BÀI DỰ THI SỐ 2:
--------------------------------------------------------------------------------
”Đàn bà con gái nào có biết bừa, nên tôi phải nhờ bố lên bừa san ruộng hộ. Bố tôi là một lão nông nên làm phăm phăm, nhưng nhìn con trâu thì to, ruộng thì thụt đến bụng trâu mà thấy xót xa lắm…”

27 năm gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp với ThaiBinh Seed, cô Trần Thị Thành – GĐ CN Thái Phương có những kỷ niệm không thể nào quên. Qua bài viết dự thi, xin mời toàn thể người lao động trong công ty cùng ôn lại những ngày chưa cơ giới hoá đầy khó khăn vất vả ấy, và cùng bình chọn cho bài viết giàu cảm xúc này.
-------------------------------------------------------------------------------
HƯNG HÀ - NGÀY ẤY TRONG TÔI

Rời ghế trường đại học nông nghiệp I Hà Nội, chia tay bạn bè, thầy cô với biết bao những kỉ niệm vui buồn của thời sinh viên, tháng 9 năm 1989 tôi trở về Thái Bình xin việc mong muốn với những kiến thức đã được học trong trường đóng góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương. Nhưng cũng chưa biết xin vào đâu, gặp ai để xin và khi đi xin việc thì nói thế nào để được nhận vào làm. May mắn tôi được biết công ty giống cây trồng của Tỉnh cần tuyển. Tôi mừng lắm, thế là có cơ hội để làm việc rồi. Sau khi gặp bác Hãn, giám đốc công ty lúc bấy giờ, bác vui vẻ nhận lời và còn cho tôi 2 lựa chọn: Một là cháu về trại Đông Cường, hai là về trại Hưng Hà, tùy cháu chọn.
Mặc dù là người Thái Bình nhưng thú thực lúc đó tôi cũng không biết trại Hưng Hà hay trại Đông Cường ở đâu và ở đó thì làm những cái gì. Tôi tham khảo người thân rồi quyết định lên trại Hưng Hà.

Ngày đầu đạp xe đạp lên Hưng Hà, tôi thấy hơi xa và mệt, nhìn cơ sở vật chất thì nghèo nàn, nơi ăn chỗ ở thì sơ sài và lụp xụp, vài dãy nhà ngói cấp 4 đã cũ, đang xuống cấp, tường mốc rêu, vữa tróc, mái thì sập sệ, xung quanh trại toàn là chuồng trâu và đống rơm, chỉ có tòa nhà tầng thì đang xây dựng tầng 2, trông thật buồn và vắng vẻ.
Tôi gặp bác Huấn trại trưởng, sau khi tôi giới thiệu về mình, hai bác cháu đã trao đổi sơ qua về công việc, rồi bác hẹn tôi tuần sau đến nhận việc, nhưng khi tôi đến nhận việc thì bác Huấn được chuyển về Tỉnh, bác Hiển ở trại Đông Cường lên thay. 
Những ngày đầu mới đi làm thật vất vả, phải lao động chủ yếu bằng chân tay chứ đâu được dùng cơ giới máy móc như ngày nay. Tôi được phân công vào tổ lọc do chị Tường phụ trách, phải làm tất cả các công việc từ vạc bờ, cuốc góc, chở phân, rồi cấy, làm cỏ, bón phân, phun thuốc sâu, gặt vv...khoán theo ngày. Mỗi ngày vừa nhổ mạ, vừa cấy 4 băng lúa (khoảng hơn một sào), còn vụ gặt cũng gặt 4 băng sau đó xén lượm gánh về rồi đập bằng tay, rơm thì trục bằng trâu, tôi mới vào chưa thạo việc lại làm một mình, còn các chị trong tổ đã quen việc, có con hỗ trợ nên bao giờ cũng làm xong trước tôi. Tôi còn nhớ có những ngày vừa gặt xong thì trời đổ mưa, lúa ướt sũng chưa mang về được, may có anh Hệ công nhân ra gánh giúp. Nhất là đến vụ phun thuốc sâu phải khoác cái bình động cơ to tướng trên vai khi nổ máy rung mạnh nếu đi và bám không chắc sẽ bị ngã.

