Tôi biết Ông khi đọc bài trên Báo Tiền Phong nói về một nghiên cứu sinh Việt Nam đã bảo vệ xuất sắc luận án tiễn sĩ tại Ấn Độ. Đây là người thứ hai trên thế giới và là người Việt Nam được cấp bằng đỏ ở trường đại học này. Đề tài tiến sĩ của Ông nghiên cứu về lúa lai và kết quả đạt năng suất cao nhất lúc bấy giờ. Thời gian đã lâu, thông tin có thể không thật chính xác, tôi chỉ nhớ đại ý như vậy. Nhưng bài báo đã cho tôi một bài học, một tấm gương và một thần tượng. Mặc dù tôi chưa biết Ông là ai và lúc đó tôi còn chưa biết gì về nghiên cứu giống lúa.
Người ta có câu “Ở đời người ta gặp nhau là duyên phận”. Có lẽ duyên phận cuộc đời và nghề nghiệp đã đưa tôi đến với Ông, gắn bó với Ông. Đầu năm 2001 sau khi được giao nhiệm vụ giám đốc Cty tôi đã vào viện nghiên cứu lúa ở ĐBSCL - Viện Ô Môn. Rất bất ngờ khi đoàn chúng tôi được giới thiệu Tiến Sĩ Bùi Bá Bổng Giám đốc Viện Ô Môn. Nghe giới thiệu tôi giật mình nhớ lại bài báo năm trước nói về Ông. Các bạn thử hình dung khi bất ngờ gặp thần tượng của mình như thế nào nhé. Tôi im lặng quan sát con người mà không bao giờ nghĩ là đang đứng trước mặt tôi, trực tiếp giới thiệu với chúng tôi một doanh nghiệp nhỏ bé về hoạt động của một viện Quốc gia. Hình ảnh một nhà khoa học nổi tiếng nhưng rất giản dị trong sinh hoạt, chân thành trong chia sẻ, truyền cảm hứng, chỉ dẫn cho bạn bè, đồng nghiệp... cứ in sâu mãi trong tâm trí tôi từ đó cho đến mãi bây giờ.
Trong buổi làm việc ở Viện Ô Môn tôi được Ông giới thiệu về lai tạo giống lúa, về hệ thống nghiêm cứu của viện. Ấn tượng nhất mà tôi thấy một Ông Viện trưởng mặc quần Bò, đi xe Honda 67 đèo tôi đi thăm vòng quanh viện và trưa được ăn cá rô đồng nướng. Món mà tôi thích nhất khi còn sống ở rừng Tràm Nam Bộ trong chiến tranh. Kết thúc buổi làm việc Ông cho tôi 199 cặp lai và 32 triệu đồng với lời dặn: Anh mang về miền Bắc chọn lọc, làm thuần và tuỳ chọn đặt tên rồi phát triển giống cho nông dân sử dụng. Tôi đã thực hiện lời dặn của Ông và chọn lọc được 10 dòng thuần có triển vọng trong 199 dòng Ông gửi cho. Sau đó tôi liên hệ gửi lại cho Ông. Nhưng lúc đó Ông đã là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, tôi phải nhờ Ông Lê Hưng Quốc Cục trưởng Cục Nông nghiệp để gửi lại cho Viện Ô Môn. Trong số 10 dòng thuần có một dòng tương đối thích hợp ở miền Bắc được đặt tên là TSC2 đươc đưa lên Hoà Bình. Khi dự hội thảo về dự án lúa nông hộ tôi mới biết. Đến 2009 lên làm việc với huyện Kim Bôi tôi được giới thiệu về TSC2 nhưng họ không biết cụ thể giống lúa ấy ở đâu nữa.
Trong thời gian làm việc tại Bộ Nông Nghiệp Thứ trưởng Bùi Bá Bông luôn quan tâm giúp đỡ phát triển ngành thương mại giống cây trồng Việt Nam. Ông là người ủng hộ ý tưởng thành lập Hiệp Hội thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) khi Ông là Thứ trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng Giống cây trồng Quốc gia. Chính Ông đã ký quyết định công nhận Ban vận động thành lập hiệp hội và văn bản đề nghị Bộ Nội vụ quyết định thành lập hiệp hội.
Sau thời gian làm Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Ông chuyển sang làm việc cho FAO tại Thái Lan. Trước khi nghỉ việc tại Thái Lan Ông đã mời chúng tôi sang thăm FAO, Hiệp hội giống cây trồng Châu Á Thái Bình duong - APSA và Hiệp hội giống cây trồng Thái Lan với mục đích tăng cường hợp tác của VSTA với các tổ chức giống cây trồng nước ngoài.
Gần hai mươi năm được làm việc với Ông đã để lại cho tôi nhiều tình cảm sâu lặng về một nhà khoa học chân chính, một người Thầy và một người bạn thân thương. Mỗi lần gặp Ông tôi lại càng cảm nhận về một nhân cách sáng chói của một nhà khoa học một nhà lãnh đạo của ngành Nông nghiệp ở một giai đoạn chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước./.
Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=815912415414680&set=a.133157533690175&type=3