(Thân tặng Mam Chuy, Thuy Bui và các bạn dự Diễn đàn kinh tế tư nhân nhóm Nông nghiệp 02.05.2019)

- Nếu muốn chụp ảnh với tôi phải cho 50k uống rượu. 
- Anh làm gì mà hôm nay ngày nghỉ lễ lại đến đây vậy?
- Thưa “Sư Phụ”! E đi theo anh em vào đây thăm lại chiến trường xưa ạ! 
- Vậy anh ở đâu đến?
- Em từ miền Bắc vào.

Đột nhiên một cậu bé chừng 12-13 tuổi ngồi trên bao thóc đối diện nói chen vào: Ông ơi, tối qua con thấy bác này trên ti vi trong chương trình “Tri ân đồng đội” nè!
Ông nông dân quay lại hỏi cậu bé: Đúng không mày, vậy tối qua ông này còn ở Hà Nội mà? Rồi không đợi cậu bé trả lời ông quay sang hỏi tôi: Vậy bây giờ anh làm gì?
Tôi cố tình không cho bà con nông dân đang nhập sản phẩm cho Cty biết mình là ai nên chỉ trả lời là theo anh em đi chơi nhân dịp nghỉ lễ 30/4-1.5 thôi.

Giữa cái nắng chói chang buổi trưa của vùng Nam Trung Bộ? Câu chuyện giữa những người nông dân và chúng tôi cứ thế mỗi lúc một râm ran. Lúc đầu chỉ có tôi và một ông già sinh năm 1963 nhưng nhìn người có thể sẽ nghĩ ông đã 70 tuổi rồi!

Sau một hồi nói chuyện thì khoảng cách lần đầu gặp giữa tôi và những người nông dân không còn nữa. Ông quay sang hỏi tôi. 
- Anh có uống rượu không?
- Có ạ, nhưng bây giờ không có rượu. Tôi trả lời. 
Không nói thêm gì ông cầm tay tôi kéo sang ngôi nhà đối diện. 
- Nhà có rượu không? Ông hỏi một câu bâng quơ giữa sân nhà. Trong nhà có tiếng nói vọng ra. “hết rượu rồi ông ạ”. Ông liền rút ra tờ giấy 10k đưa cho cậu bé nói: “Mi đi ra cái quán nhà... mua cho tao mười ngàn rượu trắng nhé”. Cậu bé cầm tờ 10k chạy vút ra đường, chừng 5’ sau quay về trên tay là một túi nilon đựng đầy dung dịch trắng như nước cất nói.
- Rượu của ông đây ạ!
- Lấy tao hai cai ly. Ông ra lệnh.
Cậu bé chạy vào nhà lấy ra hai cai ly to nhưng hai cái khác nhau. Ông già rót dung dịch trong túi nilon cậu bé mua về ra hai cái ly đầy rồi quay sang tôi nói:
- Rượu đây, mời anh!
- Rượu này có an toàn không ạ? Tôi hỏi.
- An toàn chứ. Ông già khẳng định.
- Ai kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm? Tôi hỏi tiếp.
- Tôi kiểm tra chứ ai. Rượu này uống có say nhưng không đau đầu anh ạ. Ông già nói như khẳng định.

Tôi nhìn ly rượu khoảng gần nửa lít mà thấy ái ngại. Ông cầm hai ly rượu lên đưa cho tôi một ly rồi đưa tay ra nói “chúc mừng 44 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Tôi chỉ còn biết làm theo. Đợi ông uống trước hết quá nửa ly rồi sẻ tiếp cho đầy ly của ông và nói: “Em nhờ ông giúp em vì em lớn hơn ông 13 tuổi nên tửu lượng bây giờ kém rồi”. Ông vui vẻ đồng ý nhưng nói lại với vẻ nghi ngờ: “anh hơn tôi 13 tuổi hả? Tôi không tin. Anh lấy gì làm bằng chứng”? Tôi nói: nếu ông không tin thì đưa chứng minh thư(CMT) ra đây làm căn cứ. Tôi vừa nói xong ông rút Thẻ bảo hiểm y tế và CMT để ra bàn rồi yêu cầu tôi bỏ CMT ra xem.
 

