Hướng dẫn sử dụng giống lúa Thái Xuyên 111
27/10/2015
1. Nguồn gốc: Thái xuyên 111 là giống lúa lai 3 dòng, sản phẩm hợp tác giữa Công ty TNHH NN Công nghệ cao - Trường ĐHNN Tứ Xuyên Trung Quốc với Công ty CP Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình, được Bộ NN&PTNT công nhận là giống Quốc gia năm 2010.
Công ty CP Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình đề nghị công nhận và là đơn vị duy nhất được ủy quyền phân phối tại Việt Nam.
2. Đặc điểm chủ yếu.
-Thái xuyên 111 là giống lúa lai tốt nhất trong tập đoàn các giống lúa lai đang gieo cấy ở Việt Nam, có năng suất cao, chất lượng gạo ngon.
-Thời gian sinh trưởng: Ở Miền Bắc vụ Xuân 130 - 140 ngày, vụ Mùa 105 - 110 ngày.
-Sinh trưởng phát triển khoẻ, cứng cây. Lá đứng, bản lá trung bình, xanh bền.
-Chịu thâm canh cao, kháng đạo ôn, nhiễm bạc lá nhẹ.
-Năng suất trung bình đạt 70 - 80 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 90 - 100 tạ/ha.
-Hạt gạo trong, cơm mềm, dẻo, ngon và có mùi thơm nhẹ.
3. Chân đất: Thích hợp trên chân đất vàn, vàn thấp.
4. Phương pháp ngâm ủ.
Trước khi ngâm phơi lại thóc giống dưới nắng nhẹ trong 2 giờ để tăng khả năng nẩy mầm.
- Xử lý hạt giống: Dùng gói thuốc Cường lục tinh của Trung Quốc (có sẵn trong gói thóc giống) để xử lý.
-Cách pha thuốc: 1 gói thuốc Cường lục tinh (2 gam) pha với 2 - 2,5 lít nước sạch, dùng cho 1 kg thóc giống.
-Cách xử lý: Trước hết ngâm thóc giống trong dung dịch thuốc đã pha nói trên trong khoảng 6-8 giờ, sau đó rửa sạch hạt giống và ngâm tiếp trong nước sạch khoảng 10 - 12 giờ. Khi hạt thóc hút đủ nước (nhìn thấy rõ phôi trắng của hạt thóc) đãi sạch, để ráo nước rồi đem ủ.
-Cách ủ: Vụ xuân ủ ấm ngay từ đầu (khi thóc chưa nứt nanh) ở nhiệt độ 35 – 400C. Trong quá trình ủ, phải kiểm tra, nếu hạt thóc khô phải tưới thêm nước. Khi thóc đã nứt nanh phải nhanh chóng đảo nhẹ, rải mỏng (hạ nhiệt độ xuống khoảng 250C). Khi hạt thóc ra mộng và rễ đều, mộng mập khô ráo, đem gieo. Gieo đều và chìm mộng. Vụ Xuân nếu gặp rét (nhiệt độ dưới 150C) dùng nilon trắng che cho mạ.
Lưu ý: Dùng chậu, thùng để ngâm thóc. Không được dùng bao xác rắn, bao nilon để ngâm ủ.
5. Kỹ thuật canh tác:
5.1 Thời vụ và mật độ gieo cấy.
5.1.1 Ở các tỉnh Miền Bắc:
Vụ Xuân gieo 01 - 10/2, cấy khi mạ đạt 3 - 3,5 lá (mạ nền), 4,0 - 4,5 lá (mạ dược). Mật độ cấy 35 - 40 khóm/m2, cấy 1- 2 dảnh/ khóm.
5.1.2 Ở các tỉnh Bắc Trung bộ:
Vụ Xuân gieo 10 - 15/1, cấy khi mạ đạt 3 - 3,5 lá (mạ nền), 4,0 - 4,5 lá (mạ dược). Mật độ cấy 35- 40 khóm / m2 ,1- 2 dảnh/khóm.
5.1.3 Ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp địa phương.
5.2 Phân bón: Để đạt năng suất cao cần bón phân cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, bón tập trung và khuyến cáo sử dụng phân bón NPK tổng hợp chuyên dùng cho lúa, lượng bón và cách bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bón bổ sung 80-100 kg Kaliclorua/ha giai đoạn cuối đẻ nhánh để hạn chế sâu bệnh.
5.3 Tưới nước: Điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa.
5.4 Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương.