HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG GIỐNG KHOAI TÂY DIAMANT
21/06/2018
1. Nguồn gốc: Giống khoai tây Diamant có nguồn gốc từ Hà Lan.
2. Đặc tính giống:
- Đặc điểm thực vật học: Thân cao trung bình (40 - 45cm), thân đứng, lá xanh đậm, củ dạng hình ovan, vỏ và ruột củ vàng, mắt củ rất nông
- Đặc điểm về nông học: Thời gian sinh trưởng 85 - 95 ngày; chống chịu tốt với virus Y; năng suất vụ đông > 25 tấn/ha; vụ xuân 19 - 22 tấn/ha; tỷ lệ củ thương phẩm cao (>50%); hàm lượng chất khô khá cao (17 - 19%); là giống đang được ưa chuộng, rất thích hợp cho ăn tươi và chế biến.
Là giống ưa lạnh (vì có nguồn gốc từ xứ lạnh Bắc âu) nên những năm ấm nhanh tàn hơn, những năm lạnh kéo dài TGST và cho năng suất cao.
3. Hướng dẫn sử dụng:
3.1 Chân đất: Tốt nhất là đất sau vụ lúa nước. Đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ, không chua, chủ động tưới tiêu.
3.2 Lượng giống sử dụng cho 1 sào Bắc bộ: 40 - 45 kg/ sào
3.3 Thời vụ: Vụ đông: gieo từ 1 - 10/11; Vụ xuân: Gieo từ 15/12 - 5/1
3.4 Xử lý củ giống trước khi trồng:
Đối với khoai tây mới thu hoạch đã được đơn vị cung ứng xử lý phá ngủ thì sau khi nhận giống về cần rải đều củ ở nơi thoáng mát, phủ bao tải ẩm lên trên để giữ ẩm, khi nhú mầm mới đem trồng.
Đối với khoai tây đã được bảo quản trong kho lạnh, mầm đã nhú có thể đem trồng ngay, nếu chưa trồng ngay thì rải mỏng để nơi thoáng mát.
3.5 Bổ củ:
Nếu cỡ củ to trên 55mm, tương đương trên 80g/củ thì nên bổ củ.
* Cách bổ: Dùng dao sắc, lưỡi dao mỏng để bổ, vết cắt sẽ không bị dập, bị xước. Bổ dọc củ khoai (kiểu bổ cau) mỗi mảnh phải có 2 - 3 mầm. Sau khi bổ được 10 - 15 củ hoặc sau khi bổ phải củ bị bệnh cần phải nhúng dao vào nước vôi hoặc xà phòng đặc hoặc cồn để tránh lây bệnh sang củ khác.
* Cách xử lý vết bổ:
- Nếu trồng ngay: Chấm vết cắt vào bột xi măng.
- Nếu để 3 - 4 ngày mới trồng: Chấm vết cắt vào tro bếp, đây là biện pháp an toàn nhất.
- Nếu để 7- 10 ngày mới trồng: Bổ củ không đứt rời, để lại vài li, không xử lý gì, đến khi trồng tách ra.
* Lưu ý khi trồng củ cắt:
+ Trồng gọn ở một nơi để tiện chăm sóc
+ Đặt miếng cắt nghiên hoặc ngửa, không úp vết cắt xuống dưới.
+ Không bón lót phân đạm và kali.
+ Tưới đủ ẩm, không tưới đẫm nước dễ gây thối củ.
3.6 Mật độ: Luống đôi: rộng 1,4 m, mặt luống 90 cm; rạch 2 rãnh, sâu 15 cm, rãnh cách rãnh 35 cm, rãnh cách mép luống 25 cm.
Luống đơn: rộng 0,7 m, mặt luống 50 cm; rạch 1 rãnh ở giữa, sâu 15 cm
Luống cao 20 cm.
3.7 Phân bón: Lượng phân bón cho 1 sào: phân chuồng 500- 700 kg (càng nhiều càng tốt), lân supe 15 - 20 kg, đạm urê 7- 8 kg, kali 6 - 7 kg. Nên sử dụng phân bón tổng hợp NPK chuyên dùng cho khoai tây, lượng bón và cách bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
* Cách bón:
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân + 30% phân ure vào rãnh hoặc từng hốc hoặc thay phân lân và đạm ure bằng 10 kg NPK (15:9:13+TE) hoặc 10 NPK (16:16:8) + 7kg NutriSmart (NS), sau đó lấp một lớp đất mỏng lên phân.
- Bón thúc:
. Bón thúc lần 1 + vun lần 1: sau trồng 20 ngày (sau mọc 10 ngày), bón 50% tổng số đạm + bón 50% tổng số Kali hoặc bón 5 - 7 kg NPK (15:9:13+TE) kết hợp vun đè dây.
. Bón lần 2 + vun lần 2: sau bón thúc lần 1: 10 ngày toàn bộ lợng phân còn lại, hoặc bón 6 - 8kg NPK (15:9:13+TE) kết hợp vun cao luống.
Lưu ý khi bón phân cho khoai tây :
- Phải bón đúng lúc và cân đối NPK, bón nhiều đạm (N) có tác hại đến chất lượng củ giống sau này. Phải kết thúc bón phân trước 40 ngày sau trồng.
- Phân chuồng phải ủ thật hoai mục vì phân chưa hoai sẽ là mầm mống củ nhiều bệnh nhất là bệnh héo xanh và bệnh ghẻ củ. Tuyệt đối không dùng nước phân chuồng hoặc nước tiểu để tưới.
- Không để củ giống chạm phân: rắc phân xung quanh hoặc đặt giữa hai củ khoai giống, bón xa gốc 10 - 12 cm.
3.8 Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:
* Tỉa cây: Khi cây cao 10 cm, tỉa mầm còi cọc ở những khóm có số mầm trên 4 mầm.
* Vun: Vun lần 1: Vun cao 15 - 20 cm, kết hợp cùng với bón phân thúc lần 1.
Vun lần 2: Vun cao 35 - 40 cm, không được để hở củ, kết hợp cùng với bón phân thúc lần 2.
* Tưới nước:
Lúc trồng: Nếu độ ẩm đất <75% thì phải tưới trước khi trồng
Tưới lần 1: xong khi đã bón thúc và vun lần 1 (sau bón phân 2 ngày)
Tưới lần 2: xong khi đã bón thúc và vun lần 2 (sau bón phân 2 ngày)
Dừng tưới trước 70 ngày kể từ khi trồng hoặc trước thu hoạch 20 - 25 ngày.
Mỗi lần tưới chỉ cho nước ngập 1/3 - 1/2 rãnh sau đó rút nước ngay.
* Phòng trừ sâu bệnh:
- Bệnh virus xoăn lùn, virus cuốn lá: dùng củ giống sạch bệnh, phun thuốc trừ rệp, nhổ bỏ cây bệnh và tiêu hủy tàn dư khi nhổ cây bệnh không để tay tiếp xúc với cây khỏe.
- Bệnh héo xanh: Không trồng khoai tây trên ruộng lúa vụ trước trồng các cây họ cà, không bón phân chuồng tươi, tránh dùng nước tưới nhiễm khuẩn.
- Bênh mốc sương (Sương mai): Nên phun định kỳ 10-15 ngày/lần sau trồng 45 ngày thuốc chống sương mai bằng thuốc nội hấp như: Ridomil MZ, Score 250 ND, Alpine. Nếu có vết bệnh điển hình lần phun đầu tiên phải cộng với thuốc tiếp xúc như Zineb, mancozeb…
- Rệp: Xuất hiện sau trồng 30-60 ngày, có thể dung thuốc Pegasus 500 EC hoặc Trebon 10 EC để phun.
3.9 Thu hoạch:
- Không thu non quá, cũng không thu già quá. Thời gian thu ở đồng bằng Bắc bộ khoảng 80 - 90 ngày sau trồng.
- Thu vào ngày nắng ráo, tuyệt đối không thu hoạch vào trời mưa, trước khi thu hoạch cần cắt bỏ thân lá trước vài ngày hạn chế sâu bệnh truyền vào củ.
- Thu đến đâu rải củ trên mặt để làm ráo vỏ củ. Phân loại củ ngay tại ruộng (của giống, của thương phẩm, củ bi…); loại bỏ củ dị hình, sâu bệnh, củ bị sứt sẹo. Củ giống phân theo kích thước để dễ bảo quản.
- Khi thu hoạch, vận chuyển trách gây tổn thương cơ giới cho củ; vết thương càng nhiều, củ hô hấp càng mạnh, thoát hơi nước càng nhiều.
Sau khi để ráo vỏ, mới đóng vào bao chuyển về kho lạnh bảo quản.