Khi tôi để CMT của mình cạnh CMT của ông và nói: CMT là đủ rồi, ông cất Thẻ bảo hiểm đi. Ông nói CMT chỉ có năm sinh không có ngày tháng rồi ông gọi mọi người đến chứng kiến. Khi cậu bé công bố ông kém hơn tôi 13 tuổi thì ông vui vẻ uống hết ly rượu. Mọi người cười ồ lên. Tôi ôm ông nhấc bổng lên trời hỏi. Ông nặng bao nhiêu kí? Ông trả lời: bốn mươi kí, rồi ông nói:

“Cả vùng này 99% người dân theo cách mạng. Ngày mai kỉ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chúng tôi nghỉ không nhập sản phẩm cho các anh đâu”. Tôi hỏi ông ngày nghỉ lễ con cháu ông có về thăm ông bà không? Ông trả lời. Ông có hai đứa con, một đứa làm giáo viên trường sĩ quan Quân đội NDVN, một đứa làm Bác sĩ ở Đà Nẵng. Tôi hỏi về kết quả sản xuất vụ ĐX2018 - 2019. Ông nói rất rành rọt về cây trồng, giống nào năng suất cao, chất lượng ra sao, phân bón, sâu bệnh thế nào. Tôi ngồi nghe bà con bình luận về từng giống lúa, giống lạc ở đây mà hiểu thêm rất nhiều điều. Tôi hỏi: Bà con ở đây trồng lạc có bón vôi không? Ông đọc ngay một câu kinh điển: “không Lân, không vôi thì thôi trồng lạc”. Tôi giật mình khi nghe một ông già ở cái nơi đầy nắng, gió và cát này đọc một câu mang tính bản chất của nghề trồng lạc mà nhiều cán bộ nông nghiệp chưa chắc đã biết. Ông là Võ Văn Tâm, sinh ngày 01.01. 1963 ở thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Lúc này trời đã sang chiều, cái nắng đã bớt gay gắt, chia tay với ông và bà con chúng tôi ra cánh đồng đang thu hoạch trà muộn. Những chiếc máy gặt đang cắt những thửa 
ruộng lúa cuối cùng. Mặc dù rất mệt nhưng nhìn những ruộng lúa chín vàng, sạch sẽ, không sâu bệnh và hầu như không có hạt lép. Tôi hỏi mấy bác nông dân đang chờ máy gặt vào bờ để đưa thóc vào bao: 
- Sao ở đây gieo cấy muộn vậy các bác?
- Đầu vụ gieo xong bị lũ cuốn trôi mất phải gieo cấy lại. Nhờ trời thời tiết cuối vụ thuận lợi nên được mùa lớn anh ạ. Một bác nhanh nhẹn trả lời.

Tôi đi qua những thửa ruộng đã gặt, đến một thửa ruộng chưa gặt mà xung quanh đã gặt hết xem giống gì. Thấy tôi cứ đứng xem mấy anh chị nông dân tò mò cũng đến xem. Tôi quay lại hỏi? 
- Sao thửa ruộng này chưa gặt ạ? Một chị nói: 
- Thửa này của Bà... không nằm trong hợp đồng với Cty mà hợp đồng với một bà mua bán lúa nên chưa gặt.
- Vậy các bác ở đây hợp tác với Cty nào ạ? Tôi hỏi lại.
- Chúng tôi hợp tác với Cty Thái Bình.
- Có nhiều Cty có tên Thái Bình thì các bác biết Cty nào tin tưởng được? Tôi hỏi tiếp.
- Cty có trụ sở ở Tam Kỳ anh ạ.

Vừa đi vừa nói chuyện, chúng tôi đến một thửa có cái máy gặt lớn đang gặt lúa và nhiều người đang đứng chuẩn bị nhận thóc từ máy gặt cho vào đống bao trắng để trên bờ. Trong đám đông có một người mặc áo bảo hộ màu xanh thấy tôi đến liền chào: Chào TGĐ! Tôi ngước lên bờ và nhận ra anh là cán bộ HTX NN. Khi nghe anh cán bộ chào tôi, mọi người quay lại nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Mấy anh chị đi cùng tôi từ nãy đến giờ trên cánh đồng cứ như nghe chuyện lạ. Một bác nói. 
- Chúng tôi xin lỗi từ nãy đến giờ cứ tưởng anh là nhà báo đi tìm hiểu thông tin, không nghĩ ông TGĐ lại ăn mặc kiểu này và đi lội ruộng chiều nắng vậy?
- Tôi vội trả lời: Xin lỗi các bác, các anh chị. Tôi muốn được nghe ý kiến thật của các bác, anh chị nên chưa giới thiệu ạ.

