Nhân dip kỉ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, xin chia sẻ trính đoạn trong ghi chép “TRỞ LẠI PARIS SAU 20 NĂM” của mình trong chuyến đi Parris vừa qua. Mời các bạn xem nhé!
 

Nước Pháp

Nước Pháp trong kí ức tuổi thơ của Tôi không có gì tốt đẹp mà đó là những điều ghê sợ về chết chóc do chiến tranh gây ra qua những câu chuyện của thế hệ cha ông kể lại. Đó là cái hố bom ở giữa làng sau này trở thành cái ao nước cho cả xóm dùng chung.

Đó là trận càn Méc-Quya vào quê Tôi làm ông bà, cha mẹ Tôi phải gánh anh em Tôi chạy loạn và bà Tôi đã làm rơi em tôi ở cái giếng đình. Đó là những bài học lịch sử về nạn đói năm 1945 làm hàng triệu người chết đói. Trong đó có ông bà ngoại Tôi chết cách nhau 7 ngày.

Đó là Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy giải phóng Điện Biên Phủ và bắt sống Tướng Đờ-cát-tờ-ri...

Đó là hình ảnh ông chú Tôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ trở về với cái áo Chấn thủ và cái mũ buộc những miếng dù nhỏ ngụy trang bọc cái mũ tre đi thăm họ hàng hãnh diện là chiễn sĩ Điện Biên. Còn Chúng tôi mấy thằng cháu chạy theo chú cũng “hãnh diện ăn theo” với lũ trẻ cùng xóm.

Khi lớn lên đi học Chúng tôi hiểu về chiến tranh Đông Dương và sự xâm lược, đô hộ của Thực dân Pháp gần một trăm năm trên đất nước ta.

Lịch sử đã khép lại, quan hệ Việt - Pháp đã có nhiều thay đổi từ thù địch trở thành bạn bè, đối tác. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, thế hệ Chúng tôi ngày đêm trông mong chờ đợi tin vui đến từ Paris thủ đô nước Cộng Hòa Pháp.




Đó là Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết ngày 27.1.1973. Nếu hiệp định được ký kết ngày 26.10.1972 như thỏa thuận ban đầu tại hội nghị Paris thì có lẽ đã không có B52 Mỹ ném bom Hà Nội và có lẽ tôi cũng không bị thương.

Vậy là đã tròn 20 năm kể từ lần đầu Tôi đến Paris. Mỗi lần đến Paris với những mục đích khác nhau và cảm nhận cũng có khác nhau.

Lần đầu Tôi đến Paris trong một chuyến đi học ở Đan-Mạch đó là ngày 17.4.1999. Đến Paris đối với Chúng tôi lúc đó là điều hoàn toàn bất ngờ. Chỉ đến khi máy bay lượn trên bầu trời thủ đô nước Pháp qua cửa máy bay tôi nhìn thấy tháp Eiffel mới biết đã đến Paris. Cảm giác lúc đó thật đặc biệt, vừa tự hào vừa xúc động. Tuy nhiên chuyến đi đó cũng chỉ xảy ra ngắn ngủi vì chúng tôi phải đi Copenhagen để học.

Năm 2010 là lần thứ hai đến Paris một trải nghiệm thú vị. Chúng tôi có ba ngày khám phá Paris và nước Pháp. Thăm bảo tàng Nghệ thuật Louvre, tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, đi thuyền trên Sông Seine, nghiên cứu trồng Nho và làm rượu vang ở Bóc-Đô. Một thương hiệu rượu vang nổi tiếng thế giới. Với những hầm rượu nằm sâu trong lòng đất tới cả trăm mét và rượu được bảo quản cả chục năm.

Năm 2012 đi nghiên cứu Nông nghiệp ở Canada và năm 2014 đi Đan Mạch nghiên cứu thiết bị chế biến hạt giống tôi có đến Paris nhưng chỉ đi qua thôi.

Lần này sang Paris dự “Diễn đàn người Việt Nam có tầm ảnh hưởng toàn cầu” với tư cách là một diễn giả. Diễn đàn do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và “Hội Khoa học và chuyên gia toàn cầu” tổ chức được bảo trợ của Bộ ngoại giao Việt Nam, tôi có cơ hội khám phá Paris một lần nữa. Trong chuyến đi này tôi cũng được sự giúp đỡ của Nhà thương hiệu nổi tiếng Nguyễn Đức Sơn Chủ tịch Học viện thương hiệu Plato, Giám đốc điều hành của Cty tư vấn và xây dựng thương hiệu Richard Moore Associates-một Diễn giả quan trọng của Diễn đàn, Nguyễn Tùng Manager tại Mac Event và Ben Caramen Giám đốc Ben Media. Chuyến đi kéo dài 10 ngày. Trừ hai ngày đi về và hai ngày dự diễn đàn (30-31.4) Tôi có 6 ngày tìm hiểu thêm về Paris và nước Pháp.

Đó là những danh lam thắng cảnh, văn hoá, ẩm thực và nông thôn Pháp. Những lần trước Tôi đã đến thăm tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, bảo tàng nghệ thuật, du thuyền trên sông Seine... Nên lần này chúng tôi đến những nơi có những đặc sản ẩm thực và nông thôn Pháp.

Cafe De La Paix


Nhà hàng Cà phê có tên CAFE DE LA PAIX. Quán cà phê này đã có hàng trăm năm và nổi tiếng không chỉ ở Pháp mà cả thế giới biết tên. Bởi vị trí của nó ngay trước nhà hát OPERA ở trung tâm Paris và có rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đã từng đến đây ngồi uống cà phê hàng trăm năm trước.



Trong đó có nhà văn Vitor Hugo, một nhà văn lớn của thế giới. Ông là tác giả bộ sách “Những người khốn khổ”. Một tác phẩm từ nhỏ Tôi đã được đọc, chính tác phẩm của Ông đã là nguồn động lực cho biết bao tâm hồn tuổi trẻ trên trái đất này.

Hôm nay được ngồi ở nơi Ông đã ngồi uống cà phê hồi tưởng kỉ niềm về Ông và “Những người khốn khổ” của Ông lại nhớ một câu chuyện khi con trai Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng học ở nước ngoài gửi thư về xin tiền, Thủ Tướng đã gửi tặng con tác phẩm “Những người khốn khổ” mà không gửi tiền cho con. Một bài học của lãnh tụ giáo dục con cái như vậy. Đáng để chúng ta suy ngẫm.

 

Thăm đồi Mông-Mác. 


Đây là nơi hội tụ của giới tinh hoa nghệ thuật Pháp. Trên con đường nhỏ lát gạch cổ kính là hàng trăm giá vẽ với hàng ngàn bức hoạ. Một khung cảnh Tôi chưa bao giờ thấy về hội hoạ.

Đến đây Tôi lại nhớ ông Bạn nối khố làm hội hoạ, Hoạ sĩ Đỗ Như Điềm. Ước gì bạn Tôi được tham gia những nơi như thế này. Nơi đây còn có Thánh đường Sắc-Co. Một nhà thờ cổ lâu đời của Paris. Đứng trước cửa nhà thờ chúng ta có thể nhìn toàn cảnh Paris từ trên cao và tháp Effeil bên phải!

Thăm làng cổ và Bảo tàng MONET


Ngày 02.4.2019 Chúng tôi đi thăm một ngôi làng cổ cách Paris khoảng 45' tàu hoả. Làng Giverni nơi có ngôi nhà của Hoạ sĩ lừng danh MONET. Chuyện kể lại ngày trước Hoạ sĩ Monet qua đây thấy phong cảnh đẹp nên những năm cuối đời Ông đã về đây ở và sáng tác.
 

Tran-Manh-Bao-tai-Phap-102.jpg

Khu làng bây giờ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Pháp. Từ ga Trung tâm Paris sau 40' tàu đến ga Giverni. Chúng tôi chuyển sang một chuyến tàu "Cổ" như kiểu tàu điện ngày trước ở Hà Nội. Khi tàu chuyển bánh một điệu nhạc nổi lên nghe thật quyến rũ. Có lẽ đó là một điệu dân ca Pháp hoặc Châu Âu. Tôi bèn ghi hình lại một đoạn phim về phong cảnh nơi đây dưới nền bản nhạc đó. Sau 20' Chúng tôi đến một ngôi làng dưới chân một dãy núi thật hấp dẫn và mộng mơ.

Nét cổ kính hoang sơ mà hiện đại thật hữu tình. Đến đây vào mùa xuân chúng ta sẽ cảm nhận được một không khí trong lành, phong cảnh thật lãng mạn, nên thơ. Rất nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc và những loài hoa nở muộn cây vẫn chưa đâm chồi. Trên thảm cỏ xanh mướt đã có nhiều loài hoa vàng, trắng điểm xuyến như một tấm thảm trải dài từ cánh đồng dưới chân đồi lên lưng chừng núi như quyễn rũ du khách. Tôi thầm nghĩ bao giờ ở Việt Nam có những “ngôi làng du lịch” như thế này được sinh ra từ phong trào “Nông Thôn Mới”?

Vào thăm bảo tàng Monet, đây là một ngôi nhà cổ mà Monet đã sống và sáng tác cuối đời. Tất cả các phòng trong căn nhà còn ghi lại dấu ấn và một cuộc sống giản dị của Hoa Sĩ thiên tài Monet. Các tác phẩm nghệ thuật của Ông được treo kín các bức tường trong nhà. Đặc biệt khu vườn trước của nhà mới thật đẹp theo hai phong cách Châu Âu và Nhật Bản đối nghịch nhau. Nhưng mang tính nghệ thuật rất cao. Không một ai đến đây mà không hết lời ca ngợi khu vườn có một không hai này.

Thăm khu du lịch sinh thái nghệ thuật Giveerni trong Tôi thầm nghĩ bao giờ ở Việt Nam có được những khu làng như thế này. Trong xã hội hiện đại mà những giá trị văn hoá cổ truyền vẫn giữ nguyên vẹn và không ngừng được nâng cao. Tôi sực nhớ về một bến phà “cổ” ở Mỹ mà đúng một năm trước Tôi đến thăm. Mới thấy trong xã hội hiện đại người ta luôn gìn giữ những gía trị văn hóa để minh chứng cho những giá trị mà con người đã sống và tồn tại ở một nơi nào đó.

 

Hải sản Bồ Đào Nha.


Trong tâm trí của Tôi Bồ Đào Nha không mấy sâu đậm ngoài danh thủ Ronaldo. Vì vậy ẩm thực thì tôi nghĩ sẽ rất khó ăn. Khi chúng tôi đến cửa hàng thì không được vào ngay như các nhà hàng trên thế giới mà Tôi đã đến.

Khi Tôi mở cửa vào thì thấy một băng vải màu đỏ (như kiểu ở sân bay) chắn lối vào sau cửa. Một cô nhân viên mặc trang phục trắng đỏ khoảng gần 30 tuổi, xinh xắn và tầm thước như người Châu Á giơ bàn tay lên hỏi "năm người à"? Có lẽ cô nghĩ chúng tôi không biết tiếng Pháp và tiếng Bồ nên giơ 5 ngón tay ra để làm hiệu. Tôi hơi bất ngờ vì cứ nghĩ rằng đã đặt bàn và đoàn có bốn người thôi chứ không phải năm. Đức Sơn nói sau lưng Tôi như để giải thích "có bạn của Tùng nữa".

 

Tran-Manh-Bao-tai-Phap-44.jpg


Lúc đó Tùng vừa đến. Cô nhân viên hỏi "sao có bốn người"? Tùng trả lời có một người đến muộn mấy phút. Cô nhân viên nói ra ngoài nhà hàng chờ, đủ người mới được vào. Tất cả mọi ngươi đều ngỡ ngàng. Đức Sơn thốt nên "sao lại vậy nhỉ"? Chúng tôi mở cửa ra ngoài.

Tôi nghĩ: trời mưa, lạnh mà nhà hàng không cho khách vào thì lạ thật. Văn hoá bán hàng Bồ Đào Nha chăng? Mọi người ra ngoài còn Tùng ở lại ra sau. Một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi, dáng vẻ nhanh nhẹn đi từ trong nhà ra. Không biết Tùng nói gì với ông ta mà ông ta mở cái dây vải chắn cửa cho chúng tôi vào. Khi ngồi vào bàn một lát người đàn ông đến hỏi thực đơn. Mọi người bàn nhau gọi hải sản. Khoảng 20' thì thức ăn đưa ra một cái đĩa bằng cái mâm nhỏ đủ cả tôm, cá, mực, cua kiểu như hấp, hai xiên tôm nướng và hai xiên thịt bò nướng to đùng cùng một bát tô lớn cháo sò.

Tất cả đều đã tra đủ gia vị, ăn ngon nhưng hơi đậm. Mr Hà là một chuyên gia về tổ chức sự kiện, bạn của Tùng là một nghiên cứu sinh đến từ TP HCM sang đây học được hơn bốn năm và đang làm báo cáo tốt nghiệp tiến sĩ. Hà nói về việc làm tiễn sĩ ở đây rất khó, thường thì từ 4,5-5,5 năm mới xong. Báo cáo lần đầu thường bị trượt khoảng 70%.

Chính Hà là người tư vấn cho chúng tôi đến nhà hàng này. Vì món ăn ngon và rẻ. Một mâm hải sản như vậy khoảng hơn 100 EUR. Năm người Chúng tôi cố ăn mãi cũng chỉ hết 3/4 thức ăn. 20:00 Chúng tôi chia tay Hà về khách sạn xếp hành lý để sáng hôm sau check out sớm.

