không xây dựng được thương hiệu gạo cho Thái Bình, tôi chết không nhắm mắt”. Ai cũng bảo ông thề độc, “chém gió”, bởi xây dựng thương hiệu gạo là cả một quá trình dài, cần sự vào cuộc tích cực của nhiều ngành, địa phương và nông dân… nên điều ông Báo nói khó thành hiện thực. Song những gì “Báo giống” thề xây dựng bằng được thương hiệu gạo Thái Bình đến nay đã thành hiện thực. Sản phẩm gạo của ThaiBinh Seed được sản xuất khép kín từ giống lúa, kỹ thuật sản xuất, chế biến đến đóng gói sản phẩm với thương hiệu gạo Niêu vàng đang được người tiêu dùng biết đến và tin dùng.

“Liều” từ tâm

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chua mặn xã Thái Thượng (Thái Thụy), tuổi thơ của ông Báo gắn liền với những bữa đói nhiều hơn bữa no. Đồng ruộng chua mặn nên lúa thường xuyên mất mùa, chứng kiến cảnh nông dân thiếu thóc, gạo, chạy ăn từng bữa, ước có một bữa cơm no không chỉ riêng ông mà là tình cảnh chung của nông dân lúc bấy giờ. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, học hành, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Trần Mạnh Báo đã gác bút nghiên lên đường tòng quân đánh Mỹ để góp sức bảo vệ quê hương, đất nước. Trong những trận quyết chiến với quân giặc, ông Trần Mạnh Báo đã bị thương nặng. Trở về quê hương mang trên mình vết thương của chiến tranh, học hành dang dở, cái đói nghèo lại bủa vây ông. Sinh ra và lớn lên ở quê hương 5 tấn, tại sao nông dân lại không đủ gạo ăn? Câu hỏi đó càng thôi thúc ông phải học hành, phải đem kiến thức áp dụng vào đồng ruộng để tăng năng suất cây trồng, góp phần giúp nông dân được “ăn no, mặc ấm”. Trần Mạnh Báo lao vào đèn sách, rồi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp để thực hiện điều trăn trở của mình. 

Năm 1987, ông Báo công tác tại Trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ (Tiền Hải). Đây là cơ hội để ông áp dụng kiến thức học được ở trường và thực hiện những điều trăn trở với đồng ruộng để góp phần giúp nông dân có cuộc sống ấm no. Khi xuống Trại giống nhìn cảnh kho tàng tan hoang (do bão năm 1986 tàn phá), công nhân thiếu việc làm, bao khó khăn chồng chất đã thử thách ngay từ khi ông đặt chân về. Ông đã cùng anh em công nhân dọn dẹp, sửa chữa lại kho tàng, chỗ ở và tổ chức lại sản xuất. Điều trăn trở nhất với ông là Thái Bình ghi mốc son lịch sử đạt 5 tấn thóc đầu tiên ở miền Bắc (năm 1966) nhưng ở Trại giống lúc đó năng suất vẫn thấp, không ổn định. Phải đổi mới, phải “liều” dựa trên cách làm riêng, bằng trí tuệ, sự sáng tạo… chứ không phải làm bừa mà ông Báo đã thực hiện tại Trại giống. 

Với những kiến thức đã học được trên trường lớp, cùng với nghiên cứu tài liệu, ròng rã suốt 5 tháng cuối cùng ông Trần Mạnh Báo cũng hoàn thành đề án về khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động. Khi đề án hoàn thành cũng là lúc áp lực lớn đè lên vai người thương binh, có nhiều ý kiến phản đối, có ý kiến còn nói không khéo bị kiểm điểm. Nhưng ông Báo bảo, mình có làm gì sai đâu mà sợ, làm vì cái tâm, vì mục tiêu tăng năng suất lúa, nâng cao thu nhập cho người lao động, có lợi cho công nhân, nông dân thì mình làm, không vụ lợi cá nhân. Thế rồi đề án được triển khai thực hiện, vụ xuân năm 1988, vụ khoán đầu tiên năng suất đạt cao, sản lượng tăng 20 - 30% so với sản xuất trước đó. Vụ lúa đầu thành công ai cũng mừng và Trại giống tiếp tục có những bước đột phá mới từ việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, khoán sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất… Lúc đó, sự chuyển mình của Trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ do ông Báo khởi xướng góp phần làm chuyển biến hệ thống nông nghiệp quốc doanh theo cơ chế này.

