Tháng trước gặp nhau, ông bảo: Hôm nào cuốn tự truyện của tôi in xong tôi sẽ tặng anh đọc để hiểu thêm về tôi”. Là người luôn giữ lời hứa nên khi cuốn tự truyện vừa ra, ông đã gửi tặng tôi. “Đối thoại với cánh đồng” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Ông là Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.

tu-truyen-1.jpg
Ông Trần Mạnh Báo (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra giống lúa do Công ty chọn tạo.

Cầm cuốn sách về nhà, tôi đọc một mạch gần 500 trang. Đúng như lời giới thiệu của cuốn sách: Tuy là kể về cuộc đời mình, về người thân, đồng đội, bạn bè và những năm tháng chiến tranh ác liệt cũng như phải vật lộn chống lại nghèo đói, lạc hậu để vượt lên số phận nhưng với 500 trang sách, với ngồn ngộn các chi tiết sống động, bạn đọc thêm một lần hiểu về mảnh đất Thái Bình... Sinh ra trong một gia đình gia giáo nhưng luôn bị cái nghèo, cái đói đeo đẳng, Trần Mạnh Báo hiểu hơn ai hết nỗi cơ hàn của người nông dân, một nắng hai sương, vắt kiệt sức trên cánh đồng mà vẫn không đủ cơm ăn. Nỗi đau này còn bám theo ông suốt những năm tháng thoát ly.

“Đối thoại với cánh đồng” gồm 10 chương: Tuổi thơ; Người lính; Đồng đội; Về với cánh đồng; Gánh nặng; Hành trình “bốn biển năm châu”; Tìm trong di sản; Chuyện nhà; Bạn bè; Nhìn lại và suy ngẫm. Càng đọc, càng bị cuốn vào giọng kể vừa nhẹ nhàng, vừa da diết. Mỗi chương là một thước phim quay chậm về cuộc đời ông. Chương 1 chỉ có 33 trang nhưng đã khái quát cuộc đời đầy lam lũ, vất vả, cực nhọc của Trần Mạnh Báo. Quả thực, biết ông đã lâu, nhiều lần nói chuyện với nhau nhưng lần này đọc tự truyện tôi mới hiểu về ông. Tôi cùng thế hệ với ông, cũng từng nếm trải nhọc nhằn giống ông nên đọc đến trang nào, dòng nào tôi lại thấy như có bóng dáng mình trong đó. Trần Mạnh Báo là người có trí nhớ tốt, cũng có thể do nỗi cực khổ đã hằn sâu trong ông nên câu chuyện cứ thế tuôn chảy. Chương 2 kể về 7 năm trong quân ngũ với biết bao kỷ niệm và những mất mát, hy sinh của đồng đội mà ông từng chứng kiến. Gần 60 trang sách hẳn là không thể kể hết được những tháng năm gian khổ mà ông đã đi qua. Ngày 3/4/1974, ông ra Bắc, về Đoàn An dưỡng 51 để rồi bước vào lối rẽ khác. Chương 3  dành 26 trang để nói về tình đồng đội. Đọc xong, càng hiểu Trần Mạnh Báo là người sống có tình, có nghĩa biết nhường nào. Tuy nhiên, Chương 4: Về với cánh đồng vẫn là chương hấp dẫn nhất, là nấc thang đầu đời  trong sự nghiệp của ông. Thời điểm này, chính ông là người dám vượt qua dư luận để xé rào, mở lối cho một sự đổi mới: Công ty Giống cây trồng Thái Bình là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công trung tâm nghiên cứu và phòng thử nghiệm quốc gia, đồng thời đi đầu trong việc xóa bỏ chế độ bán hàng theo kế hoạch, tổ chức hệ thống bán lẻ giống cây trồng đến tận tay nông dân, đi đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, đi đầu trong việc hợp tác với đối tác nước ngoài để chuyển giao giống vào Việt Nam. Công ty cũng là đơn vị đi đầu thực hiện chương trình liên kết “4 nhà”, đơn vị đầu tiên thực hiện cấp I hóa giống lúa trong toàn tỉnh Thái Bình và tiên phong thực hiện công nghiệp hóa giống cây trồng ở Việt Nam. Công ty cũng là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh. Ở chương này, Trần Mạnh Báo tự sự tất cả suy nghĩ và tâm huyết của mình trong việc đưa một doanh nghiệp từ chỗ ít ai biết đến một thương hiệu gắn liền với sự lớn mạnh nhanh chóng của Công ty. Ông viết: Quyền được tự chủ trong sản xuất, quyền được hưởng thành quả đúng với công sức của mình đã bỏ ra trên đồng ruộng của người lao động là hoàn toàn chính đáng, là xu thế tất yếu của xã hội. Chỉ có đi theo con đường ấy chứ không còn con đường nào khác. Còn nếu cứ chấm công kiểu gọng vó, cào bằng thì chúng ta chỉ ngày càng lụn bại. Từ ý chí ấy, cấp trên đã đồng ý cho làm thử việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh ở Trạm giống Đông Cơ. Nhờ vậy, năm 1992, Trạm giống Đông Cơ trở thành đơn vị dẫn đầu ngành Nông nghiệp, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, tấm huân chương đầu tiên của Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Từ thành công này, Trần Mạnh Báo rút ra chân lý: Cái mới không phải lúc nào cũng được ủng hộ, mà trái lại. Nhiều khi, việc giải quyết mâu thuẫn mới - cũ còn khó hơn việc giải quyết vấn đề trên chiến trường. Các cụ ta vẫn nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, sau Chương 5: Gánh nặng, Trần Mạnh Báo dành cả Chương 6 cho cuộc hành trình bốn biển năm châu. Những chuyến đi này ông gặt hái được nhiều điều. Ông kể, thăm một số vùng chuyên canh của nước ngoài, được biết hàng trăm năm nay nông dân vẫn chỉ trồng một thứ cây đó mà không bao giờ bị ế, không bao giờ gặp cảnh “được mùa, rớt giá” tôi càng xót xa khi nhìn về nước mình, thảm cảnh nông dân đổ bỏ dưa hấu, thanh long, cà chua... Rồi ông kết luận: Không thể đổ lỗi cho chiến tranh vì chiến tranh đã đi qua 40 năm. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị chiến tranh tàn phá nhưng họ đã vươn lên. Con đường duy nhất phải đi là “thay máu” tư duy, cải cách triệt để, tái cơ cấu triệt để, tạo bước đột phá để “thay máu” nền kinh tế... Là người có tư duy đổi mới nhưng cũng là người biết kế thừa truyền thống, vì lẽ đó, ông đã dành Chương 7 để nói về “Tìm trong di sản”. Ông viết: Đã từ lâu, trong tôi luôn có hai điều trăn trở: thứ nhất, đã là người làm giống ở Thái Bình thì phải xây dựng được thương hiệu cho giống lúa Thái Bình và từ thương hiệu giống lúa phải tạo ra được thương hiệu cho gạo Thái Bình, chỉ có làm được thế mới phần nào trả được ơn cho quê hương. Cuộc cách mạng về giống lúa đã đưa đến việc Thái Bình từ 5 tấn thóc/ha lên 7 tấn rồi 12 tấn thóc/ha. Ông cũng là người dám bỏ ra 200 triệu đồng để mua bản quyền vật liệu BC15, sau đó bộ giống này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là bộ giống quốc gia. Trong tự truyện, Trần Mạnh Báo cũng kể về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thế nào, chuyện ông đào tạo nguồn nhân lực ra sao. Nhưng tôi thích nhất chuyện Trần Mạnh Báo “chiêu hiền, đãi sĩ”, mạnh dạn đưa những chuyên gia giỏi về giúp Công ty. Hiện tại đang có một số người nghỉ hưu được mời ra giúp ông một số lĩnh vực.

