Khi tôi còn rất nhỏ, ngày tết sang nhà hàng xóm chơi, ông Phạm Trọng Thảo nhà cùng ngõ đọc hai câu thơ: Pháo nổ đì đùng con cấu (bẹo) bố/Bánh Chưng không gạo vợ nhìn chồng. Nghe hai câu thơ tôi chưa hiều nhiều về nội dung và hàm ý của lời thơ. Tuy nhiên tôi lại nhớ hai câu thơ ấy đến bây giờ.
Lớn lên một chút mới hiểu nỗi cơ cực của người nông dân quê tôi. Ngày trước đời sống khó khăn lắm. Đến tết nhà nào cũng phải có Bánh Chưng để cúng tổ tiên vào ngày 30 têt và Pháo để đốt lúc giao thừa. Nhưng nhà nông nghèo đông con (nhà Bố Mẹ tôi có 10 người con) cơm ăn không có, lấy tiền đâu mua Pháo đốt và mua Gạo nếp, thịt heo để gói bánh chưng. Vì vậy khi nghe tiếng pháo nổ thằng bé chỉ biết “cấu bố” năn nỉ mà không dám xin tiền. Nhà có điều kiện gói bánh chưng nhà mình không có nên vợ chồng nhìn nhau. Thương con mà “Bánh chưng không gạo vợ nhìn chồng.
Ngày nay không còn được đốt pháo nên không lo phải mua Pháo. Nhưng nếu còn cho đốt pháo thì chắc không đến nỗi “con cấu bố” nữa. Còn Bánh chưng chỉ còn mang tính hương vị ngày tết, là một phần của văn hoá tết thôi.
Nhưng người nông dân bao giờ cũng vậy. Mặc dù đời sống bây giờ đã tốt hơn xưa nhiều, người nông dân vẫn là người vất vả nhất, thiệt thòi nhất và vẫn luôn yêu nghề nhất. Trong những ngày tết này mọi người được nghỉ 8-9 ngày, đi du lịch, thăm thú... thì những người nông dân đã ra đồng cấy lúa xuân vì thời tiết đẹp, thời vụ đẹp và mạ đẹp...
Chúc bà con nông dân Việt Nam năm mới mưa thuận, gió hoà và được mùa lớn./.