Hóa giải lời thề

Sau những thành công bước đầu ở Trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ, năm 1994, ông Báo chuyển về công tác tại Công ty Giống lúa Thái Bình (nay là Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình - ThaiBinh Seed). Đây được coi là bước ngoặt lớn đối với ông, bởi công việc vẫn gắn với cây lúa song là cánh cửa lớn mở ra để ông cống hiến trí tuệ, sự sáng tạo, điều hành Công ty đưa đến những thành công vang dội - thương hiệu lúa giống Thái Bình.

Ông Trần Mạnh Báo cho biết: Muốn doanh nghiệp tồn tại, phát triển thì phải có thương hiệu, trước hết là thương hiệu sản phẩm, đến thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia. Để làm được điều này, những năm qua ThaiBinh Seed luôn đi đầu về đổi mới trong ngành giống cây trồng Việt Nam. Điển hình như về khoán sản phẩm đến người lao động, bán lẻ giống cây trồng đến tận tay nông dân, xây dựng thương hiệu đầu tiên trong ngành giống cây trồng, nhượng quyền và bảo vệ thành công thương hiệu giống lúa thuần (TBR-1) làm tiền đề hình thành thị trường bản quyền giống cây trồng hiện nay… 

Với sự nỗ lực không mệt mỏi của ThaiBinh Seed, đến nay đã nghiên cứu thành công bộ giống mới với 11 giống bản quyền được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia. Có thể khẳng định thương hiệu giống lúa của Thái Bình do ThaiBinh Seed xây dựng đến nay đã được ngành Nông nghiệp và nông dân cả nước biết đến. Hàng năm, ThaiBinh Seed cung ứng cho bà con nông dân cả nước hơn 22.000 tấn giống cây trồng, trong đó chủ lực là các giống lúa năng suất, chất lượng cao.

Thành công trong xây dựng thương hiệu giống lúa Thái Bình nhưng gần 14 năm qua ông Báo vẫn luôn “đau đầu” đi tìm lời giải: tại sao quê lúa lại chưa có thương hiệu gạo? Câu hỏi đó khiến ông phải thề độc, phải quyết tâm… và đáp án do ông tìm ra giống lúa để xây dựng thương hiệu gạo Niêu vàng đã thành công bước đầu.

 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định (Kiến Xương)
 
Tham gia liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình từ năm 2008, Công ty TNHH Hưng Cúc từ năm 2015, xã Bình Định có trên 50% diện tích gieo cấy có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Không chỉ tạo thuận lợi cho HTX trong chỉ đạo, điều hành, liên kết sản xuất có đầu ra ổn định giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập từ 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất tự do. Người dân cũng mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh lúa. Bình Định là một trong số ít những địa phương triển khai mô hình sản xuất lúa theo VietGAP qua đó thay đổi quan điểm, nhận thức của người dân trong canh tác lúa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn với người sử dụng và môi trường là tiền đề để xây dựng thương hiệu gạo.
 

 

Ông Phạm Văn Khiên, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thái Thành (Thái Thụy)

 
Để nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm, xã Thái Thành thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu lúa với diện tích trên 100ha, chủ yếu là giống lúa BC15. Tham gia liên kết, người nông dân được hưởng lợi nhiều. Không chỉ được hưởng những chính sách ưu đãi như ứng trước giống, phân bón bảo đảm về chất lượng, còn được hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, nhiều đơn vị thu mua thóc tươi giúp nông dân không lo ép giá, không mất công phơi, bảo quản sau thu hoạch. Từ những thành công bước đầu, chúng tôi đang hướng đến xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa, gạo khép kín với các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu gạo.
 
 

Bà Hoàng Thị Thắm, thôn Hòa Bình, xã Bình Định (Kiến Xương)
 
Gia đình tôi tham gia liên kết sản xuất lúa với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình từ nhiều năm nay. Được Công ty tập huấn về kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất từ gieo mạ đến chăm sóc, bón phân, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch… áp dụng vào sản xuất rất hiệu quả, lúa ít sâu bệnh, tăng năng suất mà chi phí đầu tư cho sản xuất lại giảm. Nông dân chúng tôi rất mong Công ty xây dựng được thương hiệu gạo từ những giống lúa phù hợp với canh tác của địa phương để sản phẩm lúa gạo sản xuất ra có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con.

(còn nữa)

Nguyên Bình - Lưu Ngần