Đến Paris là ước mơ của nhiều người trên thế giới. Bởi Paris được ca ngợi như Thủ đô ánh sáng của thế giới. Paris hào hoa và ở Paris cái gì cũng đẹp, cũng thơ mộng. Đến Paris được coi là một vinh dự, một sự hãnh diện v.v...

Thế nhưng đến Paris bây giờ còn có một điều hơi buồn nữa mà ai cũng nên biết. “Đến đây các anh cẩn thận, tiền, Hộ chiếu và những thứ quý giá phải để túi trong áo khoác và không ra đường một mình vào tối khuya”. Người lái xe căn dặn khi Chúng tôi trên xe từ sân bay Sắc-Đờ-Gôn về thành phố. Lần trước tôi chứng kiến một chị trong đoàn bị mất ví khi thăm viện bảo tàng Nghệ thuật Louvre. Còn lần này phóng viên VTV24 của truyền hình Việt Nam bị giật mất máy quay ngay trên đường phố gần tháp Eiffel giữa ban ngày.

 

Trở về
03.4.2019


Hôm nay là ngày cuối cùng trong chuyến đi này trên đất Pháp. 6:00 đoàn đi Thụy Sĩ ra ga tàu. Ben sang chào chia tay Tôi. Tiễn các bạn ra thang máy

Tôi trở về phòng kiểm tra hành lý một lần nữa rồi ngồi đọc tin tức. 7:10 Tôi đi ăn sáng, gọi một ly cà phê và một món trong cái thực đơn toàn tiếng Pháp. Gọi hú hoạ thôi chứ có biết tiếng Pháp nó là cái gì đâu. Tôi nói với nhân viên nhà hàng là Tôi không ăn trứng. Một lát sau họ đưa ra hai cái bánh mì kẹp thịt và bơ to tướng.

Tôi cố ăn cũng chỉ hết nửa cái. Ăn sáng xong về khách sạn gọi điện cho Hùng. Hùng nói tắc đường nên hơn 9:00 mới đến đón Tôi được. Như vậy sẽ chậm hơn giờ hẹn 30'. Vì Tôi đi một mình nên hôm trước Vân Anh (Vân Anh là đại biểu đến từ Hà Lan làm du lịch nên có quan hệ và dịch vụ trên toàn Châu Âu) giới thiệu nhờ Hùng đưa Tôi ra sân bay giúp. Hùng là người Hà Đông sang đây được 4 năm, bây giờ ở đây làm du lịch. Tôi hỏi có về VN nữa không?




Hùng trả lời chắc là không về ở Việt Nam nữa mà chỉ về thăm thôi vì bố mẹ, anh em còn ở Việt Nam. Hùng có vợ là người Hiệp Hoà, Vũ Thư và cháu gái 10 tuổi.

8:55 Tôi trả phòng xuống lễ tân thì Hùng cũng đã đón Tôi ở cửa khách sạn. Chúng tôi đến sân bay Sắc-Đờ-Gôn mất 55'. Hùng xuống hầm đỗ xe EF nhà ga E2 rồi chúng tôi lên cửa làm thủ tục của Vietnam Airline. Sau khi gửi hành lý và lấy thẻ lên tàu bay Tôi chia tay Hùng rồi vào cửa kiểm tra an ninh và xuất cảnh.

Vì Tôi được ưu tiên nên chỉ mất 30' đã xong mọi thủ tục sân bay. Tôi đi lang thang tìm đúng cửa ra máy bay rồi tìm phòng thương gia nghỉ ăn trưa chờ đến giờ ra máy bay.

14:24 máy bay lấy đà cất cánh bay lên bầu trời rời thủ đô nước Cộng Hoà Pháp bay về Hà Nội kết thúc chuyến đi 9 ngày trên đất Pháp. Tạm biệt Cộng hoà Pháp - Một đất nước nhiều duyên nợ với Tổ quốc Tôi. Khi Tôi sinh ra quân viễn chinh Pháp đang tràn đầy quê hương Tôi.

Không ai có thể tin bây giờ Tôi lại đếnThủ đô nước Pháp để thuyết trình về “Niềm tự hào của Nông dân Việt Nam” tại một diễn đàn của người Việt trên toàn cầu.

Đúng như thông báo trên thẻ lên tàu 6:30 ngày 04.04.2019 máy bay hạ cánh xuống đường băng sân bay Nội Bài kết thúc một chuyến bay hơn 11 giờ liền. Một chuyến bay kết thúc chuyến công tác 10 ngày tại Công hòa Pháp./.