Trong cuộc đời mỗi người có bao nhiêu dòng sông đã đi qua. Tuổi thơ ai không nhớ “Con sông quê hương” và đi “nửa đời phiêu bạt tôi lại về úp mặt” vào dòng sông ấy. Còn tôi có một dòng sông không phải là dòng sông quê hương nhưng đã để lại những kỉ niệm sâu nặng và mỗi lần quay lại thì cảm xúc nỗi buồn vẫn trào dâng.
Đêm ngày mồng 2 tháng 5 năm 1972 là lần đầu tiên tôi qua dòng sông này. Và lần thứ tư tôi qua dòng sông này là mùa xuân 1973 cũng vào những ngày sau tết Âm lịch (khi tôi đã bị thương). Trên mặt sông đối phương đã xả dầu thải của nhà máy xi măng Kiến Lương xuống mặt nước để chống bộ đội vượt sông vào Hà Tiên. Thật sự kinh khủng khi bơi qua dòng sông đầy dầu luyn như vậy.
Trong cuộc đời chiến chinh của mình có bao nhiêu con sông tôi đã qua từ Bắc vào Nam. Những con sông lớn như Sông Hồng, Sông Lam, Sông Gianh, Sông Hiền Lương, Sông Mê Kông, sông Tiền, Sông Hậu... Trong chiến tranh mỗi lần vượt sông là một lần hiểm nguy. Nhưng chúng tôi còn đi bằng những con Phà ở miền Bắc và những con thuyền nhỏ ở miền Nam. Mặc dù rất nguy hiểm nhưng trên thuyền còn có đồng đội và sẵn sàng chấp nhận cái chết nếu Tàu của đối phương phát hiện ra.
Còn khi vượt qua con sông này không lớn nên phải tự bơi. Khi qua sông phải vượi qua một con đường mà trên mặt đường cứ 200 m lại có một trạm gác và trên dòng sông luôn có nhiều Giang đoàn tàu của quân đối phương. Vì vậy cả bốn lần qua đây đều vào ban đêm và sẵn sàng chấp nhận cái chết một mình. Rất nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống dưới dòng sông này vì súng đạn của đối phương và cả sự hy sinh vì không biết bơi.
Có người khi đuối nước đã kêu lên “cứu tôi với” (theo bản năng). Đó chính là thông tin cho đối phương “lạy ông tôi ở bụi này” và cả đơn vị đã hy sinh vì bị lộ. Vì vậy mới có quy định “khi vượi sông nếu ai kêu lên thì người bên cạnh phài dìm người đó xuống nước cho khỏi kêu nữa”. Quy định này được quán triệt “chết một người còn hơn chết cả đơn vị”. Và quan trọng hơn là không hoàn thành nhiệm vụ phía trước. Vì vậy mà có người không biết bơi “tự hy sinh” không dám kêu cứu. Sự hy sinh hết sức cao cả...
Hôm nay cũng trên dòng sông này chúng tôi không phải bơi vào ban đêm nữa mà bằng con “Phà”. Nhưng hình ảnh những người đồng đội năm xưa khi qua con sông này thì không chỉ là kỉ niệm...