Theo nghĩa đen “Đại là To - Điền là Ruộng”. Cũng như “Diêm Diền là Ruộng Muối”. Khi tôi còn bé không hiểu “Diêm Điền” là gì. Sau này lớn lên mới biết Diêm Điền là Ruộng Muối. Cái làng làm muối cũng có nhiều sự tích. Ở đây có cả đền thờ “Bà Chúa Muối”. Cái tên làng Diêm Điền có con sông chảy qua ra biển được đặt tên là “Sông Diêm Điền”.
Bây giờ “ruộng muối” quê tôi sắp lên “Thành Phố Diêm Điền” rồi. Đó là sự phát triển của lịch sử.

 
336536193_9160194664020632_661385265132334149_n.jpg

Quay lại câu chuyện “Đại Điền - Ruộng To”. Khi tôi lên 6 tuổi, ở quê tôi có “phong trào” hay “cách mạng” hay “công cuộc” cũng không biết nhưng có cụm từ “Cải cách ruộng đất”. Có nghĩa là “lấy đất của Địa chủ chia cho người nghèo”. Địa chủ thì nhiều đất lắm còn “Bần cố nông” thì không có đất phải làm thuê cho địa chủ hoặc mượn ruộng của Địa chủ Cày cấy rồi “nộp tô” cho Địa Chủ.

Sau giải phóng miền Bắc 1954 Đảng và nhà nước thực hiện chủ trương Người cày có ruộng”. Và thực hiện “cải cách ruộng đất”. Quá trình này là thực hiện lấy đất của địa chủ chia cho dân nghèo không có ruộng.

Mặc dù lúc đó còn nhỏ nhưng tôi được chứng kiến việc chia ruộng cho nông dân như ngày hội lớn, rồi đấu tố Địa chủ, rồi lấy thóc và đồ dùng của Địa chủ chia cho người nghèo(kể cả cái cối giã cua hay cai mâm thau).

Nhà tôi được chia hơn một mẫu ruộng ở rất nhiều vị trí khác nhau trên cánh đồng sau làng. Bây giờ tôi vẫn nhớ được một số vị trí dù đã thay đổi nhiều. Có thể nói đó là cuộc Cánh mạng về ruộng đất đầu tiên ở nước ta.

Đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Chúng ta thực hiện “phong trào “Hợp tác hoá-HTH”. Tức là chỉ sau 5-6 năm chia ruộng cho nông dân thì thực hiện HTH. Người nông dân lại đem những mảnh ruộng ấy góp vào HTX nông nghiệp. Và ruộng đất thành của chung tập thể HTX. Người nông dân làm công lấy điểm và được chia hoa lợi trên công điểm mà mình có được. Phong trào HTX góp phần quan trọng vào việc cung cấp lương thực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Vì vậy ở Thái Bình có Phong trào “Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người”.

Phong trào HTX ở Thái Bình đã làm lên kỳ tích “5 tấn/Ha”. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 phong trào HTX không còn phù hợp. Các HTX hoạt động kém hiệu quả do quản lý yếu kém, người dân không hăng say lao động và cơ sở vật chất, hạ tầng lạc hậu dẫn đến trì trệ. Lúc đó công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Nền kinh tế dựa vào nông nghiệp là chính. Vì vậy tình hình kinh tế xã hội rất khó khăn.

Từ thực tế đòi hỏi buộc phải thay đổi cơ chế kinh tế. Bắt đầu từ Khoán ở Vĩnh Phúc, sau ở Hải Phòng, rồi Hà Tây và nhiều nơi khác. Năm 1981 Chỉ thị 100 của Trung ương về khoán trong sản xuất nông nghiệp. Phong trào “5 Khâu - 3 Khâu” ra đời. Tuy nhiên chỉ thị 100 chưa thực sự thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Nhưng từ thực tể này năm 1988 Bộ Chính trị đã Ban hành Nghị Quyết 10 về nông nghiệp. Đây là một nghị quyết “Lịch sử”. NQ10 thực sự đã cởi trói cho nông nghiệp và là động lực để phát triển nông nghiệp Việt Nam có vị thế như ngày hôm nay.

Sau 25 năm thực hiện NQ10 và công cuộc đổi mới đất nước đã phát triển không ngừng, công nghiệp, dịch vụ phát triển, đời sống người nông dân cũng thay đổi, lao động nông thôn chuyển đi làm công nhân và nông dân không còn gắn bó với mảnh ruộng như xưa. Chính vì vậy mà hiện tượng để hoang đất nông nghiệp đã diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó có Thái Bình.

Xuất phát từ tình hình dân bỏ ruộng nhưng có những người muốn làm nông nghiệp và điều kiện cơ giới hóa thuận lợi nên một số người đã “mượn hoặc thêu tạm” ruộng của người khác để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn hơn. Có hộ quy mô 2ha, 5ha, 10 ha. Thậm chí có hộ 100 ha. Cách đây mấy năm chỉ có một vài hộ. Nhưng hiện nay ở Thái Bình đã có hàng trăm hộ có diện tích canh tác từ 2 ha trở lên.

Đây thực sự là những người yêu nông nghiệp và gắn bó với ruộng đồng. Họ là những người nông dân thực thụ. Nhưng nhiều người chưa có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Điều kiện cơ sở vật chất, vốn liếng còn khó khăn. Không phải cứ có đất nhiều là có thể làm giàu ngay được. Họ cần Kinh nghiệm, cần sự giúp đỡ của mọi người và nhà nước.

Đây cũng là yêu cầu của sự phát triển và cũng xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi cần được tổ chức chặt chẽ giúp lớp nông dân mới này phát triển lành mạnh và bền vững.

Câu lạc bộ ĐẠI ĐIỀN THÁI BÌNH là những người có quy mô “sản xuất lớn” rải rác ở các huyện của Thái Bình Họ là những dũng cảm và đầy sáng tạo. Họ dám thuê ruộng của người khác để sản xuất quy mô lớn. Điều này thực sự đáng được khuyến khích trong khi luật đất đai 2013 vẫn còn quy định hạn điền và việc tích tụ đất đai vẫn chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng. Điều này sẽ là tiền đề để tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa sau khi Quốc Hội thông qua luật đất đai sửa đổi.

Trong nông nghiệp người nông dân Thái Bình luôn có những đột phá, đổi mới và sáng tạo, tiên phong. Hy vọng “Câu lạc bộ Đại Điền” sẽ là một nhân tố mới để nông nghiệp Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống của “Quê hương năm tấn” xứng danh quê lúa Thái Bình…