(Sài Gòn Đầu tư Tài chính) - Trao đổi với Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính, ông TRẦN MẠNH BÁO, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho rằng để ứng dụng CMCN 4.0 vào nông nghiệp và phát triển một nền nông nghiệp CNC bền vững, hiện đại, mấu chốt vẫn là yếu tố con người, cụ thể là đào tạo và phát triển nhân lực có trình độ cao.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, với sự khuyến khích lớn từ Nhà nước, chúng ta nên phát triển nông nghiệp 4.0 theo hướng nào?
Ông TRẦN MẠNH BÁO: - Ứng dụng nông nghiệp 4.0 là phải đi từ sản xuất cho đến thu hoạch. Một nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng mạnh mẽ các thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), sẽ tạo ra những thiết bị đầu cuối vừa tương thích, vừa đơn giản nhưng giải quyết được nhiều vấn đề.  Khi ấy, người nông dân dù ở xa nhưng vẫn như đang trực tiếp trên cánh đồng hay mảnh vườn. Họ sẽ biết được chu kỳ tiến triển, quá trình tăng trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi cũng như tình hình dịch bệnh thông qua các thiết bị cảm ứng đưa về bộ xử lý. 

Vấn đề đặt ra là hạn chế tối đa rủi ro các khâu chăm sóc, thu hoạch. Thực tế thất thoát sau thu hoạch của ngành nông nghiệp Việt Nam rất cao và lãng phí. Cho nên việc áp dụng máy móc công nghệ thông minh sẽ định lượng tốt cho việc này. Nên học hỏi các quốc gia thành công trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại. Chẳng hạn, học cách nâng cao và quản trị chất lượng của nền nông nghiệp Nhật Bản.

Hoặc học cách quản lý chuỗi và xây dựng thương hiệu của nông nghiệp Thái Lan. Chúng ta cũng có thể học cách hướng về khách hàng và quản trị mang tính hệ thống cao của nông nghiệp Singapore. Hay như Israel, có những chuẩn mực, yêu cầu từ ban đầu rất cao về mặt chất lượng cho toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu tạo giống, chăm sóc, đóng gói, bao bì. Đặc biệt, hệ thống startup trong nông nghiệp của họ được hướng dẫn nhiều nên ít khi gặp thất bại. 

Đương nhiên, Việt Nam không thể học hỏi rập khuôn, bởi mức độ phát triển, tính đồng đều của họ rất cao, điều kiện của họ cho phép, thể chế lại rất chặt chẽ, tính kỷ luật tốt.  Để học và vận dụng nông nghiệp 4.0, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng toàn bộ chuỗi giá trị các loại cây trồng, vật nuôi từ A đến Z, từ chưa có, rồi chuẩn bị về môi trường, về giống, rồi toàn bộ khâu ươm trồng. Nói chung, những yếu tố cần thiết để các loại cây trồng, vật nuôi đủ điều kiện phát triển mạnh trong môi trường nông nghiệp thông minh. 

- Đầu tư mạnh nông nghiệp hiện đại là cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt. Vậy quá trình hình thành và phát triển các DN này sẽ ra sao, cần những trợ lực gì, thưa ông?

- Nền nông nghiệp 4.0 của Việt Nam muốn mạnh phải có những DN dẫn đầu, có thương hiệu mạnh, tầm cỡ quốc gia. Muốn vậy, chúng ta phải có chính sách đặc thù, cụ thể hơn phải có cánh đồng lớn và những máy móc thiết bị có tính hệ thống đầy đủ cho cánh đồng đó. Hiện nay, có những vấn đề phát sinh đang đặt ra đối với hoạch định và thực thi chính sách. Thí dụ, nếu muốn tạo ra cánh đồng lớn phải bỏ ranh giới bờ ruộng nhằm đưa máy móc hiện đại vào tương tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy chế biến hạt giống ThaiBinh Seed

Bên cạnh đó phải làm sao để nông dân đứng chung với nhau và thấy được viễn cảnh tốt đẹp, một chiến lược, cam kết của Nhà nước hay nhà đầu tư về sự hiệu quả của nông nghiệp 4.0 chứ không vận động suông, không hỗ trợ gì. Điều này đòi hỏi sự cụ thể hóa từ chính sách. Đơn cử, như Luật DN hay Luật Hỗ trợ DNNVV cần phải được phát huy tối đa trong chuyện này. Hoặc những nghị định đặc thù về vấn đề này cần triển khai tốt để DN thật sự có niềm tin, mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp 4.0. 