Kỷ niệm mà tôi nhớ nữa đó là khi tôi làm ở tổ lọc, ruộng chủ yếu do máy cày bừa to làn nên phải dùng trâu để san lại ruộng. Khổ nỗi ngày đó trong tổ toàn đàn bà con gái làm gì có ai biết bừa, nên tôi phải nhờ bố lên bừa san ruộng hộ. Bố tôi là một lão nông việc này đối với ông không có gì khó, nhưng nhìn bố bừa con trâu thì to, ruộng thì thụt đến bụng trâu mà thấy xót xa lắm…

Kỉ niệm nhập rơm cho trâu ăn mới khổ làm sao! Chúng tôi cứ bảo thủ kho to hơn thủ trưởng mà lại là thủ kho rơm chứ (chúng tôi vẫn gọi chị Huệ chăn trâu là thủ kho rơm vì chị ấy được giao nhiệm vụ nhập rơm). Ngày ấy trại Hưng Hà có 3 con trâu nên đến mùa phải phơi rơm khô rồi nhập vào kho để cho trâu ăn, những hôm nắng nóng phải chen nhau vào kho rơm để nhập thì thật là khổ bởi nếu không nhanh chân phải trèo cao vất vả. Mà rơm phơi phải khô cong chứ còn ẩm thủ kho rơm không nhập đuổi ra bắt phơi lại, nghĩ lại đến bây giờ vẫn còn ớn.
Ngày tôi mới về bắt đầu chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế khoán sản phẩm, năm đó tôi nhớ cấy giống OM của miền nam, được mùa nhiều thóc lắm, nhưng không bán được nên trả lương và vượt sản khoán của công nhân bằng thóc, có hộ được vài tấn. Công nhân sau vụ đó một số người chán xin thôi việc, liền lúc 3- 4 công nhân xin nghỉ. Bác Hiển trại trưởng lúc đó mới về lo lắm. Bác sợ không có người làm nên tối đến mang đèn pin vào nhà các chị công nhân ở trong thôn Đồng Lạc để vận động họ quay lại làm việc. Nhưng không ai ở lại cả. Thế rồi nhờ kiên trì và chịu khó, mọi chuyện đâu cũng vào đó. Còn ít công nhân thì chia tăng diện tích lên, trước bình quân mỗi người hơn 1 mẫu, thì giờ người nhiều khoảng 1,7 mẫu. Công nhân ngày đó vất vả lắm, làm hơn 1 mẫu mà quần quật suốt ngày, con khóc hết nước mắt, bố mẹ vẫn còn ở đồng, nhiều hôm chạy mưa vợ chồng còn đánh cãi nhau ầm cả sân.
Trại Hưng Hà ngày đó đông công nhân lắm, lúc cao điểm cả trại lên tới 30 người, nhất là ngày mùa vừa gặt lúa ngoài đồng, vừa đập lúa, trục rơm, phơi thóc, phơi rơm trên sân nhộn nhịp lắm. Ngày đó đã lao động thủ công thì chớ lại còn bảo thủ và lạc hậu nữa chứ. Tôi nhớ thời kỳ đó khi máy tuốt bắt đầu xuất hiện để tuốt lúa giải phóng sức lao động thì mừng lắm nghĩ từ nay không phải đập lúa đến phồng rộp cả tay, thế mà khi kéo máy vào tuốt lúa giống, cán bộ kỹ thuật thời đó không cho tuốt bảo làm rạn gẫy hạt không nảy mầm. Về sau chúng tôi làm thí điểm kéo máy ra đồng tuốt ruộng cấy lúa giống riêng của mình thì không ảnh hưởng gì đến chất lượng. Sau vụ đó máy tuốt được đưa vào tuốt lúa giống cho trại và đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí và công sức lao động của công nhân.
Ngày mới về trại Hưng Hà chỉ có mình tôi là thanh niên còn ít tuổi, các anh chị đều đã lớn tuổi nên trại không có đoàn thanh niên, mãi sau này có thêm vài ba đồng chí nữa xin vào mới thành lập chi đoàn mà tôi là bí thư. Bí thư đoàn khi đó cũng 35 tuổi rồi, các đồng chí khác cũng trên 30 tuổi.