Anh cán bộ HTX quay sang nói: Giới thiệu với bà con “đây là TGĐ của ThaiBinh Seed”. Một chị chừng 45 tuổi có vẻ “thạo tin” nói. À, bác này là bác Báo, hay lên ti vi lắm. Tôi vội thanh minh “thỉnh thoảng thôi ạ”. Rồi tôi quay sang hỏi: các bác làm liên kết sản xuất với ThaiBinh Seed có thấy thiếu xót gì không ạ? Một bác lớn tuổi nói: Không có tồn tại gì lớn anh ạ. Chúng tôi được ứng giống, được tập huấn quy trình canh tác trước khi thực hiện hợp đồng. Trong suốt vụ sản xuất cán bộ của Cty thường xuyên đến hướng dẫn chúng tôi chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đến vụ thu hoạch thì đưa bao mới cho HTX phát cho nông dân tại ruộng. Máy gặt xong thu mua chuyển về Cty và thanh toán nhanh gọn. Bà con phấn khởi lắm. Chỉ có điều địa phương chưa có chỗ để cho Cty thu mua được thuận lợi. Và một số Cty khác còn đến tranh mua, bán nên cũng hơi phức tạp.

Mặt trời đang khuất dần xuống dãy Trường Sơn phía tây. Chúng tôi chia tay bà con quay vào làng, đến chỗ nhập sản phẩm. Tôi nhảy lên xe máy chị nông dân lúc trước về cho nhanh. Chị đi xe máy rất giỏi, đi qua những cái bờ ruộng gập ghềnh nhưng tôi không dám bám vào người chị. Chị nói “anh cẩn thận kẻo ngã xuống ruộng đấy”. Tôi trả lời: “Chị yên tâm, ruộng ở đây khô mà tôi có võ nên không sợ. Mà chị không nên đội nón đi xe máy không an toàn đâu, không may có cơn gió từ phía sau, nón úp vào mặt là ngã, rất nguy hiểm đấy”. Chị nói: Vâng ạ, em rút kinh nghiệm.

Chúng tôi về đến chỗ nhập sản phẩm.
Một chiếc xe tải đỗ bên đường chờ nhận hàng. Hai anh cán bộ và một cái bàn nhựa (bên những ngôi mộ) chuẩn bị đón những xái xe máy, xe lôi chuyển thóc từ ngoài đồng về nghiệm thu chất lượng rồi đưa lên xe về nhà máy chế biến của Cty.

Thế là trời đã xẩm tối, một ngày từ sân bay Chu Lai về huyện miền núi Đại Lộc chân dãy Trường Sơn, rồi về ven biển Thăng Bình, gặp những người nông dân, ăn trưa cùng họ, lội ruộng cùng họ, nhá nhem tối chia tay họ ra về trong lòng tôi trĩu nặng nhưng tâm sự, vui có, buồn có.

Vui vì bà con được mùa mặc dù thời tiểt năm nay không thuận lợi như năm trước.
Buồn vì giá lương thực năm nay không cao. Buồn vì cơ sở vật chất ở nông thôn còn sơ sài quá. Buồn vì liêt kết nông dân doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhiều chỗ bà con còn bị thua thiệt do doanh nghiệp bội ước. Buồn vì (Đối tác của chúng tôi) những người nông dân gầy gò, già hơn tuổi cả chục năm. Buồn vì nhiều nơi chính sách của Đảng và nhà nước chưa được quan tâm, chưa được thực thi kịp thời để có nhiều thuận lợi hơn cho bà con. Buồn vì đối tác Sản xuất, tiêu thụ nông sản, chuyển giao tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn it. Buồn vị kinh doanh chụp giật, lừa đảo những người nông dân thật thà chất phác vẫn còn.

Tôi hứa với lòng mình sẽ gửi hai giống lúa mới vào khảo nghiệm ở đây vụ Hè Thu này, sẽ quay lại thăm những “ĐỐI TÁC SIÊU ĐẲNG” và đem rượu vào cùng uống cho vui./.