Mỗi lần trở lại nơi này tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và suy tư. Vẫn cái “Bến sông” và cây dừa đã cao thêm…

Có thể nói đây chính là nơi tôi khởi đầu làm quản lý - khởi nghiệp. Một người đi cùng vừa chụp giúp tấm ảnh vừa nói “đây như là nơi sinh ra của TGĐ”. Một câu nói nhiều ý nghĩa.

 
327213030_1215936575982734_6872697557805491497_n.jpg

Chuyển chuồng lợn thành nhà ở có thể không hiếm. Nhưng chuyển cả dãy chuồng lợn thành nhà ở cho các gia đình công nhân thì tôi tin không nhiều.

Thời “bao cấp” mỗi trại sản xuất giống lúa của ThaiBinh Seed đều có một trại chăn nuôi lợn. Nuôi lợn lấy thịt thì không phải mục đích chính mà lấy phân bón ruộng mới quan trọng.

Chuồng lợn được thiết kế theo kiểu từng dãy. Trong mỗi dãy chia thành nhiều ô. Mỗi ô chia thành 2 phần, một phần “nổi” khoảng 1/3 diện tích để cho lợn ăn nằm, còn 2/3 là “phần chìm” để chứa phân. Phần chìm sâu hơn phần nổi khoảng nửa mét.

 
326792311_1849593328756698_2590021193002995176_n.jpg

Năm 1988 tỉnh quyết định lấy 1/2 khu văn phòng trại giống lúa Đông Cơ làm xí nghiệp Thủy tinh - Đứa con đầu tiên của Khu công nghiệp Tiền Hải bây giờ. 42 con người ở trong hai dãy nhà ngói bị đuổi ra ngoài quây cót ở trong mái tôn.

Là lãnh đạo trại tôi không biết làm thế nào để có chỗ ở cho công nhân nên tôi đã quyết định chuyển hai dãy chuồng lợn thành nhà ở cho công nhân.

Tôi cho dọn sạch chuồng lợn rồi đổ đất vào phần chìm làm nền nhà. Tổ chức làm gạch thủ công lát nền và xây ngăn từng ô chuồng lợn thành từng phòng ở cho công nhân, làm lại mái và cửa từng phòng ở.

Bây giờ những đứa trẻ sinh ra từ những căn phòng “chuồng lợn” ấy đã trưởng thành đi khắp mọi miền tổ quốc. Có người làm công chức, cán bộ và cũng có người làm công nhân của Trại.

Bây giờ dãy nhà đó chỉ còn là kỉ niệm như biểu trưng của một thời “cay đắng”.

Ngày Xuân trở lại đây chụp tấm hình và chia sẻ với các bạn một kỉ niệm của thời kỳ bắt đầu đổi mới từ Kinh tế bao cấp sang Kinh tế thị trường.