Trong muôn vàn tình yêu thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình những tình cảm yêu quý đặc biệt. Bác đã về thăm Thái Bình 5 lần, vào những thời điểm lịch sử, những lúc khó khăn nhất, vui mừng nhất. Bác đã về với Thái Bình như một người cha yêu quý. Những lời dặn dò, động viên, nhắc nhở của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho tỉnh Thái Bình có những bước phát triển mới, cán bộ, nhân dân thêm nhiều tiến bộ. Biết ơn Bác, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình càng ra sức học tập và làm theo lời Bác.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên phong trào cách mạng của các địa phương, trong đó có phong trào cách mạng của tỉnh Thái Bình. Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến lúc Bác đi xa, Thái Bình 5 lần được vinh dự đón Bác về thăm.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập, đứng trước muôn vàn khó khăn, 28 vạn người chết đói, 500 quân Tưởng kéo vào, quấy phá. Khi biết tin Đê Đìa (thuộc huyện Hưng Nhân) và Đê Mỹ Lộc (thuộc huyện Thư Trì) bị vỡ, làm ngập cả 8 huyện, thị, ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hưng Yên đến thăm Thái Bình. Đây là lần đầu tiên Đảng bộ và nhân dân Thái Bình được đón Bác về thăm. Người đến thăm đoạn đê Đìa mới bị vỡ. Trước đông đảo đồng bào Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và nhắc nhở nhiệm vụ trước mắt là phải đắp lại đê và cứu đói. Bác hứa khi nào đắp xong Bác sẽ xuống thăm.
Giữ đúng lời hứa, khi biết tin nhân dân Thái Bình chỉ trong 3 tháng đã khắc phục được hậu quả 2 quãng đê bị vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình lần thứ 2. Đó là ngày 28/4/1946.
12 năm sau, ngày 26/10/1958, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình mới lại được đón Bác về thăm lần thứ 3. Tại trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo những công việc của Thái Bình đã làm được trong năm 1958. Tại sân vận động thị xã, Người đã có buổi nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân Thái Bình. Người đánh giá cao những thành tích mà quân dân Thái Bình đã đạt được. Người kết luận “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”.
Được biết, Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Bác đến thăm hợp tác xã Nam Cường, xã điển hình đi đầu trong công tác lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác, Bác khen ngợi thành tích ngăn biển, khai phá đất hoang và tặng huy hiệu cho 4 cán bộ, xã viên có thành tích xuất sắc của xã Nam Cường.
Người đến thăm Hội nghị phát động phong trào sản xuất trong nông nghiệp toàn tỉnh, gặp gỡ các đại biểu đang họp tại xã Đông Lâm huyện Tiền Hải. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tặng huy hiệu của Người cho 14 chiến sỹ thi đua về lao động sản xuất trong toàn tỉnh. Sau đó, Hồ Chủ tịch đi thăm một số gia đình xã viên của xã Đông Lâm, thăm một đơn vị bộ đội đóng quân tại địa phương.

 
Vào một buổi chiều đông cuối năm, tiết trời se lạnh. Ngày 31/12/1966, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ 5, mừng Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha. Đêm đó, Bác nghỉ lại khu sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ ThưSáng hôm sau, ngày mùng 1/1/ 1967, Bác có buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình tại Đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư.

1.jpg
Đồng bào, cán bộ Thái Bình phấn khởi chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu
 
Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng buổi gặp Bác vẫn còn đậm in trong tâm trí nhiều người. Ông Đỗ Như Thơ - khi ấy là Chủ tịch UBND xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư, một trong số ít cán bộ được trực tiếp gặp và bảo vệ cho Bác kể lại: “Lúc này, được tin Bác về thăm, chúng tôi tổ chức đi đón Bác tại sân đình thôn Đại Đồng, xã Tân Hoà. Tôi được chỉ định cùng với các đồng chí cảnh vệ bảo vệ cho Bác suốt 13 tiếng đồng hồ. Bác nghỉ tại ngôi nhà lá này, ăn bữa cơm tối cùng với quê hương Tân Hoà. Sáng hôm sau Bác sang Đình Phương Cáp”.
“Hôm nay, Bác cùng với các đồng chí Tố Hữu và Hoàng Anh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm Thái Bình là tỉnh trong năm 1966 đã sản xuất giỏi. Bây giờ có mấy câu chuyện nói với các cụ, các cô, các chú” - Bác đã mở đầu buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình vào sáng ngày mùng 1 tháng 1 năm 1967 như thế.
Trong lễ mừng công Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha, dẫn đầu năng suất lúa toàn miền Bắc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và trên 100 cán bộ đại diện cho 4 vạn đảng viên, với hơn 1 triệu đồng bào cùng một số xã viên của Hợp tác xã Tân Phong và Hiệp Hòa (huyện Thư Trì) được trực tiếp nghe những lời dạy của Bác.
Bác khen nhân dân ta sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi. Muốn sản xuất phải nắm vững kỹ thuật canh tác để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Bác nói về những biện pháp thủy lợi, làm phân, nuôi cá, trồng cây. Rồi Bác khen Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây khá. Nói đến việc sản xuất thời chiến, Bác bảo phải chú ý đến đội quân lao động rất đông là nữ. Bác phê phán tệ nạn đánh vợ. Bác mong rằng từ nay về sau không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa. Bác khen HTX Tân Phong đạt hơn 7 tấn thóc/ha. Bác khen phong trào báo công, đình công của Thái Bình. Sau đó, Bác nói về công tác xây dựng Đảng, sự đoàn kết trong Đảng giữa đảng viên cũ, đảng viên mới, đảng viên già, đảng viên trẻ. Cuối cùng, Bác nói về phòng không nhân dân, phải ra sức bảo vệ tài sản của Nhà nước, của HTX.

2.jpg
Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1967 khi Người về mừng công Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha. Ảnh tư liệu
Tâm sự với chúng tôi, Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu cho biết: Thái Bình là 1 trong những tỉnh Bác về nhiều nhất, thể hiện sự quan tâm của Bác đối với nhân dân Thái Bình. Đặc biệt năm 1967, đang có chiến tranh phá hoại, Bác về thăm Thái Bình, đi qua lối đò Triều Dương sang Thái Bình. Bác về dặn mấy việc, phải trồng cây, phải học tập. Thái Bình phải tạo thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt.
Dưới tầm bom đạn của giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, người dân Thái Bình vẫn chắc tay súng, vững tay cày, bảo vệ thành quả xã hội chủ nghĩa và làm lên những đồng lúa 5 tấn/ha.
Những kỷ niệm, cùng niềm vui, niềm vinh dự và tự hào trong 5 lần đón Bác về thăm vẫn hiện lên sống động, tràn đầy xúc cảm. Dù khoảng cách thời gian đã mấy chục năm, nhưng ký ức về những lần Bác về thăm Thái Bình vẫn không bao giờ phai nhạt. Những câu chuyện, ấn tượng về Bác, tình cảm của Người với mảnh đất và nhân dân Thái Bình vẫn luôn đậm sâu và sáng mãi. Bởi đó là những kỷ niệm vô giá được nâng niu, trân trọng. Mỗi lần Bác về thăm là mở ra một chặng đường lịch sử mới, tỉnh Thái Bình thêm 1 bước phát triển, cán bộ, nhân dân thêm nhiều tiến bộ.
Khắc sâu lời dạy của Bác, trong suốt chặng đường gian khó và cho đến hôm nay cũng như sau này, người dân Thái Bình luôn khắc ghi hình ảnh Người về thăm Thái Bình, ghi nhớ và làm theo những lời căn dặn của Bác.
“Ôi giữa lòng ta Bác đến tự thủa nào
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Mỗi buổi sáng nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu.”
.......
 Lời căn dặn của Bác “phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt” luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình ghi nhớ, khắc sâu và chuyển thành hành động. Những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đã minh chứng cho điều đó...
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ một vùng độc canh cây lúa, nông nghiệp của Thái Bình đã chuyển sang sản xuất hàng hóa với sản lượng lớn và chất lượng cao. Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện CNH khâu sản xuất giống cây trồng.
...
Ngày hôm qua, Thái Bình là vùng hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức để thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”

 
Tác giả : Ban tuyên giáo tỉnh ủy