Tối qua tôi nhận được tin nhắn “Anh Nguyễn Trọng Tạo ra đi rồi! Đọc tin nhắn tôi bang hoàng sửng sốt, rồi nỗi buồn trào dâng trong tâm hồn. Tôi không tin và tìm đọc thông tin trên báo. Một lát sau trên trang facebook của anh Nguyễn Trọng Tạo có dòng chữ “Ba vừa đi lúc 19h50”. Lúc này tôi mới tin Anh đã ra đi. Tôi nhắn tin cho người thân, bạn bè của tôi biết. Tôi chia sẻ trên trang của mình với lời viết: “Xin chia buồn cùng gia đình Ông. Vĩnh biệt người Nghệ sĩ mà tôi yêu mến. Cầu chúc hương hồn Ông siêu thoát về chốn cực lạc”. Sau đó tôi không thể viết thêm được gì nữa mặc dù muốn nói về Ông rất nhiều.

Nguyen-Trong-Tao-(2).jpg

Tôi biết anh Nguyễn Trọng Tạo từ khi nghe bài hát “Khúc hát sông quê” khi bài hát mới ra đời. Cái câu: “qua nửa đời phiêu dạt, tôi lại về úp mặt vào sông quê” đã gợi cho tôi rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ khi bơi lội trên dòng sông quê. Cuối năm 2011 một đoàn có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ từ Hà Nội về Thái Bình làm việc. Tôi được mời tham gia làm việc với đoàn. Sau khi ăn trưa ở Quỳnh Phụ, tôi ngồi uống nước cạnh anh Nguyễn Trọng Tạo, anh nói: Mình về Thái Bình 14 lần rồi mà chưa sáng tác được tác phẩm nào về Thái Bình cả. Tôi chợt hiểu, Anh đang ấp ủ một sáng tác mới về quê lúa mà chưa tìm được cảm xúc. Tôi nói: Mời đoàn chiều nay đi theo tôi thăm lúa nhé. Chiều hôm đó đoàn đi cùng tôi xuống thăm Trung tâm nghiên cứu của Công ty vào giữa mùa lúa chín, Anh Nguyễn Trọng Tạo đã xuýt xoa trước những ô thí nghiệm giống mới trĩu bông, Anh nói với tôi: “Đẹp quá Báo ạ! Các cậu giỏi quá. Không ngờ một doanh nghiệp mà làm được như các viện nghiên cứu vậy”.
Mười một ngày sau, tôi đang trên đường từ Trung Quốc về, vừa qua cầu Bính (Hải Phòng) thì nhận được tin nhắn của Anh “Tớ tặng chú bài hát”. Tôi mở hệ thống Bluetooth trên xe ô tô để kết nối với điện thoại của mình. Và khi nghe được một nửa bài hát do ca sỹ Anh Thơ thể hiện, thì tôi đã bật khóc. Ngồi cạnh tôi là họa sỹ Đỗ Như Điềm. Điềm liên tục thốt lên:
- Bài hát hay quá, cảm động quá. 
Thế rồi trên suốt quãng đường 72 km từ Hải Phòng về Thái Bình, chúng tôi cứ mở đi mở lại bài hát đó. Điềm tập hát theo còn tôi thì ngồi nghe, suy tư và những giọt nước mắt cứ thế trào ra. Tôi thấy hạnh phúc quá. Cuộc đời quả đã không phụ công sức của mình. Và tôi thầm cảm ơn Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ông đã nói thay tình cảm của tôi với quê hương, với cây lúa.
Lời bài hát có những câu “Câu hát cho em ươm hạt giống/ Câu hát cho anh gieo mùa vàng/ Câu hát em yêu người Thái Bình/ Câu hát anh thương hạt giống vàng/ Câu hát cho ta yêu cuộc sống/ Cây lúa cho ta yêu trọn đời…”. Sau đó tôi gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ông kể :
Sau lần đó ở Thái Bình về, mình cứ trăn trở mãi nhưng chưa tìm được ý để sáng tác một bài hát về Thái Bình, về quê lúa. Vừa rồi được mời về dự liên hoan toàn quốc về hát chèo ở Thái Bình. Ngồi nghe những làn điệu chèo và cảm nhận về những người làm giống lúa, cùng với những cảm xúc về những đồng lúa óng ánh vàng tại đây, mình đã viết rất nhanh bài hát này, và nhờ ca sỹ Anh Thơ thể hiện. Sau khi nghe Anh Thơ hát, thấy hay, tớ gửi tặng luôn chú đấy. Bài hát này, nếu có thua thì chỉ chịu xếp sau bài “Khúc Hát Sông Quê” thôi.
Bài hát đã nhanh chóng được chấp nhận. Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Công ty Giống cây trồng Thái Bình (10/1/1972- 10/2/2012), tôi đã mời ca sỹ Anh Thơ hát bài hát này. Sau khi Anh Thơ hát, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Bá Bổng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lúc đó đang dự lễ kỷ niệm, đã đề nghị tôi gửi bài hát này cho ông. Nghe lời đề nghị đó, tôi chợt nhận ra “Tình Ca Hạt Giống Vàng” không phải dành riêng cho tôi, cho riêng ThaiBinh Seed, cho Quê Lúa Thái Bình, mà là cho tất cả những ai làm giống lúa, cho tất cả những ai làm Nông nghiệp ở Việt Nam.

Nguyen-Trong-Tao-(3).jpg

Trong chương trình “ Nối vòng tay biển” của Đài phát thanh truyền hình tỉnh Nghệ An tại Cửa Lò năm 2012, ca sỹ Anh Thơ đã hát bài hát này, và được 15 Đài truyền hình cả nước tiếp sóng. Bài hát đã thực sự trở thành tài sản tinh thần của người Thái Bình. Tại lễ kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/2015), bài hát “Tình Ca Hạt Giống Vàng” đã được chọn để trình bày trong chương trình nghệ thuật.

Rồi một lần Anh Nguyễn Trọng Tạo gửi thư cho tôi: “Thân tặng TS Trần Mạnh Báo người đã khơi nguồn cho tôi viết ca khúc này”. Anh đã in bản nhạc TÌNH CA HẠT GIỐNG VÀNG có ảnh tôi và Anh rồi đem về Thai Bình tặng tôi…
 

Nguyen-Trong-Tao-(4).jpg

Bây giờ Anh đã về với tổ tiên, nhưng “Tình Ca Hạt Giống Vàng” còn mãi với Thái Bình với Nông dân Việt Nam. Trong lòng tôi thầm biết ơn Anh, người nhạc sĩ tài năng, một nhà văn, nhà thơ, một họa sĩ nổi tiếng. Cảm ơn Anh đã để lại cho nền nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm cho đời mãi mãi.
Xin Vĩnh Biệt Anh, Người Nghệ sĩ taì hoa, chính trực mà tôi luôn yêu mến, kính trọng. Xin Chia buồn cùng gia quyến, bạn bè, đồng nghiệp và những người thương yêu của Anh. Bài viết thay lời cảm ơn và một nén tâm nhang viếng hương hồn Anh. Cầu mong hương hồn Anh siêu thoát về nơi Cực lạc./.

 

Nguyen-Trong-Tao-(5).jpg