Nhớ lại những ngày vất vả đó đó nhiều lúc tôi nghĩ không biết mình có trụ lại được không. Xong rồi dần theo thời gian tôi quen với công việc và được sự giúp đỡ của các anh chị ở trại, họ thật thà, tốt bụng và vui tính, họ giúp tôi nhiều trong công việc nên tôi đã gắn bó với trại Hưng Hà từ ngày ấy.

Năm tháng qua đi những lo toan vất vả và mệt nhọc cũng được đền đáp, trại Hưng Hà chúng tôi ngày một phát triển và lớn mạnh theo thời gian. Không còn đâu cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, cảnh đập lúa bằng néo, trục rơm bằng trâu... giờ đây các công đoạn sản xuất giống đã được cơ giới hóa toàn bộ, giải phóng sức lao động cho con người. Người công nhân nhận 4-5 mẫu ruộng làm nhẹ tênh. Kỹ sư bây giờ chủ yếu nghiên cứu, chọn lọc, các công việc giản đơn cơ bản đã có công nhân làm. Có được kết quả đó là công sức đóng góp của tập thể người lao động và các đồng chí lãnh đạo trại qua các thời kỳ từ khi thành lập cho đến ngày hôm nay. Sự phát triển của trại Hưng Hà cũng nằm trong sự lớn mạnh không ngừng của Công ty giống cây trồng Thái Bình (bây giờ là ThaiBinh Seed). 45 năm qua, trải qua biết bao sóng gió thăng trầm, các thế hệ lãnh đạo của ThaiBinh Seed qua các thời kỳ đã tìm ra con đường đi đúng đắn để đến hôm nay TBS đã gặt hái được nhiều thành công. ThaiBinh Seed ngày càng được phát triển và mở rộng về cả quy mô, vị thế uy tín và thương hiệu, là công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của Việt Nam. Một ThaiBinh Seed uy nghi, vững vàng tiến bước vào con đường hội nhập. Tôi tự hào khi mình được làm việc và cống hiến cho TBS, được sống trong ngôi nhà chung giàu tình thương và đầy trách nhiệm này. Tôi tự hào khi được làm việc dưới sự lãnh đạo của các đồng chí trong ban giám đốc công ty qua các thời kỳ, nhất là ông Trần Mạnh Báo- Tổng Giám Đốc đương nhiệm, người đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, vạch ra đường lối chiến lược đúng đắn, con đường dẫn đến thành công ngày hôm nay. Ông và các cộng sự đã trải qua nhiều giai đoạn gay go, quyết liêt từ sau khi xóa bỏ chế độ bao cấp, bước vảo thời kỳ cổ phần hóa, đến giai đoạn thoái hết vốn nhà nước, xây nên một TBS vững mạnh như ngày hôm nay. Ông đã tạo công ăn việc làm đầy đủ cho trên 300 con người với thu nhập ngày một được nâng cao. Tôi vui mừng vì có được thành tựu và kết quả trên cũng có sự đóng góp công sức của chúng tôi - những kỹ sư nông nghiệp, những cán bộ bán hàng, đội ngũ công nhân...hơn 300 người lao động của ThaiBinh Seed ngày đêm lăn lộn trên đồng ruộng, trên thương trường.
Tôi tự hào và yêu biết bao nhiêu ThaiBinh Seed, ngôi nhà chung đã cho tôi nhiều kỉ niệm mà tôi đã gắn bỏ cả cuộc đời. Tôi cũng biết ơn các đồng chí lãnh đạo của ThaiBinh Seed qua các thời kỳ đã tạo công ăn việc làm và giúp đỡ chúng tôi về cả vật chất, tinh thần để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và có được thành quả như ngày nay. Nhân kỉ niêm 45 năm ngày thành lập TBS cho phép tôi được gửi tới các thế hệ lãnh đạo TBS, các đồng chí trong ban điều hành và nhất là Ông Trần Mạnh Báo- Tổng Giám Đốc của chúng tôi lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn chân thành nhất, chúc cho TBS ngày một phát triển và hùng mạnh trên thị trường giống của nước nhà và thế giới.

Thái Phương, tháng 11 năm 2016
Trần Thị Thành – GĐ Chi nhánh