- Thực tế hiện nay nông dân hay DN muốn đầu tư CNC vào sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

- Đối với nền nông nghiệp, nỗi đe dọa lớn nhất là thời tiết. Không ai có thể cản trở sản phẩm hữu hình và vô hình từ tư duy sáng tạo của nông dân. Mình nhỏ làm nhỏ, vừa làm vừa, lớn làm lớn. Trong điều kiện công nghệ phát triển và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, bản thân nông dân và DN nông nghiệp nếu quá ít vốn, trình độ nhận thức thấp, khó trở thành DN lớn về nông nghiệp thông minh.

Nhà nước cũng không thể nào đầu tư cho nông dân hay DN theo kiểu đó được. Để có lộ trình trở thành nền nông nghiệp 4.0, phải đầu tư kiến thức và thay đổi nhận thức cho nông dân, DN nhỏ về định hướng, chính sách nông nghiệp hiện đại và thông minh. 

Nông dân, các chủ DN cần phải chủ động tìm hiểu kho thông tin, bởi ngành nông nghiệp vốn có hệ thống tư vấn nhiều nhất trong các ngành và trải rộng trong cả nước. Nông dân và DN nông nghiệp cũng phải tự “thoái vốn” ở những lĩnh vực không hợp lý, không phải chuyên môn, thế mạnh để đầu tư vào giá trị cốt lõi nhằm hướng đến nông nghiệp 4.0. Nếu mình mạnh về vật nuôi, cây trồng nào đó, hãy tập trung dùng hết công nghệ, sức lực để học tập, đầu tư cho nó. 

- Để xây dựng nông nghiệp 4.0 đạt hiệu quả, theo ông cần những giải pháp gì và yếu tố nào quan trọng nhất?

- Chúng ta nên tập trung vào những giải pháp lớn, phải thể chế hóa Luật Hỗ trợ DNNVV. Bởi ngành nông nghiệp đa phần là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Điều này đòi hỏi những văn bản, nghị định có liên quan phải đưa ra thật nhanh trong bối cảnh phát triển công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại.

Nhà nước cần nâng cấp nông dân từ nhận thức cho đến việc đầu tư vào nông nghiệp thông minh. Nông dân, DN rất mong sự hỗ trợ, giám sát, dẫn dắt của Nhà nước để họ có thể đi vào công nghệ mới từ chuỗi sản xuất cho đến đóng gói bao bì và tiêu thụ. 

Về yếu tố quan trọng nhất, tôi cho rằng đó là con người. Hiện nay, nhu cầu sử dụng lao động có trình độ ứng dụng CNC của các DN trong nông nghiệp rất lớn, nhưng nguồn đào tạo nhân lực trong nước chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh đó, để ứng dụng được nền tảng 4.0, nền nông nghiệp Việt nên đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, tức lĩnh vực R&D, nhất là những giống cây trồng mới ở những thổ nhưỡng phù hợp để chỉ dẫn cho nông dân nên làm theo cách nào. Nhà nước phải là nhà tư vấn cho nông dân từ việc canh tác cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng hay xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, cách giao tiếp, bán hàng ở nước ngoài.

- Xin cảm ơn ông.

Bước vào CMCN 4.0, các nước trên thế giới đã đi qua cuộc CMCN lần 2 và lần 3, nhưng Việt Nam chưa trải qua 2 cuộc cách mạng này. Bây giờ chúng ta bước vào CMCN 4.0, tức phải đào tạo cùng lúc  nhân lực 2.0, 3.0 và 4.0 và đào tạo cả người quản lý nhân lực đó.

Lưu Thủy (thực hiện)