Những ngày này, về xã Đông Quý (Tiền Hải), trên khắp cánh đồng được bao phủ một màu vàng óng của lúa xuân trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Bông lúa trĩu hạt minh chứng cho 17 năm qua địa phương đã thành công trong việc liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất lúa giống, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Nông dân Đông Quý khử lẫn lúa giống.
 
Là xã thuần nông, diện tích đất canh tác lúa của Đông Quý hơn 280ha, trong đó diện tích sản xuất lúa giống thường duy trì trên 80%. Những năm đầu, với sự quyết tâm chuyển đổi cơ cấu giống, giúp nông dân thâm canh, nâng cao năng suất, thu nhập, chính quyền địa phương đã tìm hiểu, tổ chức tham quan tại một số doanh nghiệp để sớm tìm ra hướng đi hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương. 

Nhờ có hướng đi đúng trong việc liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Đông Quý đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, là “chìa khóa” mở ra cho tiêu thụ sản phẩm lúa của địa phương. 17 năm qua, nông dân Đông Quý đã trở thành người đồng hành truyền thống của Công ty. Hiệu quả của việc liên kết được khẳng định qua thực tế, trong đó nâng cao khâu tổ chức sản xuất bảo đảm lịch cơ cấu thời vụ, chỉ đạo trong quá trình sản xuất cũng như thu hoạch đại trà đều được thực hiện đúng quy trình, hạn chế sâu bệnh gây hại. Từ những người nông dân thuần túy đã trở thành người công nhân sản xuất nông nghiệp, có kinh nghiệm thâm canh lúa. Sau thời gian tham gia liên kết, bà con nông dân nhận ra sản xuất lúa giống đem lại nhiều lợi ích như thường xuyên được tập huấn khoa học kỹ thuật, năng suất ổn định, không phải lo đầu ra sản phẩm, lợi nhuận cao. Nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo còn vươn lên làm giàu từ sản xuất lúa giống, mỗi năm bán cho Công ty từ 10 - 12 tấn thóc giống với giá từ 11.000 - 14.000 đồng/kg. Hàng năm, Đông Quý xuất bán cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình khoảng 800 - 1.000 tấn thóc giống Bắc thơm số 7 bảo đảm chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Tại cánh đồng thôn Hải Nhuận - nơi được quy vùng riêng để sản xuất lúa giống chúng tôi bắt gặp nét mặt vui tươi của mỗi người nông dân bên ruộng lúa đang vào thời kỳ thu hoạch. 

Chị Ngô Thị Dung cho biết: Gia đình tôi cấy lúa giống cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đã nhiều năm nay. Đầu ra sản phẩm được Công ty bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với giá trị thóc thương phẩm cùng loại tại thời điểm thu mua nên nông dân chúng tôi không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn được sử dụng lúa giống gốc chất lượng tốt để sản xuất. Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy 2 mẫu, hiện nay lúa phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch. 

Cùng niềm vui chung, ông Vũ Ngọc Oai cho biết: Gia đình sản xuất lúa giống đã thực hiện đúng quy trình từ khâu gieo mạ, chăm sóc đến khâu thu hoạch để bảo đảm chất lượng lúa giống đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng của Công ty. Các cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình luôn tận tình xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân chăm sóc, thu hoạch lúa và cam kết chặt chẽ hơn với nông dân trong khâu tiêu thụ. Sản xuất lúa giống ở Đông Quý là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết “4 nhà”, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Quý
 
Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về những mặt được của liên kết sản xuất lúa giống, nông dân trong xã đăng ký tham gia sản xuất lúa giống nhiều hơn. HTX làm cầu nối ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình bảo đảm đầu ra ổn định; thường xuyên tổ chức tập huấn quy trình sản xuất đến tận địa bàn thôn. Mỗi vụ sản xuất HTX đều tổ chức thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến từ khâu giống, làm đất, bón phân, theo dõi chăm sóc phòng, trừ sâu bệnh và quản lý khâu thu hoạch.

Ông Ngô Văn Mạnh, thôn Hải Nhuận, xã Đông Quý
 
Những năm trước đây, nông dân địa phương với những thửa ruộng lúa manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thông tin thị trường hạn chế nên sản phẩm làm ra luôn bị ép giá, thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Từ khi liên kết sản xuất lúa giống cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình sản phẩm của nông dân chúng tôi đã có đầu ra ổn định, thu nhập cao hơn cấy lúa thường. Đây là hướng đi đúng của địa phương về công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp.
Bà Vũ Thị Hoa, thôn Hải Nhuận, xã Đông Quý
 
Với 6 sào cấy lúa giống mỗi vụ tôi đạt thu nhập trên 11 triệu đồng. Liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình là hướng đi có hiệu quả để chúng tôi phát triển mạnh kinh tế hộ, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập của người nông dân. Thời gian tới, mong rằng chính quyền tích cực phối hợp chặt chẽ với Công ty tạo điều kiện cho nông dân thường xuyên được tiếp thu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Mạnh Thắng
Báo Thái Bình