Ông dành hai chương để tự sự về chuyện nhà và bạn bè. Ngoài công việc quản lý doanh  nghiệp, nghiên cứu giống lúa, hợp tác với các đối tác và cả chuyện đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt của thương trường..., đây là khoảng lặng của cuộc đời ông. Nhưng chính ở đó ông lại có nhiều suy tư, cả sự dằn vặt. Sống như ông cũng là nặng nghĩa, nặng tình lắm rồi. Ông là người con hiếu nghĩa với cha mẹ, trách nhiệm với vợ con, anh em, bạn bè, đồng chí, đồng đội... Vậy mà ông vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm chưa làm tròn bổn phận.

Đọc hết 500 trang sách, tôi mới hiểu đôi chút về ông. Lâu nay, tôi chỉ nghĩ Trần Mạnh Báo là người đam mê công việc và cũng rất hiếm tìm được người say sưa với giống lúa như ông, trách nhiệm với nông dân như ông. Tôi bỗng nhận ra ông là người cũng rất giỏi văn chương, chữ nghĩa. Ông thuộc rất nhiều giai thoại, nhớ rất nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc, nhất là Tam quốc diễn nghĩa, biết ngoại ngữ và cũng biết sống sao cho ra sống. Cụ thân sinh của Trần Mạnh Báo định đặt tên con là Hổ, vì sinh năm Dần. Nhưng thấy tên Hổ không hay nên mới đặt là Báo. Cụ mong con trai mình sống mạnh mẽ nên lấy đệm là Mạnh - Trần Mạnh Báo là như thế.

Theo Báo Công Thương